Ảnh minh họa.
Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho biết, dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 6 biện pháp được áp dụng độc lập; 06 biện pháp không áp dụng độc lập, chỉ được áp dụng đồng thời với biện pháp xử lý chuyển hướng khác.
Như vậy, so với Bộ luật Hình sự hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng, đồng thời quy định rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng, bảo đảm logic, chặt chẽ.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều sự lựa chọn khi xem xét, áp dụng.
Góp ý kiến vào nội dung người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng (Điều 156), Đại biểu phân tích, quy định như dự thảo sẽ bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, bảo đảm tối đa quyền được học tập của người chưa thành niên, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người lớn.
Đồng tình với nội dung dự thảo luật, song Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cũng góp ý, quy định bảo vệ quyền nạn nhân, bị hại chưa thành niên chưa tương xứng.
Cần tránh xu hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội, có khi vượt quá mức cần thiết, có thể xâm phạm quyền cơ bản cá nhân khác trong xã hội, đặc biệt là nạn nhân bị xâm hại trực tiếp. Theo đó, Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 5, các biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng cần phải thỏa thuận với nạn nhân.
QUÝ VŨ (t/h)
Dự kiến hỗ trợ gần 20 nghìn tỉ đồng giảm thuế GTGT 05 tháng đầu năm 2024