/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đề xuất CSGT không chào bằng lời nói: Dễ dẫn đến sự tùy tiện trong giao tiếp

Đề xuất CSGT không chào bằng lời nói: Dễ dẫn đến sự tùy tiện trong giao tiếp

30/10/2022 10:13 |

(LSVN) - Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an đã lược bỏ phần yêu cầu CSGT phải thực hiện chào bằng lời nói là chưa phù hợp. Vì đây là quy trình giao tiếp giữa CSGT với người tham gia giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông cần phải được tuân thủ chặt chẽ. Nếu không, sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong giao tiếp, phát ngôn của Chiến sỹ CSGT khi thực hiện nhiệm vụ.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Bộ Công an công bố dự thảo (lần 2) Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (dự thảo Thông tư) để lấy ý kiến.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 17 dự thảo Thông tư quy định: "Khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, Cảnh sát giao thông được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn, thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát)".

So với khoản 2, Điều 18 Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an đang được áp dụng thì dự thảo Thông tư mới đã lược bỏ phần yêu cầu Cảnh sát giao thông (CSGT) phải thực hiện chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị...” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.

Dự thảo Thông tư mới đã lược bỏ phần yêu cầu CSGT phải thực hiện chào bằng lời nói là chưa phù hợp. Vì đây là quy trình giao tiếp giữa CSGT với người tham gia giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông cần phải được tuân thủ chặt chẽ. Nếu không, sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong giao tiếp, phát ngôn của Chiến sỹ CSGT khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, CSGT thực hiện động tác chào bằng lời nói thể hiện sự chuẩn mực trong mối quan hệ giao tiếp giữa người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Khi đã tạo ra sự thân thiện giữa CSGT và người tham gia giao thông thì không khí làm việc sẽ vui vẻ, không căng thẳng, hạn chế thấp nhất sự chống đối, cản trở đối với người thi hành công vụ; thậm chí trong trường hợp, người tham gia giao thông có vi phạm nghiêm trọng pháp luật thì họ cũng sẽ vui vẻ chấp hành.

Theo dự thảo Thông tư mới, thì CSGT sẽ không thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân đối với trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát. So với Thông tư số 65/2020/TT-BCA, thì dự thảo Thông tư mới bổ sung thêm trường hợp CSGT sẽ không thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân đối với trường hợp người có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát.

Điều này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, bởi vì hiện nay, khi CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đã gặp rất nhiều trường hợp thiếu văn hóa, cản trở, chống đối, lăng mạ, xúc phạm…CSGT; có trường hợp, người vi phạm có hành vi tấn công, gây thương vong cho lực lượng CSGT khi đang làm nhiệm vụ. Những trường hợp này, CSGT cần phải áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xử lý, trấn áp thì không phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đề xuất lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục để dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Khi phát hiện, CSGT mặc thường phục báo ngay cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục Công an, đeo số hiệu xử lý. Quy định này là cần thiết để xử lý những người tham gia giao thông có hành vi đối phó, tức là khi gặp CSGT thì chấp hành nhưng không có CSGT thì xảy ra vi phạm.

Tuy nhiên, cũng cần phải quy định cụ thể như lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục để dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông phải tuân theo chương trình, kế hoạch cụ thể; phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cán bộ CSGT mặc thường phục. Đồng thời, cán bộ CSGT mặc thường phục không có thẩm quyền xử lý vi phạm giao thông nhưng có nhiệm vụ chuyển nội dung vi phạm do thiết bị nghiệp vụ giám sát ghi lại cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục Công an, đeo số hiệu để xử lý. Và quy trình này phải công khai để người tham gia giao thông được biết, tránh tình trạng lạm dụng quyền hạn của cán bộ CSGT mặc thường phục và không xảy ra tình trạng kẻ xấu lợi dụng quy định này để lừa gạt, tống tiền hoặc cưỡng đoạt tài sản của người tham gia giao thông.

ĐỖ VĂN NHÂN

Đề xuất CSGT không chào bằng lời nói: Chưa phù hợp với thực tiễn

Lê Minh Hoàng