(LSO) - Viện KSND TP. Hà Nội vừa quyết định đình chỉ Phó Viện trưởng Viện KSND quận Hoàn Kiếm 15 ngày để làm rõ những nghi vấn trong một vụ án mà ông này hứa hẹn, vòi tiền người dân rồi vẫn ký quyết định truy tố khiến người này bị tuyên án 28 tháng tù.
Đáng chú ý là trước đó một ngày, trên trang Facebook cá nhân của mình, một Luật sư đã đăng bài phản ảnh khá chi tiết vụ án này cùng hành vi của vị Viện phó kia đối với người phụ nữ là bị cáo trong vụ án, ông gọi hành vi đó là "sự đồi bại và độc ác". Người phụ nữ mà vị Luật sư coi là "bị hại", có mâu thuẫn với hàng xóm nên hàng xóm gọi người xã hội vào hành hung đánh đập cô ấy, được tạo dựng thành bị can hất nước sôi làm bỏng 2 người hành hung mình mà không có bằng chứng nào.
Ông Viện phó nói rằng cô là "bị hại", hứa hẹn sẽ "công tâm" và yêu cầu gia đình chi tiền "bồi dưỡng" những người tiến hành tố tụng, chi tiền cho gia đình ông Viện phó du lịch miền Nam, đến khi yêu cầu bị hại bán đất để cho ông vay tiền nhưng không được đáp ứng thì quay ra truy tố. Quá trình từ bị hại trở thành bị can của người phụ nữ này là vậy.
Bài viết của vị Luật sư đã gây nên sự phẫn nộ trong dư luận, ủng hộ Luật sư đi đến tận cùng sự việc để đòi lại sự công bằng cho người phụ nữa này, đồng thời, làm rõ những hành vi vi phạm của vị Viện phó kia.
Trong một diễn biến khác, cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng đang làm rõ một vụ xảy ra tại Bắc Ninh mà dư luận cũng đang hết sức quan tâm. Đó là nghi án nhận hối lộ của những cán bộ ngành thuế, nhận hơn 5 tỉ đồng của công ty Nhật để họ khỏi phải đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam hơn 400 tỉ đồng. Vụ này do cơ quan pháp luật của Nhật phát hiện và họ xử lý theo pháp luật nước họ. Nên nhớ, đã có một vụ hối lộ tương tự như thế này xảy ra vài năm trước đây trong ngành đường sắt rồi chìm trong quên lãng. Mong rằng vụ này sẽ không thế cho dù theo ý kiến của Bộ trưởng phụ trách ngành thuế thì đây là "tham nhũng vặt".
Dùng quyền hạn của Nhà nước trao cho mình để trục lợi, vòi vĩnh người dân hoặc doanh nghiệp thường được coi là "tham nhũng vặt". Song, với số tiền nhận hối lộ lớn hoặc trắng trợn, tráo trở vòi tiền thì đó là hành vi coi thường pháp luật và đạo lý, bôi nhọ hình ảnh cơ quan, ngành mình phục vụ, phỉ báng nghề nghiệp đời mình theo đuổi thì không thể coi là "vặt" nữa. Những hành vi tương tự ở các phát giác gần đây như sỹ quan CSHS Bình Dương bắt người ghi lô đề nộp cho mình 150 triệu thì bỏ qua, CSGT Tân Sơn Nhất "trấn lột" tiền của người vi phạm giao thông,... cũng vậy. Nếu không xử lý nghiêm khắc, tình trạng "vặt" tiền dân còn phát triển mang lại hệ lụy rất lớn cho xã hội là sự mất niềm tin vào công bằng, công lý!
BÌNH SƠN