Có thể thấy, thời gian gần đây liên tục những vụ án mạng xảy ra mà hung thủ chính là những người thân trong gia đình. Nạn nhân thiệt mạng là vợ, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ của hung thủ, trong đó phần lớn không thủ là những đối tượng có tiền án tiền sự, liên quan đến ma túy hoặc trong những gia đình mà mâu thuẫn kéo dài không có lối thoát... Đã đến lúc báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận không nhỏ trong xã hội. Mối quan hệ giữa vợ chồng, cha con và những người thân trong gia đình được duy trì trên cơ sở đầu tiên là các quy phạm đạo đức, sau đó là đến các quy phạm pháp luật.
Dưới góc độ đạo đức thì con cái phải biết vâng lời, kính trọng, yêu mến cha mẹ. Vợ chồng có bổn phận yêu thương, quý mến, giúp đỡ lẫn nhau. Khi con cái không biết vâng lời cha mẹ, không biết kính trọng cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ, vợ chồng đánh cãi chửi nhau... thì đó là biểu hiện của một gia đình mâu thuẫn, đạo đức xuống cấp. Và những hành vi vi phạm pháp luật hoàn toàn có thể xảy ra xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng, sức khỏe của những người thân trong gia đình.
Dưới góc độ pháp luật thì pháp luật luôn bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác cũng đã có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì thường sẽ bị xử lý bằng chế tài hình sự với những mức hình phạt nghiêm khắc. Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người mà đối tượng phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng thì đó là hành vi bị tăng nặng trách nhiệm hình sự bởi hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc con rể sát hại vợ, thậm chí sát hại bố mẹ vợ gây hoang mang trong dư luận. Đối tượng xâm phạm đến tính mạng của người khác sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người” với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Dù hình phạt của đối tượng gây án trong những vụ án huynh đệ tương tàn, chồng sát hại vợ, còn sát hại cha mẹ có ở mức nào chăng nữa thì nỗi đau của những người còn lại là nỗi đau kép khi mà con cái, cháu chắt đồng thời là bên bị cáo, cũng đồng thời là bên bị hại, người thì bỏ mạng, kẻ thì tù tội, phải đền mạng trước pháp luật. Những vụ án mạng như vậy gây ám ảnh đối với cộng đồng dân cư và đối với những người còn lại trong cuộc. Tất cả những mâu thuẫn đó đều có những nguyên nhân của nó, khi nguyên nhân không được phát hiện và giải quyết thì chuyện gì đến sẽ phải đến, mâu thuẫn đỉnh điểm thì xung đột sẽ xảy ra và hậu quả rất khó lường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án mạng mà hung thủ gây án là con rể, là chồng và nạn nhân là vợ, gia đình nhà vợ, trong đó có thể kể ra một vài nguyên nhân như:
- Đối tượng gây án thường là những đối tượng hung hãn và có tính ích kỷ cao độ, thường coi trọng lợi ích của mình mà so đo, coi nhẹ lợi ích của người khác, thậm chí coi nhẹ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của những người xung quanh. Những đối tượng này thường chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình, nguyện vọng mong muốn của mình, quyền lợi của mình mà không quan tâm đến lợi ích của những người khác. Khi quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc cho rằng mình đang chịu thiệt thòi thì đối tượng có thể tìm mọi cách để trả thù, đòi hỏi bằng được quyền lợi của mình, kể cả việc sử dụng bạo lực với những người thân;
- Văn hóa và nhận thức của những đối tượng này thường hạn chế. Các đối tượng thường coi nặng vật chất và coi nhẹ vấn đề tình cảm đạo đức. Các đối tượng thường sinh ra và lớn trong những gia đình không có hạnh phúc, tuổi thơ có thể bất hạnh và không hiểu hết những giá trị đạo đức trong gia đình dẫn đến tình cảm, đạo đức, trách nhiệm đối với những người thân như vợ, con, bố mẹ rất hạn chế. Vì quyền lợi của bản thân mà sẵn sàng bất chấp tình cảm, đạo đức để tranh giành, chiếm đoạt;
- Những đối tượng gây án trong những tình huống này thường ít hiểu biết pháp luật hoặc coi thường pháp luật. Vì ích kỷ của bản thân, vì tính sĩ diện hão (muốn thể hiện cái tôi) mà đối tượng sẵn sàng “xuống tay” đối với những người thân của mình, không nghĩ đến hậu quả pháp lý hoặc bất chấp chỉ vì tính ích kỷ và lòng tham. Nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong các trò chơi game hoặc về mặt tâm lý cảm xúc có vấn đề nên coi việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hết sức bình thường, thậm chí sử dụng bạo lực đối với những người thân trong gia đình để tước đoạt tính mạng, xâm phạm đến sức khỏe của họ. Bị ảnh hưởng bởi các trò chơi bạo lực hoặc môi trường thiếu lành mạnh mà các đối tượng trở thành máu lạnh và sẵn sàng sử dụng bạo lực đối với những người thân của mình;
- Các đối tượng gây án thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, nhân thân xấu hoặc có liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma túy, bị kích thích bởi các chất cấm nên thiếu kiểm soát về hành vi dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Với những đối tượng nghiện ngập, không khẳng định được những giá trị của bản thân mình, bị cộng đồng xa lánh, thiếu tôn trọng dẫn đến trong lòng thù hận, có tâm lý trả thù những người xung quanh;
- Mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, ngày càng căng thẳng nhưng không có phương hướng giải quyết phù hợp, những người thân trong gia đình không những không hòa giải hiệu quả mà còn đổ dầu vào lửa, bênh vực thái quá những người ruột thịt của mình dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng thành mẫu thuẫn 2 họ, 2 phe.... Khi mâu thuẫn dồn nén, cảm xúc và những suy nghĩ tiêu cực tích tụ đến một thời điểm thích hợp (khi họ cảm thấy không còn được tôn trọng, bị coi thường hoặc cho rằng quyền lợi của mình bị chiếm đoạt) thì có thể sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến án mạng xảy ra;
- Trong những vụ án mạng thế này thì cũng có nguyên nhân xuất phát từ phía nạn nhân: Có thể nạn nhân thiếu kỹ năng xử lý tình huống có vấn đề, thiếu kỹ năng sống dẫn đến không biết cách giải quyết mâu thuẫn, đôi khi còn làm cho mâu thuẫn ngày càng căng thẳng, có những trường hợp nạn nhân thách thức, làm cho mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng,...
Ngoài ra, một số vụ việc còn thấy trách nhiệm của cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương trong việc hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Có những vụ việc mâu thuẫn nghiêm trọng nhưng việc hòa tại không kịp thời, không hiệu quả. Khi không hòa giải được thì không hướng dẫn đương sự thực hiện các thủ tục khởi kiện để giải quyết các vụ tranh chấp dân sự, ly hôn theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Bởi vậy, để giảm bớt những vụ án huynh đệ tương tàn, con cái sát hại cha mẹ thì việc đầu tiên là cần phải tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, hoạt động giáo dục phải có hiệu quả sâu rộng trong nhân dân. Khi đạo đức xã hội được đề cao, sự tôn trọng, yêu quý giữa những người thân với nhau được duy trì thì đạo đức xã hội sẽ được cải thiện. Khi con người biết tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau, của người khác thì những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm sẽ giảm đi. Khi con người biết sẻ chia, biết giúp đỡ người khác, coi nhẹ những giá trị vật chất thì khi đó những mâu thuẫn, xung đột về vật chất ít xảy ra. Khi người ta biết giúp đỡ, biết yêu thương, biết buông bỏ thì khi đó những mâu thuẫn sẽ có cách giải quyết. Khi đạo đức xã hội, khi văn hóa xã hội được coi trọng, được đề cao thì các xung đột trong xã hội sẽ giảm đi, tình cảm và đạo đức con người sẽ là những liều thuốc để chữa lành những vết thương trong các mối quan hệ xã hội.
Bên cạnh việc nâng cao đạo đức, văn hóa trong xã hội thì cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để mọi người nhận thức, tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện sớm, ngăn ngừa, phòng ngừa và xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt chính sách trong áp dụng các chế tài của pháp luật là khoan hồng, nhân đạo và chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Khi các giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật được thực hiện tốt thì những hành vi vi phạm pháp luật sẽ ít xảy ra, hậu quả sẽ ít nghiêm trọng.
Một xã hội ổn định là một xã hội duy trì những nguyên tắc của tư tưởng “đức trị” hoặc “pháp trị”. Khi quản lý xã hội bằng việc kết hợp hài hòa giữa “đức trị” và “pháp trị”, coi trọng những giá trị căn bản và đề cao việc tôn trọng những quy tắc của cộng đồng thì khi đó những chuyện đau lòng như trên mới ít xảy ra trong xã hội. Những bi kịch sẽ chấm dứt trong các mối quan hệ vợ - chồng, cha - con.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp