/ Trao đổi - Ý kiến
/ UBND các cấp không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

UBND các cấp không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

05/01/2021 17:52 |4 năm trước

LSVNO - Đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai năm 2013, theo hướng các trường hợp tranh chấp đất đai đều được giải quyết tại Tòa án nhân dân có th...

LSVNO - Đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai năm 2013, theo hướng các trường hợp tranh chấp đất đai đều được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Đây là kiến nghị của Đoàn giám sát chuyên đề, do Tiến sĩ Lê Xuân Thân - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa nêu tại Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ  trợ tái định cư đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội và Quốc phòng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Báo cáo nêu căn cứ kiến nghị là quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, UBND các cấp không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, UBND các cấp có thẩm quyền này. Việc mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật như hiện nay đã  gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Do đó, đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai, theo hướng các trường hợp tranh chấp đất đai đều được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Trước thực trạng người dân không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển sang khiếu kiện diễn ra thường xuyên, kiến nghị việc nghiên cứu cơ chế giải quyết quyết định hành chính, hành vi hành chính được thực hiện tập trung tại Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính; chấm dứt việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính hoặc giao việc giải quyết khiếu nại cho cơ quan độc lập.

Đối với chế định ủy quyền quy định tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND thì Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền  cho Phó Chủ tịch đại diện, Phó Chủ tịch không được ủy quyền lại cho người thứ ba. 

Trên thực tế, việc tham gia tố tụng của Chủ tịch và Phó Chủ tịch đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tại địa phương và chủ thể này khi có quyết định triệu tập tham gia phiên tòa thường vận dụng luật bằng cách đề nghị xét xử vắng mặt đồng thời có văn bản đề nghị người bảo vệ quyền lợi hợp pháp tham gia phiên tòa chính là các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp.

Do đó, Đoàn giám sát  kiến nghị sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo hướng cho phép người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức được phép ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn hoặc cá nhân khác tham gia quá trình giải quyết toàn bộ vụ án hành chính theo quy định pháp luật như là việc ủy quyền của người khởi kiện…

Phải nghiêm túc thực hiện Điều 60 Luật Tố tụng hành chính.

Ngày 31/8/2016, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Công văn số 18/UBTVQH1 yêu cầu UBND  các tỉnh, thành  thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật Tố tụng hành chính: “Kể từ ngày 01/7/2016 là ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, thì việc cử người đại diện trong tố tụng hành chính trước Toà án nhân dân phải theo đúng quy định tại Điều 60 của Luật này. Khi tham gia tố tụng hành chính, UBND thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Tố tụng hành chính. UBND có quyền tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình (khoản 13 Điều 55). Khi nhờ luật sư, thì luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND theo quy định tại Điều 61 Luật Tố tụng hành chính, chứ không phải là người đại diện”.

 Trước tình hình chính quyền một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính về ủy quyền tham gia tố tụng; một số trường hợp người bị kiện không có phản hồi kịp thời đối với nội dung vấn đề bị kiện; việc cung cấp hồ sơ, tài liệu ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, dẫn tới thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, tỷ lệ giải quyết thấp. Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số  55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn. Theo đó, TAND khi giải quyết án hành chính phải thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật Tố tụng hành chính;  giao Chính  phủ chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án để báo cáo kết quả việc thi hành án hành chính tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Như vậy, khi Luật Tố tụng hành chính 2015 chưa được sửa đổi, bổ sung, UBND, Chủ tịch, Phó chủ tịch  UBND  các cấp phải  thực hiện nghiêm túc quy định của Điều 60 về chế định ủy quyền.

Đại Hưng