Đề xuất cấm dùng bảo vật quốc gia để kinh doanh

13/03/2024 11:04 | 2 tháng trước

(LSVN) - Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đề xuất bảo vật Quốc gia thuộc sở hữu chung, riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước theo quy định và không được kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Ngày 12/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tài Điều 41, dự thảo Luật nêu, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa hiện hành không cấm kinh doanh bảo vật quốc gia.

Theo TS. Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhất trí theo phương án 1 tại Điều 41, dự thảo Luật, theo đó quy định "Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh".

Theo Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - xã hội, phương án này có các ưu điểm như hạn chế quyền kinh doanh Bảo vật Quốc gia được quy định trong luật (Luật Di sản văn hóa), bảo đảm thống nhất với quy định "Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản" và quy định "Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định" tại khoản 1 Điều 163, khoản 1 Điều 196 Bộ luật Dân sự.

Quy định này cũng phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, trong đó có Công ước 1970 của UNESCO "về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa".

TS Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, Bảo vật Quốc gia là hiện vật hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với Quốc gia. 

Việc cấm kinh doanh những Bảo vật Quốc gia giúp ngăn chặn nguy cơ mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép; ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng danh hiệu Bảo vật Quốc gia để trục lợi, đồng thời bảo tồn được giá trị văn hóa của Bảo vật Quốc gia, không bị tác động bởi giá trị kinh tế, giúp đảm bảo di sản văn hóa này được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và lịch sử Quốc gia.

TRẦN QUÝ (t/h)

Một số quy định mới đối với công chức lãnh đạo, quản lý