/ Tin nổi bật
/ Đề nghị đánh giá kỹ nguyên nhân công chức viên chức nghỉ việc

Đề nghị đánh giá kỹ nguyên nhân công chức viên chức nghỉ việc

20/10/2022 11:16 |

(LSVN) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức - không chỉ của ngành giáo dục, y tế - bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp.

Ảnh minh họa.

Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sáng ngày 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung đánh giá sâu hơn thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và kỹ năng của người lao động. Hiện tượng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác đặc biệt là sau hơn 02 năm phòng, chống dịch Covid-19 như nhân lực trong ngành y tế, giáo dục.

Hiện tượng một bộ phận lao động chưa sẵn sàng quay trở lại tham gia vào thị trường lao động; chất lượng lao động còn hạn chế, tỉ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn, nếu tính chung bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp của Quý II năm 2022 là 66,1%.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Tình trạng viên chức trong ngành y tế thôi việc hoặc bỏ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công và gây lo ngại cho dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 06 tháng đầu năm 2022, có tổng số 4.162 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gần tương đương với con số của cả năm 2021, lũy kế từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022 có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Ủy ban Kinh tế đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành giáo dục, y tế bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp.

Liên quan tới nội dung này trong báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, cử tri và nhân dân quan tâm, lo ngại tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, nhất là trong ngành y tế, giáo dục và tập trung ở các thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa. 

Bên cạnh đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức chưa được tăng, ảnh hưởng tới đời sống nhất là của những người có thu nhập thấp.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bởi vừa qua cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng thụ hưởng rất vui mừng, phấn khởi Hội nghị Trung ương 6 đã đồng ý chủ trương và tại kỳ họp này theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ bàn và quyết định điều chỉnh nâng mức lương cơ sở.

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 39.552 người, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021.

HOÀNG MINH

Dự kiến điểu chỉnh tăng lương cơ sở từ 01/7/2023

Lê Minh Hoàng