/ Góc nhìn
/ Dạy thêm có trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện?

Dạy thêm có trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện?

22/11/2023 10:25 |

(LSVN) - Hệ lụy của việc học thêm, dạy thêm trong nhiều năm nay đã trở thành vấn nạn xã hội và không ít người phản đối, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Nên cấm tuyệt đối, không để diễn ra bất cứ dưới hình thức nào dù bắt buộc hay tự nguyện.

Ảnh minh họa. 

Dạy thêm có trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện, có thể lắm chứ, nếu coi việc học thêm của học sinh và phụ huynh là nhu cầu chính đáng, cần đáp ứng và đó cơ hội kinh doanh rất lớn, hài hòa lợi ích giữa cung và cầu.  Tuy nhiên, cũng có người phản đối vì cho rằng không thể đem giáo dục ra mà kinh doanh nhưng hãy xem thực tế ở nước ta khi các trường tư hoặc các trung tâm ngoại ngữ mở ra thì mục đích là gì ngoài việc truyền thụ kiến thức chính là kinh doanh. Họ bỏ vốn và thu lãi, đó là kinh doanh!

Ngay trong những trường công thì hiện tượng thương mại hóa học đường đã và đang diễn ra dưới hình thức “xã hội hội hóa”. Đây là một sự kinh doanh “không điều kiện” và không trở thành một nghề được hợp pháp hóa. Dạy thêm trở thành một nghề kinh doanh có điều kiện mới chính là sự hợp pháp hóa việc này.

Có thể so sánh với việc bác sĩ bệnh viện công được phép mở phòng khám tư để bảo vệ cho việc dạy thêm cũng thế. Nên nhớ, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cứu người với việc truyền thụ kiến thức, đào tạo con người khác xa nhau. Cũng như việc công chức thì không được hành nghề Luật sư vậy dù nghề nghiệp của họ liên quan trực tiếp đến pháp luật và có đầy đủ kiến thức pháp lý để làm Luật sư nhưng không vì thế mà họ bì tỵ với các bác sĩ được mở phòng khám tư.

Vì sao, vì nếu anh vừa làm công chức nhà nước, vừa làm Luật sư thì việc lợi dụng vị thế trong cơ quan nhà nước của mình để hành nghề luật sư tất yếu xảy ra, có việc xung đột lợi ích ở đây mà đây lợi ích nhà nước, nơi anh phục vụ và là “khách thể” anh có nghĩa vụ phải bảo vệ nên anh không thể bảo vệ một khách thể khác là thân chủ của mình. Lẽ dĩ nhiên, Luật sư cũng bảo vệ lợi ích nhà nước nhưng theo một cách khác.

Bác sĩ mở phòng khám tư với mục đích là để kiếm tiền, giáo viên dạy thêm cũng không ngoài mục đích đó cho dù có được khoác những mỹ từ như vì người bệnh, vì học sinh thân yêu. Bất cứ ai phải làm thêm ngoài giờ, tăng ca, dạy thuê (ngoài công việc chính) cũng có một mục đích là kiếm tiền, cải thiện cuộc sống vật chất của mình.

Đồng ý với việc dạy thêm là một nghề kinh doanh có điều kiện (như mở trường tư) nhưng phải cấm tuyệt đối giáo viên đang dạy trong các trường công lập được tham gia vào quá trình xây dựng cũng như hoạt động của các cơ sở này. Và khi đã có những cơ sở dạy thêm dưới hình thức kinh doanh có điều kiện thì giáo viên cũng không cần hoặc cũng không phải và không được dạy thêm nữa.

Hệ lụy của việc học thêm, dạy thêm trong nhiều năm nay đã trở thành vấn nạn xã hội và không ít người phản đối, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Nên cấm tuyệt đối, không để diễn ra bất cứ dưới hình thức nào dù bắt buộc hay tự nguyện.

NHỊ NGỌC

Thống nhất phương án cấp sổ hồng cho đất không giấy tờ

Nguyễn Mỹ Linh