Ảnh minh họa.
Cán bộ, công chức có được nhận quà tặng?
Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khoản 2, Điều 22, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định như sau:
“Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.
Trong đó, người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; Sĩ quan, Hạ sĩ quan nghiệp vụ, Sĩ quan, Hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân Công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Như vậy, cán bộ, công chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Công chức cần làm gì với quà tặng để không bị xem là tham nhũng?
Theo Luật sư, tại khoản 2, Điều 26, Nghị định 59/2019/NĐ-CP, khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối.
Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung:
- Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà;
- Loại và giá trị của quà tặng;
- Thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng;
- Mối quan hệ với người tặng quà.
Quy định xử lý quà tặng trái pháp luật
Việc xử lý quà tặng trái pháp luật được quy định tại Điều 27, Nghị định 59/2019/NĐ-CP như sau:
- Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
+ Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;
+ Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
+ Nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
- Đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
- Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc Cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
HOÀNG TRƯƠNG
Hoàn thiện Nghị quyết về học phí, phương án mua sách giáo khoa cho học sinh mượn