/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đề xuất cấm nhập khẩu, nuôi các loại chó dữ

Đề xuất cấm nhập khẩu, nuôi các loại chó dữ

26/07/2022 15:25 |

(LSVN) - Luật sư cho rằng, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc nuôi chó dữ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc nuôi, quản lý chó, trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự.

Mới đây, sự việc bé trai 8 tuổi tại Bình Phước bị chó pitbull cắn tử vong đã khiến không ít người cảm thấy bàng hoàng và lo sợ. Đa số người dân đều cho rằng việc nuôi chó (đặc biệt là các giống chó dữ như pitbull, becgie,…) cần phải được siết và quản lý chặt hơn nữa. Qua đó, sự việc cũng đặt ra nhiều về vấn đề pháp lý liên quan rằng liệu quy định đã phù hợp, đủ sức răn đe và hiệu quả trong cuộc sống hay không?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng thì cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc nuôi chó dữ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc nuôi chó, trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự.

Pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm việc nuôi chó mèo, tuy nhiên có những quy định để quản lý và hạn chế những mối nguy hại do các loại động vật này gây ra. Theo đó những người nuôi chó dù với mục đích làm cảnh, thú cưng hay để kinh doanh, trông nhà thì đều phải khai báo với chính quyền địa phương, tiến hành tiêm phòng theo quy định và nuôi nhốt, đảm bảo an toàn nơi đông người. Trường hợp vi phạm quy định về tiêm phòng, trông coi bảo quản dẫn đến hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, mất an toàn cho con người thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà chủ vật nuôi có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 66).

Thực tiễn ở các thành phố lớn đang tồn tại tình trạng nhiều người dân không tuân thủ quy định về quản lý chó mèo, không tiêm phòng, không xích, nhốt theo quy định. Đặc biệt là thời gian gần đây trào lưu nuôi chó là thú cưng đã rất phổ biến ở các đô thị lớn, đặc biệt là có nhiều loại chó hùng dữ như: Pitbull, chó ngao Tây Tạng (Tibetan Mastiff), chó Doberman, chó Boxer, chó Rottweiler,...

"Những loại chó này nếu không kiểm soát, huấn luyện phải tuân thủ quy trình quản lý thì hoàn toàn có thể gây ra những nguy hiểm cho những người xung quanh, đó là những nguồn nguy hiểm cao độ thực sự. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có quy định hạn chế các loài chó dữ này, theo con số thống kê thì hằng năm các loại chó này gây ra rất nhiều vụ cắn người nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác, trong đó chủ yếu là trẻ em và người già. Việc thả rông chó ngoài công cộng ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và gây nguy hiểm cho những người khác ở nơi công cộng diễn ra phổ biến ở các đô thị. Tình trạng này xuất phát từ thiếu ý thức của những người nuôi chó và sự buông lỏng công tác quản lý của chính quyền địa phương", Luật sư Cường nói.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi thả rông chó nơi công cộng, không tuân thủ quy định về quản lý chó, không tuân thủ quy định về tiêm phòng thì sẽ bị xử phạt hành chính. Hiện nay chế tài hành chính có thể áp dụng theo quy định tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2017/NĐ-CP), theo đó mức phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa ra nơi công cộng.

Trường hợp người nuôi chó để chó tấn công người khác gây thiệt hại thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ vật nuôi còn phải bồi thường thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bộ luật Dân sự hiện hành quy định vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì kể cả trường hợp chủ vật nuôi không có lỗi, vẫn phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp vi phạm quy định về quản lý vật nuôi dẫn đến chó cắn chết người thì người quản lý chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định an toàn nơi đông người" theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Theo Luật sư, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định tương đối đầy đủ về quản lý phòng dại chó mèo, đảm bảo an toàn khi nuôi chó mèo. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao, công tác quản lý ở một số địa phương còn yếu kém dẫn đến tình trạng chó mèo nuôi tràn lan, thiếu kiểm soát, thiếu quản lý gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là gây ra những vụ đánh người gây thương tích, thậm chí chết người. Bên cạnh đó, thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại chó dữ được nhập khẩu về Việt Nam nhưng người nuôi không tuân thủ quy định về quản lý, không đảm bảo điều kiện về huấn luyện, thuần dưỡng dẫn đến nhiều vụ cắn người thương tâm, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh.

Do đó, thực tiễn đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý vật nuôi, thú cưng, đặc biệt là các loại chó dữ. Cần phải tăng cường trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, tăng mức xử phạt, truy trách nhiệm trong công tác quản lý thậm chí quy định điều kiện riêng đối với các loại chó dữ có khả năng tấn công người. Đối với những loại chó hung dữ, không đảm bảo tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn thì có thể cấm nuôi nhốt, cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý chó nói riêng và các vật nuôi nói chung để đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho con người là cần thiết. Việc này cần có sự thay đổi về chính sách, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và đặc biệt là những người dân có sở thích, nhu cầu nuôi chó hiện nay.

TIẾN HƯNG

Pháp luật quy định như thế nào về các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung?

Lê Minh Hoàng