Ảnh minh họa.
Gần đây, một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng do TAND Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong vụ án hình sự.
Cụ thể, Điều 85 dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng (dự thảo 3) quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp. Theo đó, trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.
Quá cao và chưa hợp lý
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật đánh giá, đây là một biện pháp nhằm hạn chế việc lãng phí tài nguyên và thời gian của cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, mức phí đề xuất 1.500 đồng/trang A4 khi Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự phục vụ cho công tác bảo vệ, bào chữa đối với bị can, bị cáo là quá cao và chưa hợp lý, chưa thoả đáng.
Luật sư Bình phân tích rõ, Luật sư có quyền được sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án hình sự theo quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Thậm chí là sau khi kết thúc điều tra, nếu Luật sư có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án theo Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, về mặt khái niệm, sao chụp tài liệu không phải là một khái niệm đồng nhất nên không thể tính chung một mức giá cho cả sao và chụp tài liệu.
Sao tài liệu là việc chép lại hoặc tạo ra một bản khác giống hệt nội dung bản gốc hoặc bản chính của tài liệu. Việc sao chụp tài liệu có thể có nhiều hình thức khác nhau, như dùng máy photocopy, điện thoại, máy ảnh hay máy scan. Nếu người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu bằng máy photocopy và in ra thành bản sao thì việc thu phí là hợp lý và cần thiết. Bởi vì, cơ quan tiến hành tố tụng phải chi trả cho điện, giấy, mực và nhân công.
Chụp tài liệu là việc ghi lại bằng hình ảnh tài liệu được lưu trữ bằng dữ liệu trong các phương tiện điện tử. Mà trong thực tiễn hiện này, nhiều người bào chữa, thường chụp tài liệu bằng điện thoại, máy ảnh hay mang máy scan đến để lấy bản sao để tiết kiệm thời gian và chi phí. Thực tế việc này không tốn kém chi phí gì cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật sư Bình cho rằng, mức phí thu 1.500 đồng/trang A4 là quá cao. Trên thực tế, giá photocopy đen trắng chỉ khoảng 150 đồng/trang A4. Như vậy, giá của dự thảo hiện đang cao gấp khoảng 10 lần so với giá photocopy trên thị trường. Đối với những vụ án hình sự có tính chất phức tạp, hồ sơ vụ việc có thể lên tới hàng nghìn bút lục, thậm chí là vài chục nghìn bút lục cũng có. Do đó, mức giá 1.500 đồng/trang A4 là quá cao. Đặc biệt, nếu Luật sư chỉ chụp ảnh hồ sơ cũng thu phí như vậy càng chưa hợp lý. Giả sử, Luật sư chỉ chụp 1.000 bút lục, mỗi bút lục có thể được in 1 hoặc 2 trang thì mức phí phải trả đã là từ 1.500.000 đồng - 3.000.000 đồng là quá cao.
Cân nhắc miễn phí sao chụp hồ sơ tài liệu đối với Luật sư chỉ định
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, nếu Luật sư được Toà án chỉ định bào chữa cho bị can, bị cáo cũng tính phí sao, chụp tài liệu thì lại càng chưa hợp lý. Bởi theo quy định pháp luật, đối với Luật sư được chỉ định bởi cơ quan tiến hành tố tụng mức thù lao được trả cho 01 ngày làm việc là 0,4 lần mức lương cơ sở. Vậy số tiền tối đa mà Luật sư chỉ định được nhận cho một ngày làm việc là 596.000 đồng. Nếu tính như vậy thì tiền thù lao của Luật sư được chỉ định có khi còn không đủ trả tiền sao chụp tài liệu chứ chưa nói đến chi phí thù lao mà Luật sư được nhận.
Ngoài ra, thực tế các Thư ký tòa hiện nay họ cũng rất nhiều việc để làm chứ không phải Luật sư nhờ sao chụp là họ có thể làm ngay được. Do đó, nếu nhờ các Thư ký sẽ ảnh hưởng đến thời gian để Luật sư tiếp xúc hồ sơ gây kéo dài quá trình giải quyết vụ án.
Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần thiết có sự phối hợp điều chỉnh lại các quy định pháp luật liên quan đến chi phí sao chụp hồ sơ vụ án của các cơ quan tố tụng. Chẳng hạn như trước mắt cần phân tách rõ chi phí của sao tài liệu và chụp tài liệu đồng thời điều chỉnh lại cho hợp lý hơn. Riêng đối với Luật sư chỉ định, có thể xem xét cân nhắc miễn phí sao chụp hồ sơ tài liệu bởi Luật sư chỉ định vốn dĩ là người được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu bào chữa cho bị can, bị cáo.
Kiến nghị triển khai phương án số hoá tài liệu, hồ sơ vụ án
Kiến nghị thêm, Luật sư Bình bảy tỏ, theo quan điểm cá nhân xét về lâu dài thì phương pháp sao chụp tài liệu tại chỗ sẽ không còn là phương án tối ưu nữa. Việc này không chỉ gây mất thời gian, chi phí đi lại của người thực hiện nhiệm vụ bào chữa mà còn liên quan ảnh hưởng tới công tác quản lý tài liệu hồ sơ của cơ quan tố tụng trong trường hợp không may mất tài liệu.
Vì lẽ đó, nên xem xét thực hiện triểu khai phương án số hoá tài liệu, hồ sơ vụ án. Người được cung cấp tài liệu sẽ trả một mức phí hợp lý. Hơn nữa, việc số hoá hồ sơ vụ án không chỉ thuận tiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn thuận tiện cho cả các bên có liên quan tham gia vụ án.
DUY ANH
Đề xuất Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự phải chịu chi phí