Ảnh minh họa.
Vụ kiện dân sự đòi lại đất đã chuyển nhượng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh đã trở thành tâm điểm của dư luận một thời gian dài trước đây, không chỉ là diễn biến của vụ xử kiện này có đương sự toan nhảy lầu mà còn là sự chú ý của mọi người hướng đến việc giải quyết của Tòa án đối với các trường hợp bội ước ra sao.
Nguyên đơn trong vụ án này có 3.500m2 đất trồng cây từ năm 1999, sau đó bán cho 03 người, ba người đó mua đi bán lại cho nhau và cuối cùng diện tích 674m2 tuộc về một người. Ông này đã làm nhà, đưa gia đình về đây sinh sống ổn định, khai báo tạm trú và được cấp số nhà từ năm 2015. Bất ngờ, vào tháng 06/2017, người bán đất khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất từ trước đến nay là vô hiệu.
Đáng chú ý và cũng là cơ sở để khởi kiện là tất cả các giao dịch chuyển nhượng này đều là giấy viết tay, kể cả việc chuyển nhượng 3.500m2 trước đó nhưng người khởi kiện “nắm đằng chuôi” bởi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất 3.500m2 đó vào năm 2005.
Phiên tòa sơ thẩm tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đầu tiên nhưng công nhận những hợp đồng sau đó. Phiên phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ các giao dịch chuyển nhượng trên, bị đơn phải trả lại đất cho nguyên đơn, nguyên đơn trả lại tiền có tính lãi suất 09%/năm. Sau khi nghe tòa tuyên án, người vợ của bị đơn ( người mua cuối cùng, có nhà trên mảnh đất này) lao ra lan can Tòa án nhảy lầu tự tử nhưng được mọi người giữ lại kịp thời.
Tòa án cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, xét xử lại theo hướng công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên. TAND TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý và chuẩn bị xét xử lại sơ thẩm thì ngày 15/6/2022 nguyên đơn đã có đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và Tòa án đã quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên, bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố và vụ kiện đã xoay chiều, nguyên đơn trở thành bị đơn và ngược lại.
Trải qua 05 năm hành trình tố tụng với nhiều nghi ngờ khuất tất, diễn biến gay cấn và cả sự bất bình của dư luận thì giờ đây, công lý đã được tiếp cận và một kết thúc có hậu cho lẽ phải đang rất gần. Điều đáng ghi nhận là đây là bài học đáng giá cho những người bội ước mà dân gian gọi là tráo trở trong các giao dịch dân sự, đặc biệt là đất đai đã từng xảy ra nhiều tại các địa phương khác nhau.
Pháp luật nghiêm minh, đặc biệt là những người nắm giữ cán cân pháp luật không thể để cho sự bội ước lợi dụng mượn tay pháp luật để thỏa mãn lòng tham của họ!
NHỊ NGỌC