/ Trao đổi - Ý kiến
/ Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến xem xét lại quy định về đóng góp từ thiện cho phù hợp với thực tế

Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến xem xét lại quy định về đóng góp từ thiện cho phù hợp với thực tế

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) – Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa hoan nghênh việc các cá nhân, tổ chức kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt và cũng bày tỏ sự băn khoăn về một số điểm bất hợp lý của Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Miền Trung đang rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng khắc phục hậu quả mưa lũ.

Việc làm thiết thực

Đánh giá vai trò của cá nhân, tổ chức trong việc phòng chống thiên tai bên cạnh vai trò của Nhà nước, Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ rằng: “Mỗi cá nhân đều có quyền thực hiện việc kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt. Tuy nhiên, cần phải minh bạch, rõ ràng để không có chuyện trục lợi".

Cá nhân, tổ chức kêu gọi giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua bão lũ là một việc làm rất thiết thực, được Đảng, Nhà nước quan tâm và được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Điều này thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và khơi dậy truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc, có tính lan tỏa rất cao.

Bên cạnh đó, vì nguồn lực của Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế nên việc chung tay góp sức của người dân mà đặc biệt là trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh, thiên tai là rất cần thiết.

Theo quan điểm của Đại biểu Phạm Văn Hòa thì chúng ta nên ghi nhận, biểu dương công lao của các cá nhân, tổ chức trong thời gian lũ lụt hiện nay. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức không nên thực hiện các hoạt động từ thiện một cách đơn lẻ, tự phát mà còn cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ phía Nhà nước. Ông Hòa cũng cho rằng việc nữ ca sĩ Thủy Tiên đang tự xoay xở như hiện nay rất dễ gặp rủi ro, không chỉ về mặt tài chính mà còn sức khỏe, danh tiếng, uy tín cá nhân.

Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều 5. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ:
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân  nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
4. Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

Sửa quy định cho phù hợp

Pháp luật phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ cho cuộc sống. Đề cập đến quy định của pháp luật về vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ quan điểm rằng Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.   

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Theo quan điểm của Đại biểu Phạm Văn Hòa thì tiền quyên góp phải được thực hiện thông qua một cơ quan Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương cụ thể để quá trình phân phối hàng hóa được thực hiện một cách hợp lý. Cá nhân, tổ chức nên hạn chế việc tự động, tự phát hàng hóa cứu trợ để công tác quản lý và phân bổ lượng hàng của chính quyền địa phương được thuận lợi, dễ dàng. Trước khi đến địa phương cần cứu trợ, cá nhân, tổ chức cũng cần phải thông báo cho chính quyền để họ sắp xếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hàng hóa cứu trợ.

Về Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã được ban hành cách đây 12 năm, chính vì vậy Chính phủ cần xem xét lại những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, cần đứng trên quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước phải mang tính nhân văn, vận động cứu trợ đến tận tay người cần.

Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền, giáo dục, phổ biến người dân tuyệt đối không lợi dụng những chính sách trên đây để đứng ra vận động không thông qua cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương và những cá nhân, tổ chức vi phạm phải bị xử phạt nghiêm minh trước pháp luật.

Thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện ủng hộ đồng bào lũ lụt thông qua các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ theo Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP làm chậm trễ việc cứu trợ, ông Hòa đánh giá đây là những quan điểm phiến diện, chưa có lí do chính đáng. Tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm Nhà nước cũng cần quan tâm, tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra những nơi chính quyền chậm trễ trong quá trình cứu trợ và cần phê phán, không chấp nhận những hành động như vậy.

THANH NHUNG - MỸ LINH

/quy-dinh-ve-moi-luat-su-bao-chua-trong-vu-an-hinh-su.html