/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Đánh giá một số điểm mới về chức năng xét xử trong BLTTHS năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện

Đánh giá một số điểm mới về chức năng xét xử trong BLTTHS năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện

04/04/2024 06:23 |

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có nhiều điểm mới trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của BLTTHS năm 2003 trong cả ba chức năng cơ bản của tố tụng hình sự. Tuy nhiên, với vai trò là trung tâm của quá trình tố tụng, xét xử là chức năng cơ bản được quan tâm, sửa đổi bổ sung khá nhiều quy định để phù hợp hơn về cả lý luận và thực tiễn áp dụng. Việc sửa đổi bổ sung này mặc dù đã góp phần thực hiện tốt hơn chức năng xét xử của Tòa án nhưng vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế.

 Ảnh minh hoạ. 

Thứ nhất, mở rộng giới hạn xét xử sơ thẩm(Điều 298)

Giới hạn xét xử sơ thẩm được quy định trong các BLTTHS trước đây, cụ thể tại Điều 170 BLTTHS năm 1988 quy định: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử”. Theo quy định này, Toà án chỉ được xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Tòa án không được xét xử về tội danh nặng hơn, nhẹ hơn tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố.

Để hướng dẫn cho các Toà án địa phương, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Toà án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08/12/1988. Theo đó, chỉ không xét xử những người và những hành vi chưa được Viện Kiểm sát truy tố và không xét xử bị cáo tội danh nặng hơn mà Viện Kiểm sát truy tố. Đến BLTTHS năm 2003, tiếp tục ghi nhận giới hạn xét xử sơ thẩm tại Điều 196: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện Kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện Kiểm sát đã truy tố”. BLTTHS năm 2003 đã mở rộng giới hạn xét xử cho Tòa án được xét xử về tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố, cho phép Tòa án xét xử theo khoản khác với khoản mà Viện Kiểm sát đã truy tố, điều này đã khắc phục được một phần hạn chế của BLTTHS năm 1988. Tuy nhiên, Tòa án vẫn chưa được xét xử về tội danh nặng hơn Viện Kiểm sát truy tố.

BLTTHS năm 2015 về cơ bản tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003, tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm khoản 3 về việc xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố. Quy định nãy đã chính thức phá vỡ giới hạn xét xử về tội danh được quy định trong các BLTTHS trước đây. Cụ thể trong trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện Kiểm sát truy tố lại và thông báo lý do cho bị cáo, người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết lý do, nếu Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Có nghĩa rằng, đối với hành vi mà Viện Kiểm sát đã truy tố, Tòa án có quyền xét xử về một tội danh nặng hơn, chỉ không được xét xử những người mới, hành vi mới chưa bị truy tố mà khi xét thấy bỏ lọt tội phạm, Hội đồng xét xử có quyền khởi tố hoặc yêu cầu Viện Kiểm sát khởi tố. Mặc dù có quyền xét xử về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố nhưng Tòa án phải thực hiện thủ tục trả hồ sơ truy tố lại và thông báo cho bị cáo, người đại diện của bị cáo và người bào chữa. Do đó, giới hạn xét xử sơ thẩm trong BLTTHS năm 2015 đã được mở tuyệt đối nhưng có điều kiện. 

Việc bổ sung quyền này cho tòa án là đúng đắn bởi lẽ giữa chức năng buộc tội của Viện Kiểm sát và chức năng xét xử của Tòa án có mối liên hệ mật thiết, biện chứng. thông qua chức năng buộc tội, Viện Kiểm sát truy tố những người và những hành vi phạm tội theo tội danh cụ thể để xét xử trước tòa án. Tòa án chỉ xét xử trong phạm vi những người và những hành vi phạm tội được truy tố. Tuy nhiên, việc quyết định bị cáo có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm tội gì? Xét xử theo khung hình phạt nào là quyết định riêng biệt của Hội đồng xét xử. Ngoài ra, việc xác định một người có phạm tội không, phạm tội gì phải được chứng minh tại phiên tòa xét xử công khai, không chỉ dựa trên những tài liệu trong hồ sơ vụ án mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thu thập được mới đảm bảo tính xác định sự thật khách quan, bảo đảm việc thực hiện chức năng xét xử - chức năng có vai trò trung tâm trong hoạt động tố tụng, đảm bảo được nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, cả ba chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử có mối quan hệ qua lại nên Tòa án phải đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo thể hiện ở việc trả hồ sơ truy tố lại và thông báo cho bị cáo, người đại diện, người bào chữa biết để họ có thời gian chuẩn bị chứng cứ, tài liệu, đảm bảo tốt nhất quyền bào chữa cho bị cáo.

Thứ hai, BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm theo hướng tăng cường yếu tố tranh tụng(Điều 322)

BLTTHS năm 2003 quy định tại Điều 218 về đối đáp tại phiên tòa. Theo đó, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên. Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Đến BLTTHS năm 2015 quy định tại Điều 322 với tên “Tranh luận tại phiên tòa”. Mặc dù vẫn kế thừa quy định về quyền trình bày ý kiến về ý kiến luận tội của kiểm sát viên và kiểm sát viên phải đối đáp lại từng ý kiến đó. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một nội dung mới là Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu, lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng. Đây là quy định thể hiện sự tiến bộ của BLTTHS năm 2015 trong việc đảm bảo thực hiện tốt nhất chức năng buộc tội của Kiểm sát viên.

Trên thực tế tại các phiên tòa, khi bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có ý kiến đối đáp về luận tội của kiểm sát viên thì kiểm sát viên sẽ có xu hướng không muốn đối đáp lại đến cùng mà chỉ giữ quan điểm theo Cáo trạng đã truy tố. Vì vậy sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như kiểm sát viên không thực hành chức năng buộc tội tốt nhất có thể, khi kiểm sát viên không đối đáp đến cùng những ý kiến được đưa ra sẽ không đảm bảo được nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, khó làm rõ những tình tiết trong vụ án, không đảm bảo được quyền bào chữa của bị cáo cũng như ảnh hưởng đến công tác xét xử của Tòa án. Bởi lẽ, kết quả tranh tụng là cơ sở và căn cứ để Tòa án đưa ra quyết định cuối cùng và ghi nhận trong bản án.

Theo quy định tại Điều 26 BLTTHS năm 2015 thì bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, tại phiên tòa, bên buộc tội và bên bào chữa sẽ thực hiện thủ tục tranh tụng, đưa ra những yêu cầu, đề nghị, Hội đồng xét xử với vài trò là trọng tài sẽ đánh giá khách quan, toàn diện những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Do đó, cần thiết phải quy định trách nhiệm của kiểm sát viên với vai trò là bên buộc tội phải thực hiện tốt chức năng của mình, đối đáp đến cùng các ý kiến để có thể đạt được kết quả tranh tụng tốt nhất, góp phần đảm bảo nguyên tắc sự thật khách quan của vụ án và đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

Thứ ba, bổ sung quy định về các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án(Điều 252)

BLTTHS năm 2015 lần đầu tiên quy định về cơ chế Tòa án có quyền tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng một số hoạt động. Cụ thể:

Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp: Để đảm bảo giải quyết toàn diện, khách quan vụ án, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định về quyền tiếp nhận chứng cứ, tài liệu đồ vật có liên quan đến vụ án. Bên cạnh những chứng cứ, tài liệu được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát cung cấp trong giai đoạn điều tra, truy tố, Tòa án có thể tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ khác, sau khi tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ này cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Việc thu thập chứng cứ, tài liệu bao gồm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, do đó mặc dù có ý kiến cho rằng Tòa án có chức năng xét xử, giữ vai trò là trọng tài nên việc quy định thẩm quyền thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án là không đúng với chức năng xét xử của Tòa án mà phần nào đã thực hiện chức năng buộc tội. Tuy nhiên, để đảm bảo đúng việc truy tố, xét xử trách nhiệm hình sự thì cần xác định chính xác hành vi phạm tội, lỗi, hậu quả, quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… để xác định được chính xác các yếu tố này thì chứng cứ, tài liệu có vai trò đặc biệt quan trọng, không được kết tội chỉ dựa vào lời khai của bị cáo mà phải phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Do vậy, việc thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ là một yếu tố quan trọng, là cơ sở để Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án: Theo quan điểm cá nhân, mặc dù quy định này chưa phù hợp với chức năng xét xử của tòa án, tuy nhiên đây là một điểm mới có nhiều điểm tiến bộ, có nhiều ý nghĩa trong thực tế xét xử. Bởi lẽ việc một cá nhân, tổ chức tự yêu cầu cá nhân, tổ chức khác cung cấp tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án là rất khó khăn, bởi những người này thường có tâm lý lo sợ bị trả thù, bị đe dọa, điều này gây cản trở đến quá trình thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo hay quyền buộc tội của bị hại/người đại diện của bi hại. Việc quy định Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ trong BLTTHS năm 2015 đã giúp thu thập các tài liệu chứng cứ quan trọng có liên quan đến vụ án, buộc các chủ thể này phải thực hiện.

Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa: Đây là trường hợp vụ án có vật chứng khó vận chuyển hoặc không thể vận chuyển như tàu thuyền, nhà cửa, phương tiện sản xuất kinh doanh, các chất nổ, phóng xạ… 

Xem xét tại chỗ nơi xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án: Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán phải xem xét rất kĩ biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, tại phiên tòa có thể yêu cầu những người tham gia tố tụng miêu tả hiện trường để có cái nhìn tổng quan nhất về vụ án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiêt, việc nghiên cứu trên hồ sơ hay lời khai chưa đủ để đánh giá chính xác sự thật khách quan của vụ án. Do đó, Tòa án có thể đến xem xét nơi xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan để có thể đánh giá khách quan đầy đủ hơn. 

Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản. BLTTHS năm 2015 đã quy định thêm chủ thể được quyền yêu cầu trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, giám định lại, đặc biệt là vai trò của Tòa án trong việc trưng cầu giám định và yêu cầu định giá tài sản. Cụ thể hơn, tại Điều 45 BLTTHS năm 2015 quy định thẩm quyền trung cầu giám định, giám định bổ sung, giám định lại, yêu cầu định giá tài sản…của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Đây là quy định hoàn toàn mới trong BLTTHS năm 2015, nhằm đảm bảo tính chính xác khi phán quyết của Hội đồng xét xử phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khi xét thấy việc giám định hoặc định giá tài sản còn chưa rõ ràng thì có quyền đề nghị trung cầu giám định lại, yêu cầu định giá lại tài sản. Tại phiên tòa khi xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử có thể hoãn phiên tòa để thực hiện việc giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản hoặc Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hoãn phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa (điểm b khoản 1 Điều 352).

Thứ tư, mở rộng các trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa án theo hướng có lợi, không có lợi cho bị cáo (Điều 357)

Sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo

Một là, so với quy định tại khoản 2 Điều 249 BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi các hình thức sửa bản án sơ thẩm cho bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị (Khoản 3 Điều 357). Cụ thể, nếu như tại khoản 2 Điều 249 BLTTHS năm 2003, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm đối với những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị gồm: Giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản của BLHS nhẹ hơn; chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Đến BLTTHS năm 2015, khoản 3 Điều 357 đã mở rộng toàn bộ phạm vi sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo trong trường hợp bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều 357. Đó là ngoài các phạm vi được sửa bản án sơ thẩm như được ghi nhận tại BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm khi có căn cứ còn thể miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung, không áp dụng biện pháp tư pháp; Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng. Quy định này đảm bảo sự công bằng trong xét xử, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta nhằm đảm bảo quyền lợi của các bị cáo. Tuy nhiên, đối với vấn đề “giảm mức bồi thường thiệt hại”, có quan điểm cho rằng đối với phần trách nhiệm dân sự, nếu không bị kháng cáo hoặc không bị kháng nghị thì Hội đồng xét xử cần tôn trọng ý chí của các bên và không nên xem xét trong quá trình xét xử phúc thẩm. Ý kiến này là hợp lý bởi lẽ đã là trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, nó vẫn chịu sự điều chỉnh của luật dân sự, BLTTDS, đó là nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự và nguyên tắc cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Hai là, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền không áp dụng hình phạt bổ sung, không áp dụng biện pháp tư pháp.

Sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo

BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm phạm vi sửa bản án sơ thẩm là chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn. Có quan điểm cho rằng nếu bị cáo bị tuyên hình phạt tù có thời hạn trong cùng một khung hình phạt với tù chung thân hoặc tử hình, nếu Viện Kiểm sát kháng nghị tăng hình phạt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể áp dụng hình phạt chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, quan điểm này không hợp lý bởi lẽ đây phải là trường hợp chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn vị tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình là ba loại hình phạt khác nhau trong hệ thống hình phạt. 

Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp áp dụng hình phạt bổ sung, áp dụng biện pháp tư pháp; không cho bị cáo hưởng án treo. Về biện pháp tư pháp, đây là các biện pháp liệt kê tại Điều 46 BLHS 2015, sđbs 2017 mà không bao gồm biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Bởi lẽ nếu áp dụng biện áp giáo dục tại trường giáo dưỡng thay cho hình phạt là đã sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo.  Đối với việc không cho bị cáo hưởng án treo, BLTTHS năm 2015 đã quy định tại một điểm riêng là hợp lý bởi lẽ đây không phải trường hợp tăng hình phạt hay chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn bởi lẽ án treo chỉ là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, khoản 2 Điều 357 quy định trường hợp sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo, khi có kháng nghị của Viện Kiểm sát hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử có thể sửa bản án theo hướng bất lợi cho bị cáo như tăng hình phạt, áp dụng hình phạt bổ sung, tăng mức bồi thường thiệt hại… Tuy nhiên, việc chỉ ghi nhận 2 chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị mà Hội đồng xét xử có thể sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo lại vô hình chung làm thu hẹp đi phạm vi quyền sửa bản án sơ thẩm của Hội đồng xét xử phúc thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo, trong trường hợp có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nguyên đơn dân sự… mà có căn cứ để sửa bản án sơ thẩm theo hướng bất lợi cho bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm lại không thể sửa theo hướng này. Do đó, cần thiết phải mở rộng chủ thể có quyền kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo gồm người đại diện của bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án,…Điều này cũng phù hợp với quy định về chủ thể có quyền kháng cáo tại Điều 331 BLTTHS năm 2015.

Thứ hai, giới hạn xét xử sơ thẩm chỉ nên giới hạn về bị cáo và hành vi mà Viện Kiểm sát truy tố, không nên giới hạn theo tội danh bởi sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án. Theo BLTTHS hiện hành đã mở rộng giới hạn xét xử của Tòa án, Tòa án có thể xét xử bị cáo về tội danh bằng, nhẹ hơn hoặc nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố nhưng phải thực hiện một số thủ tục theo quy định của BLTTHS. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, bởi vì chức năng cơ bản của Tòa án là chức năng xét xử, có vai trò trung tâm trong quá trình tố tụng, “trọng tài phân xử”, “cầm cân nảy mực”, do vậy Tòa án cần có sự độc lập tuyệt đối trong việc xét xử, đảm bảo đúng nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Để đảm bảo Tòa án không bị chi phối bởi bên buộc tội hay bên bào chữa, Tòa án phải là người quyết định tội danh và hình phạt cho các bị cáo, dựa trên những hành vi và những bị cáo mà Viện Kiểm sát đã truy tố, không dựa trên tội danh cụ thể. Do vậy có thể sửa đổi Điều 298 BLTTHS theo hướng: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện Kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Thứ ba, về vấn đề quy định thẩm quyền khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử. Đây tuy không phải một điểm mới trong BLTTHS năm 2015 nhưng vẫn đang là vấn đề gặp nhiều ý kiến trái chiều. Xuất phát từ chức năng cơ bản của Tòa án là xét xử, vậy việc quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án tại phiên tòa có phù hợp với chức năng xét xử, có gây nên sự chồng lấn về chức năng tố tụng, có đảm bảo được tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án?

Tác giả cho rằng, khởi tố vụ án là một hoạt động để thực hiện chức năng buộc tội, thẩm quyền này nên được quy định riêng cho một số chủ thể thực hiện chức năng buộc tội như Cơ quan điều tra hay Viện Kiểm sát. Tòa án với vai trò như trọng tài phân xử, đứng giữa bên buộc tội và bên bào chữa để đánh giá, xem xét toàn diện để đưa ra phán quyết cuối cùng. Do vậy, nếu quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án đã dẫn đến việc chồng lấn giữa chức năng xét xử và chức năng buộc tội, một khi Hội đồng xét xử là chủ thể khởi tố vụ án thì rõ ràng Tòa án đang thực hiện chức năng buộc tội, điều này là không phù hợp về sự độc lập giữa các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, đó là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. Bởi vậy tôi cho rằng để đảm bảo sự phân định rõ ràng giữa các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự cũng như đảm bảo được sự độc lập của tòa án, BLTTHS nên bỏ quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử./.

NGUYỄN THANH HUYỀN

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7

Một số đánh giá về mô hình tố tụng hình sự tại Việt Nam

Nguyễn Mỹ Linh