/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đầu thú sau hơn một ngày gây tai nạn: Có được miễn giảm trách nhiệm hình sự?

Đầu thú sau hơn một ngày gây tai nạn: Có được miễn giảm trách nhiệm hình sự?

03/11/2022 18:16 |

(LSVN) - Luật sư cho hay, người gây tai nạn có thể chậm trình diện 01 - 02 hôm và cũng không có quy định là họ được chậm trình diện trong bao lâu, nhưng phải trình diện sớm nhất và nếu bỏ trốn, tìm cách trốn tránh trách nhiệm hay xóa dấu vết thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng.

Chiếc xe tại hiện trường.

Ngày 03/11, Công an TP. Hà Nội cho biết, Hoàng Bằng Việt (Sinh năm 1997, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) người điều khiển chiếc ô tô Ferrari gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại đường Lê Quang Đạo (trước cổng Liên đoàn bóng đá Việt Nam), phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vào sáng ngày 31/10, đã ra đầu thú lúc 22h00 ngày 01/11, hơn một ngày sau tai nạn.

Nhà chức trách đã trưng cầu Trung tâm Pháp y Hà Nội lấy máu, mẫu nước tiểu để giám định nồng độ cồn, chất gây nghiện với Việt. Hiện, kết quả chưa được công bố.

Theo lời khai của Việt tại cơ quan chức năng, Việt trình bày do hoảng loạn nên đã cùng bạn gái rời hiện trường.

Vậy, việc đầu thú sau hơn một ngày gây tai nạn liệu có được miễn giảm trách nhiệm hình sự hay không?

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, sau khi gây tai nạn, người để xảy ra tai nạn chưa đến trình diện cơ quan chức năng do tâm lý chưa ổn định, sợ hãi, nhưng họ đã thông tin cho cơ quan chức năng biết thì điều này được pháp luật cho phép. Người gây tai nạn có thể chậm trình diện 01 - 02 hôm và cũng không có quy định là họ được chậm trình diện trong bao lâu, nhưng phải trình diện sớm nhất và nếu bỏ trốn, tìm cách trốn tránh trách nhiệm hay xóa dấu vết thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng. Trường hợp này lái xe đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi của mình thì đây cũng được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015.

Còn về vấn đề “miễn trừ” thì theo Luật sư, cần phân biệt thân phận ngoại giao được miễn trừ là cá nhân để thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài, chứ không phải là thân phận của tài sản, phương tiện giao thông. Người mang thân phận ngoại giao được miễn trừ theo luật pháp quốc tế trong một số trường hợp theo nguyên tắc có đi có lại. Còn đối với các phương tiện giao thông mang biển ngoại giao nhưng do công dân nước sở tại (trường hợp này là người Việt Nam) điều khiển, không phải là thực hiện nhiệm vụ thì vụ việc được giải quyết theo thủ tục thông thường, nghĩa là người gây tai nạn mà có lỗi thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Cơ quan ngoại giao quản lý phương tiện chỉ là bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông.

Trong trường hợp qua xác minh chiếc xe là của cơ quan ngoại giao, nhưng người điều khiển phương tiện lại là công dân Việt Nam, không phải đang thực hiện nhiệm vụ ngoại giao thì hoàn toàn không được miễn trừ.

Nên người gây tai nạn nếu có lỗi thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hậu quả nạn nhân thiệt mạng thì người gây tai nạn có lỗi sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể là tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015, hậu quả chết người khung hình phạt 01 - 05 năm tù. Nếu người lái xe sử dụng rượu bia, chất ma túy hoặc không có giấy phép lái xe thì phải đối diện khung hình phạt từ 03-10 năm tù.

Trường hợp xác định chiếc xe của cơ quan ngoại giao hợp pháp thì có thể sẽ trả lại chiếc xe này cho chủ sở hữu, còn người gây tai nạn có lỗi thì phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015.

HOÀNG TRẦN

Vụ siêu xe Ferrari mang biển ngoại giao gây tai nạn: Xử lý thế nào?

Lê Minh Hoàng