Đề xuất CSGT không chào bằng lời nói: Chưa phù hợp với thực tiễn

20/10/2022 04:06 | 1 năm trước

(LSVN) - Theo Luật sư, việc CSGT không bắt buộc phải chào hoặc cảm ơn sau khi kiểm soát giao thông là chưa hợp lý với thực tiễn hiện hành bởi việc chào thể hiện nét nghiêm trang và văn hóa của cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, cũng thể hiện sự gần gũi hơn giữa các chiến sĩ CSGT và người dân, từ đó người dân sẽ có tinh thần hợp tác với các chiến sĩ CSGT để phối hợp, chấp hành nghiêm chỉnh trong việc kiểm soát phương tiện giao thông và lỗi vi phạm.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2, Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT để lấy ý kiến trong 02 tháng, từ giữa tháng 10.

Theo đó, tại khoản 2, Điều 17, dự thảo Thông tư của Bộ Công an có quy định: "Khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, CSGT được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn, thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát)".

So với khoản 2, Điều 18, Thông tư 65/2020/TT-BCA đang được áp dụng, dự thảo lần 2 này của Bộ Công an đã lược bỏ phần yêu cầu CSGT phải thực hiện chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị...” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 1, Điều 11 của dự thảo quy định về trang phục của CSGT, Bộ Công an cũng đã có đề xuất lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục để dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Khi phát hiện, CSGT mặc thường phục báo ngay cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục Công an, đeo số hiệu xử lý.

Vậy, so với thực tiễn những quy định mới tại dự thảo này của Bộ Công an có phù hợp?

Làm rõ hơn về vấn đề này, theo Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết, quy định về việc tiến hành kiểm soát tại Thông tư 65/2020/TT-BCA đã phù hợp khi CSGT thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã.

Theo đó, việc chào thể hiện nét nghiêm trang và văn hóa của cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, cũng thể hiện sự gần gũi hơn giữa các chiến sĩ CSGT và người dân, từ đó người dân sẽ có tinh thần hợp tác với các chiến sĩ CSGT để phối hợp, chấp hành nghiêm chỉnh trong việc kiểm soát phương tiện giao thông và lỗi vi phạm.

Trường hợp không phải chào khi biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã để có thể kiểm soát, bắt giữ hoặc có những biện pháp kịp thời để xử lý những đối tượng đó.

Vì vậy, việc CSGT không bắt buộc phải chào hoặc cảm ơn sau khi kiểm soát giao thông là chưa hợp lý với thực tiễn.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục để dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Khi phát hiện, CSGT mặc thường phục báo ngay cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục Công an, đeo số hiệu xử lý.

Theo Luật sư, quy định này một phần tránh việc người vi phạm giao thông khi thấy CSGT sẽ "quay xe bỏ chạy" hay đến lúc bị lực lượng chức năng xử lý mới chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.

Tuy nhiên, Luật sư cho rằng, điều này cũng phải quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT mặc thường phục để không xảy ra tình trạng kẻ xấu lợi dụng quy định đó để lừa gạt người dân gây mất an ninh trật tự cho xã hội.

HOÀNG NGHIÊN

Đóng góp thiện nguyện nhiều có giúp bị can được tại ngoại?