Vụ việc xảy ra vào sáng 01/8, tại điểm lấy mẫu xét nghiệm khu chung cư thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Tại đây, ông Trần Vinh là cán bộ thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND TP. Đà Nẵng và nữ nhân viên y tế quận xảy ra to tiếng, xô xát.
Theo cách giải thích của ông Vinh thì do ông này bị lấy mẫu đau nên “gạt tay trúng mặt” nữ nhân viên theo phản xạ. Đôi bên cũng đã có buổi gặp gỡ nhằm "dàn xếp" sự việc cho ổn thỏa, vị cán bộ này cũng đã thừa nhận là tát nữ nhân viên y tế tại cơ quan Công an.
Sự việc tưởng như đã ổn thỏa cho cả đôi bên, nhưng sau buổi làm việc, nữ nhân viên y tế theo dõi báo chí thấy vị cán bộ kia trả lời như đổ hết lỗi về mình. Cực chẳng đã, chị này cùng tập thể viên chức, người lao động của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã không thể thông cảm với hành động tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch và việc trả lời phỏng vấn báo chí không đúng sự thật của ông Vinh và muốn làm rõ sự việc đến cùng.
Chưa biết sự việc đúng sai đến đâu, nhưng phần đông dư luận đều tỏ thái độ ủng hộ nữ nhân viên y tế và lên tiếng về thái độ “hai mặt” của vị cán bộ kia. Ủng hộ bởi tính trung thực của thông tin, sự việc diễn ra ngay trước mặt nhiều người chứng kiến và sự thừa nhận của vị cán bộ trước nhà chức trách. Khác với tinh thần vị tha của nữ cán bộ y tế, vị cán bộ kia một mặt thừa nhận, mặt khác lại trả lời truyền thông rằng lỗi không thuộc về mình.
Cái “gạt tay” được dùng khá nhiều để biện minh cho những hành động trái pháp luật, và nó xuất phát phần nhiều từ chính những người đang thực thi công vụ. Cách đây gần 5 năm, một phóng viên báo chí bị cảnh sát mặc thường phục “đánh chảy máu mồm” khi đang tác nghiệp. Nhưng sự việc sau đó lại được đại diện cơ quan Công an giải thích rằng chỉ là “gạt tay trúng má”.
Sự “xảo ngôn” không chỉ xuất hiện trong những vụ việc nhỏ nhặt của cuộc sống thường nhật, mà nó dường như đã trở thành “thói quen” nhằm bao che hoặc “lái” câu chuyện sang một hướng khác cho những sai phạm.
Mới đây, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về dấu hiệu vi phạm, các lãnh đạo trong thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết nghiêm túc rút kinh nghiệm và xin lỗi nhân dân. Tại hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương được tổ chức vào sáng 16/6/2021, các lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã "xin nhận lỗi trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh".
Hội nghị cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Dương đã nhận định nguyên nhân xảy ra vi phạm "chủ yếu là do thường trực Tỉnh ủy, các cá nhân có liên quan thiếu kiểm tra, giám sát". Đồng thời giải thích rằng "xuất phát từ mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của tỉnh, không có tư lợi, vụ lợi, không có lợi ích nhóm"…
Không biết có tư lợi, vụ lợi, hay lợi ích nhóm nào không, nhưng rất nhanh ngay sau đó hàng loạt cán bộ, cựu cán bộ chủ chốt tỉnh này bị cách chức, khởi tố bắt tạm giam.
ĐỨC SƠN