Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) lựa chọn phương án cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn và hoạt động công đoàn tại cơ sở.
Theo đại biểu, đây là quy định mang tính nhân văn, tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam, có tác động tâm lý tích cực trong việc thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam, tăng uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo sự công bằng giữa các lao động trong và ngoài nước. Hơn nữa, việc cho phép người lao động nước ngoài gia nhập công đoàn có ý nghĩa là Việt Nam tạo điều kiện, gia tăng sự đảm bảo quyền lợi cho lao động nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy, trong mối quan hệ ngoại giao có đi có lại, các nước khác có thể sẽ có những hình thức tương tự hoặc các hình thức khác để góp phần đảm bảo hơn nữa quyền lợi của lao động Việt Nam tại nước ngoài.
Đối với một số băn khoăn về nội dung này, bà Nga cho rằng, vấn đề này không phải là lần đầu tiên được đặt ra và cân nhắc khi xây dựng các quy định của Luật Công đoàn. Trong quá trình xây dựng Luật Công đoàn 2012, đây cũng là một trong những nội dung thu hút nhiều sự quan tâm và các ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiều ý kiến tán thành, cũng như nhiều ý kiến không tán thành cho việc người nước ngoài lao động tại Việt Nam được gia nhập và hoạt động công đoàn.
Thời điểm đó, những lý do cho luồng ý kiến không tán thành có thể kể đến như vấn đề về rào cản ngôn ngữ, văn hóa, điều kiện về quản lý lao động là người nước ngoài còn hạn chế… Tuy nhiên, có thể thấy, so với thời điểm đó, bối cảnh xây dựng Luật Công đoàn hiện nay đã rất khác, chúng ta hội nhập sâu rộng hơn, những rào cản về ngôn ngữ, văn hoá dần được thu hẹp bởi trình độ dân trí được nâng lên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, sự tiếp cận, giao lưu văn hóa thông qua công nghệ số, mạng xã hội toàn cầu…
Cùng với đó, những quy định pháp luật mới về quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam được ban hành tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn đối với nội dung này như Bộ luật Lao động 2019, Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam... Vì vậy, theo đại biểu, những lý do không tán thành đối với nội dung này trước đây, đến nay không còn là vấn đề quá lớn.
Ngoài ra, vẫn còn một số băn khoăn về tính độc lập, tự chủ trong các quyết định của công đoàn và tiềm ẩn yếu tố phức tạp nội bộ nếu người lao động nước ngoài tham gia vào tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, Đại biểu Nga nhận thấy, tại các công đoàn cơ sở, hầu hết số người lao động là người nước ngoài sẽ ít hơn nhiều số lao động là người Việt Nam. Hơn nữa, nếu quy định phương án cho người lao động nước ngoài gia nhập công đoàn tại điều 5 thì tại điều 21 dự thảo cũng đã loại trừ bớt nguy cơ bằng việc quy định hạn chế người lao động nước ngoài không được ứng cử, nhận bầu cử để bầu vào cơ quan lãnh đạo của công đoàn, nên đây không phải là điều đáng lo ngại.
Đồng quan điểm, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng, việc cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam được gia nhập công đoàn Việt Nam là nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, tạo sự thuận lợi để tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài. Trong một số trường hợp như thời hạn của giấy phép lao động cho người nước ngoài không lâu đối với trường hợp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn; rào cản về ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động; người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam khi chấm dứt hợp đồng lao động và không còn cư trú tại Việt Nam thì quyền lợi của họ giải quyết như thế nào...
PV (t/h)
Bộ Công thương yêu cầu triển khai kế hoạch liên quan đến mua bán tín chỉ carbon