/ Nghề Luật sư
/ Đề nghị Quốc hội đưa Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025

Đề nghị Quốc hội đưa Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025

26/12/2023 11:40 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội đưa Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025. Đồng thời, đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, Bộ Tư pháp xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư năm 2006 theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận số 69-KL/TW.

Đây là một trong những đề nghị đáng chú ý của Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Luật sư được tổ chức vào sáng nay (ngày 26/12) ở Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, đến nay Luật Luật sư đã chuẩn hóa tiêu chuẩn của Luật sư là người có bằng cử nhân luật, nâng thời gian đào tạo nghề Luật sư từ 06 tháng lên 12 tháng, quy định chặt chẽ hơn về tập sự hành nghề Luật sư, bổ sung quy định Luật sư phải thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ; Chương trình đào tạo cử nhân luật, đào tạo nghề Luật sư thường xuyên được cập nhật, đổi mới và nâng cao. Chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Đa phần các Luật sư có phẩm chất đạo đức, tận tâm trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư. Một số Luật sư được đào tạo ở nước ngoài, phổ biến là ở các nước như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore . Đặc biệt, tại TP. HCM số lượng Luật sư có trình độ ngoại ngữ đạt tỷ lệ khá ấn tượng.

Tổ chức, quy mô và chất lượng hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư đã bài bản, chuyên nghiệp hơn. Một số tổ chức hành nghề Luật sư có xu hướng hoạt động chuyên sâu trong các giao dịch đầu tư, mua bán - tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường vốn, sở hữu trí tuệ, hàng hải, logistics, tham gia tranh tụng và trọng tài thương mại có yếu tố nước ngoài… và có xu hướng "quốc tế hóa" , phát triển thị trường ra nước ngoài; tuyển dụng Luật sư nước ngoài làm việc...

Một số tổ chức hành nghề Luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế. Các tổ chức hành nghề Luật sư này cũng là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ Luật sư giỏi, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu pháp luật, tập quán thương mại quốc tế, có khả năng giúp Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan tranh chấp quốc tế, góp phần đào tạo, phát triển đội ngũ Luật sư Việt Nam trong lĩnh vực này.

Về những tồn tại, hạn chế, Bộ Tư pháp cho biết, trong 14 năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được 2.084 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư. Liên đoàn đã phối hợp với các Đoàn Luật sư có liên quan để giải quyết các đơn, thư này. Các Đoàn Luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 539 Luật sư, xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác (tạm đình chỉ tư cách thành viên, cảnh cáo, khiển trách) là 105 trường hợp.

Về phương hướng và giải pháp, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ: "Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế". 

Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện một số biện pháp như: Hoàn thiện pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; trọng tâm phát triển chất lượng Luật sư; nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp; xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Luật sư; nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, thực hiện việc tự quản theo quy định của pháp luật dưới sự quản lý của nhà nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư.

Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến Luật sư và hành nghề Luật sư, tạo sự liên thông, đồng bộ giữa quy định của Luật Luật sư với các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, phù hợp với định hướng sửa đổi mô hình tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp; tạo điều kiện cho Luật sư thực hiện quyền hành nghề của mình, thông qua đó, Luật sư góp phần bảo vệ công lý, hạn chế các sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó hoạt động bổ trợ tư pháp cũng có vai trò phối hợp và giám sát "ngược" đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Luật sư, các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường sự quan tâm, phối hợp, chỉ đạo cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ về cơ sở vật chất nhằm triển khai có hiệu quả Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư; đầu tư thỏa đáng về nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp ở Trung ương và địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư; tăng cường áp dụng tin học hóa trong công tác quản lý tổ chức và hoạt động Luật sư; tăng cường kiểm tra, thanh tra để nắm bắt tình hình về tổ chức và hoạt động Luật sư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những hành vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư...

Nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư; thực hiện thực chất và hiệu quả việc giám sát Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với Luật sư.

Ngoài ra, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Luật sư, tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả Kết luận số 69-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội đưa Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025. Đồng thời, đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, Bộ Tư pháp xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư năm 2006 theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận số 69-KL/TW.

Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sử dụng Luật sư trong việc tư vấn chính sách, giải quyết tranh chấp quốc tế, dự án KT-XH ở Trung ương và địa phương, đồng thời, có giải pháp bảo đảm triển khai hiệu quả chính sách này.

Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư từ Trung ương đến địa phương trong việc quản lý Luật sư; kịp thời thông tin những hoạt động hành nghề Luật sư có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp Luật sư, đây là cơ sở pháp lý để đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được quy định trong Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng kế hoạch, chính sách cụ thể để tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển nghề Luật sư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động Luật sư; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư và hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực của Luật sư, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kịp thời có giải pháp làm trong sạch đội ngũ Luật sư.

Các Luật sư tham dự Hội nghị.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam rà soát tổng thể, khẩn trương triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao và các nhiệm vụ đã được Luật Luật sư quy định; tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trách nhiệm tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư; phát huy hơn nữa trí tuệ tập thể của đội ngũ Luật sư Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam, công cuộc xây dựng kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp về thi hành Luật Luật sư, qua 15 năm thi hành Luật Luật sư, số lượng Luật sư hành nghề thực tế đã tăng từ 4.161 Luật sư (năm 2007) lên 17.284 Luật sư (số liệu tính đến ngày 31/12/2022). Trung bình mỗi năm số lượng Luật sư tăng thêm gần 1.000 Luật sư. Tuy nhiên, số lượng Luật sư phát triển chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của cá nhân, cơ quan, tổ chức cao.

Một số địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, số lượng Luật sư đã tăng lên so với thời điểm Luật Luật sư năm 2006 được ban hành. Đến nay, chỉ còn Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Kạn và Đoàn Luật sư tỉnh Lai Châu có số lượng Luật sư dưới 10 người.

Trong 15 năm qua, cả nước đã phát triển được hơn 4.000 tổ chức hành nghề Luật sư, đưa số lượng tổ chức hành nghề Luật sư trên toàn quốc từ 1.323 tổ chức hành nghề Luật sư năm 2007 lên 5.429 tổ chức hành nghề Luật sư năm 2022.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, với quy định mở rộng phạm vi hành nghề, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư, cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của Luật sư, từ năm 2007 đến năm 2022, các Luật sư đã tham gia 1.429.540 vụ, việc (trong đó có 298.082 vụ việc tố tụng, 892.130 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác, 239.328 vụ việc trợ giúp pháp lý).

Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, đội ngũ Luật sư đã đóng góp vào ngân sách nhà nước một nguồn thu không nhỏ. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, trong 15 năm qua, tổng doanh thu của tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam đạt hơn 21.000 tỉ đồng, đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước gần 3.000 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Tính đến tháng 12/2022, trên cả nước có 93 tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài (37 chi nhánh, 56 công ty luật) và hơn 300 Luật sư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông,… đang hoạt động tại Việt Nam. Về cơ bản, các Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương có hoạt động hành nghề Luật sư nước ngoài, từ năm 2007 đến năm 2022, doanh thu của tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài đạt hơn 21.000 tỉ đồng và nộp thuế vào ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỉ đồng, tương đương với kết quả hoạt động hành nghề Luật sư Việt Nam.

THANH LOAN-HOÀNG LÂM

Bùi Thị Thanh Loan