Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân về Luật Đất đai.
Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Đặc biệt là những năm gần đây, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được đẩy mạnh thực hiện theo các chương trình, kế hoạch cụ thể, ngày 09/11 hàng năm được chọn là Ngày Pháp luật Việt Nam và công tác phổ biến giáo dục đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Thời gian qua, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã góp phần tích cực vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là những văn bản pháp luật quan trọng như Hiến pháp, pháp luật về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình, thương mại, tài chính ngân hàng, bình đẳng giới… tại nhiều địa bàn và đối tượng khác nhau, từ người dân đến doanh nghiệp và học sinh… bao gồm cả những vùng biên giới, hải đảo, địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, công tác này chưa thực sự phát huy hiệu quả cũng như đạt được mục tiêu mong muốn bởi có những vướng mắc, hạn chế nhất định.
Một số hạn chế và giải pháp khắc phục
Thứ nhất, sự hiểu biết về pháp luật của người dân chưa đồng đều do nhận thức, trình độ văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân chưa cao.
Sự hiểu biết pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: trình độ dân trí, điều kiện và vị trí xã hội, đặc điểm về giới tính, lứa tuổi, kinh nghiệm cá nhân. Thực tế cho thấy dân cư tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có tỉ lệ dân trí cao, đều hơn so với các tỉnh thành miền núi. Đặc biệt, dân trí càng cao thì thực trạng khiếu kiện phức tạp càng nhiều, do đó, nhu cầu về hiểu biết pháp luật cũng được quan tâm hơn. Cũng vì thế, công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa do tâm lý thờ ơ và khả năng tiếp cận còn nhiều hạn chế của người dân địa phương.
Ngày nay, nhiều địa phương còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng bảo thủ đã ăn sâu trong tiềm thức một bộ phận dân cư nên việc phổ biến giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến 02 sự việc xảy ra mới đây ở Hà Giang và Sa Pa khi 02 bé gái dân tộc bị các thanh niên (hoặc thiếu niên) cố ép để bắt về làm vợ theo phong tục cổ hủ ở một số địa phương. Đáng nói ở đây là trong cả 02 trường hợp kể trên, tuy có rất nhiều người dân chứng kiến sự việc nhưng không một ai có hành động giúp đỡ nạn nhân vì họ cho rằng đây là điều hiển nhiên.
Khó khăn, hạn chế một phần cũng do chính nhận thức, ý thức của người dân về chấp hành pháp luật. Nhiều người thờ ơ, bàng quan cho rằng không cần biết, thậm chí chẳng ảnh hưởng gì tới mình. Không thực hiện cũng chẳng làm sao, đôi lúc vi phạm cũng không ai biết mà có biết chưa chắc đã bị chế tài gì… như vi phạm luật giao thông là một ví dụ. Bằng chứng là trong dịp tết Nguyên Đán vừa qua, tuy số vụ tai nạn giao thông đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Cụ thể trong 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã xử lý 1.676 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phát hiện 6 lái xe dương tính với ma túy.
Điều này càng đòi hỏi các Luật sư phải tìm hiểu và có vốn kiến thức sâu rộng về phong tục tập quán từng địa phương, tăng cường tuyên truyền và có phương pháp phù hợp khi tham gia đến từng đối tượng. Sự khác nhau về trình độ và sự hiểu biết pháp luật của từng người là không giống nhau, đòi hỏi người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như Luật sư cần có kiến thức sâu rộng, kiên trì và kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật lâu dài, phù hợp.
Thứ hai, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn nghèo nàn, khô khan; hình thức chưa thực sự hấp dẫn người dân; kinh phí, phương tiện và cơ sở vật chất chưa được đầu tư phù hợp.
Một trong những khó khăn, hạn chế của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay ở Việt Nam phải kể đến đó là phương pháp hay nói cách khác là cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Khi một văn bản pháp luật được ban hành thì cũng có nơi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tốt bằng hình thức này hay hình thức khác như loa đài, tờ rơi hay đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng… Có nơi dành nhiều thời lượng, có nơi hạn chế, thậm chí có nơi tự người dân nhận thức, tìm hiểu khi cần… Bên cạnh đó, mỗi cấp cũng có cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác nhau. Có cấp thì trực tiếp hoặc thông qua sân khấu, kịch cuộc sống; có cấp thì thông qua cuộc họp tổ dân phố, địa phương…
Mặt khác, nội dung giáo dục pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, dàn trải, nặng về hình thức và chưa đi vào chiều sâu. Việc tuyên truyền chủ yếu dựa vào những văn bản cấp trên mà chưa thực sự đi sâu phân tích, giải thích một cách cụ thể những nội dung người dân cần tìm hiểu, chưa xuất phát từ nhu cầu bức xúc của người dân, chưa mang tính giải đáp pháp luật từ những vụ việc thực tế.
Trong khi đó, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật mặc dù đã được đổi mới nhưng hiệu quả chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đối tượng và nội dung cần phổ biến. Vẫn còn hiện tượng phổ biến giáo dục pháp luật theo phong trào, thiếu thực chất, chưa sát với nhu cầu của người dân.
Đặc biệt, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật còn đơn điệu, không hấp dẫn cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục pháp luật. Ngày nay, hình thức chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ gấp, tờ rơi, qua tủ sách pháp luật nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Một số hình thức giáo dục pháp luật khác như hòa giải ở cơ sở, câu lạc bộ, hội thi thu hút được đông đảo người tham gia, nhưng ít có điều kiện tổ chức.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật tuy đã được áp dụng song vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Những lợi ích của việc tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua các trang báo điện tử, mạng xã hội chưa được khai thác triệt để.
Tại Trung ương hay mỗi địa phương chúng ta đều có cơ quan chuyên môn về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như cơ quan chuyên môn của Bộ Tư pháp hay hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhưng do lượng văn bản pháp luật quá nhiều lại có đời sống ngắn, lực lượng mỗi cơ quan hạn chế, thậm chí kiêm nhiệm nên đôi khi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, bài bản và đầu tư đúng mức về mọi mặt.
Liên quan tới phương pháp và con người thì chúng ta chưa đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện một cách tương xứng để đem lại hiệu quả cao. Khi cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng người dân phải cần có pano, áp phích, khẩu hiệu và đưa lên các phương tiện hiện đại như hàng không, tàu biển, ô tô… nhưng chúng ta chưa đầu tư kinh phí một cách thỏa đáng. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho những người dân tại vùng khó khăn, nhận thức hạn chế còn chưa có đủ phương tiện hoặc đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ cho các đối tượng này. Nhiều bảng điện tử hiện đại thường đặt tại những vị trí quan trọng chưa được quan tâm đúng mức.
Tương tự như sự nhận thức pháp luật của mỗi người là không giống nhau, việc bố trí kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng nơi cũng có sự khác biệt. Điều kiện vật chất và kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, chưa tạo sự động viên, khích lệ cho các hòa giải viên tham gia. Hoạt động của các chi nhánh trợ giúp pháp lý còn chưa đồng bộ và hiệu quả do khó khăn về vật chất, trụ sở làm việc. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự được mở rộng, khuyến khích.
Khắc phục điều này, trên thực tế, đội ngũ Luật sư tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là tự nguyện, 100% miễn phí, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số đoàn Luật sư tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có kế hoạch và thành lập các ban chuyên trách về phổ biến, giáo dục pháp luật, lựa chọn những Luật sư có kiến thức, nhiều kinh nghiệm, lòng nhiệt tình và khả năng phổ biến, truyền đạt có hiệu quả.
Thứ ba, việc xây dựng, ban hành các văn bản nhằm triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa kịp thời; năng lực, trình độ của đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục, pháp luật còn hạn chế.
Hiện nay, khối lượng các văn bản pháp luật được ban hành, sửa đổi và bổ sung rất nhiều, thay đổi theo từng năm. Có thể nói rằng, hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều có văn bản pháp luật quy định. Tuy nhiên, khi triển khai phổ biến giáo dục, từ việc “chọn luật”, ban hành kế hoạch, xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, sách hỏi - đáp lại được thực hiện rất chậm, chưa kịp thời nên đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc tuyên truyền tới người dân, thậm chí có trường hợp khi tài liệu phổ biến tới được tay người dân thì văn bản pháp luật đó đã hết hiệu lực hoặc đã được thay thế bằng văn bản pháp luật khác.
Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả, đội ngũ thực hiện là yếu tố không thể không kể đến. Đây cũng là một trong những hạn chế lớn cần khắc phục, khi nhận thức của các cấp, ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật hiện nay chưa đầy đủ, thiếu đi sự quan tâm, thậm chí là xem nhẹ từ chính những người thực hiện. Bên cạnh đó, số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu, trình độ chưa đồng đều dẫn đến kết quả thu được chưa cao.
Đội ngũ Luật sư tham gia chủ yếu là trách nhiệm và lòng nhiệt tình, không tránh khỏi có những Luật sư còn hạn chế với phương pháp, cách thức truyền đạt và kinh nghiệm… Các Luật sư thường tự tìm ra phương pháp, cách thức làm phù hợp qua mỗi lần rút kinh nghiệm.
Thứ tư, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cũng như đội ngũ Luật sư trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được đồng bộ.
Thực tế cho thấy việc phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu chú trọng tại các thành phố lớn hoặc các địa phương có điều kiện và những văn bản pháp luật mang tính cấp thiết, quan trọng; còn những vùng sâu, xa hoặc những văn bản pháp luật không mang tính cấp thiết, quan trọng thường ít được quan tâm hơn, chủ yếu nhờ vào các lực lượng chuyên trách như Luật sư hay luật gia hoặc những người am hiểu pháp luật; bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban ngành và cơ quan còn chưa được nhịp nhàng…
Điều này các Luật sư đã khắc phục có hiệu quả thông qua việc phối hợp giữa các đoàn Luật sư tại các tỉnh vùng sâu, xa hoặc biên giới để tổ chức các đoàn đi tư vấn, trợ giúp pháp lý kết hợp công tác từ thiện…
Thứ năm, sự vướng mắc, hạn chế còn nằm ngay trong nội hàm của văn bản pháp luật, từ trong quá trình xây dựng và thông qua.
Hy hữu còn có những văn bản luật được xây dựng, thông qua nhưng có nhiều hạn chế, chất lượng không đảm bảo bởi nhiều nguyên nhân, dẫn tới văn bản pháp luật không thể đi vào cuộc sống, chưa thực thi đã phải sửa đổi, bổ sung khiến người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không khỏi lúng túng, mất phương hướng. Đâu đó trong câu từ, chữ nghĩa cũng hạn chế, nhiều cách hiểu khác nhau nên việc phổ biến, giáo dục cho người dân khó thực hiện có hiệu quả. Bộ luật Hình sự năm 2015 hay Luật Bảo hiểm xã hội là những ví dụ rõ nét.
Bên cạnh đó, đôi khi việc quy định xử phạt, chế tài do hành vi vi phạm pháp luật của chúng ta trong văn bản luật còn chưa cập nhật thực tiễn, lạc hậu nhiều nên người dân đôi lúc vi phạm là phổ biến hoặc nghĩ rằng có bị phạt cũng nhẹ, chẳng đáng gì.
Các Luật sư tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, có cách tiếp cận khoa học và phản ánh kịp thời những hạn chế, thiếu sót của văn bản luật, đồng thời phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp cho từng đối tượng liên quan.
Thứ sáu, công tác phổ biến giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19 đến nay cơ bản được kiểm soát nhưng nó đã bao phủ bóng đen lên toàn cầu mà Việt Nam không phải là ngoại lệ và bị ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt. Trong giai đoạn 2019-2022, do ảnh hưởng của dịch nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một vài thời điểm chưa được triển khai thường xuyên, liên tục. Thay vào đó, Nhà nước và các địa phương tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền về trách nhiệm và nhiệm vụ của người dân trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh.
Điều này đòi hỏi các Luật sư phải kết hợp giữa việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, vừa phòng chống dịch vừa nắm bắt văn bản pháp luật của Nhà nước, đồng thời khắc phục khó khăn và có các biện pháp ứng phó an toàn, kịp thời.
Có thể nói, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam đạt được hiệu quả cao đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị, trong đó đội ngũ Luật sư Việt Nam đóng góp vai trò to lớn.
Mặc dù còn những hạn chế, vướng mắc song đó chỉ là thứ yếu để có thể khắc phụ, với trách nhiệm xã hội cũng như sự thượng tôn pháp luật, gương mẫu đi đầu, hoạt động khoa học, hiệu quả chủ động khắc phục khó khăn, tìm nhiều giải pháp phù hợp để vượt qua, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã, đang và sẽ góp phần to lớn để đưa pháp luật vào cuộc sống nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thạc sĩ, Luật sư LÊ ĐĂNG TÙNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Trường Giang
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Bàn về tội ‘Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh’ trong BLHS 2015