/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất mở rộng đối tượng làm tư vấn viên pháp luật

Đề xuất mở rộng đối tượng làm tư vấn viên pháp luật

12/06/2022 01:17 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Trong đó, dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng làm tư vấn viên pháp luật.

 

Ảnh minh họa.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện của tư vấn viên pháp luật theo hướng mở rộng cho đối tượng có bằng cử nhân ngành khoa học xã hội có thể trở thành tư vấn viên pháp luật; giảm bớt yêu cầu về thời gian công tác pháp luật từ 03 năm xuống còn 02 năm, hoặc có ít nhất 02 năm công tác tại tổ chức chủ quản và am hiểu pháp luật.

Trong mối liên hệ với pháp luật về Luật sư, trợ giúp pháp lý hiện hành và định hướng hoàn thiện trong thời gian tới, các chức danh tư pháp đều phải qua đào tạo nghề, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ thường xuyên trong suốt quá trình hoạt động.

Do vậy, dự thảo Nghị định quy định tư vấn viên pháp luật phải tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ hằng năm ít nhất là 08 giờ/năm. Nghĩa vụ này cũng áp dụng đối với cộng tác viên tư vấn pháp luật, Luật sư làm việc tại tổ chức tư vấn pháp luật. Phạm vi hoạt động của tư vấn viên dự kiến được mở rộng thêm việc đại diện, tham gia tố tụng theo cơ chế đại diện ủy quyền

Về Luật sư, cộng tác viên tư vấn pháp luật, về cơ bản, dự thảo Nghị định hiện giữ nguyên cơ chế hiện nay đối với Luật sư hành nghề cá nhân làm việc tại Trung tâm Tư vấn pháp luật và cộng tác viên. Có ý kiến cho rằng cần có chính sách cụ thể thu hút Luật sư tham gia hoạt động của các Trung tâm Tư vấn pháp luật, mở rộng hình thức hoạt động cho Luật sư. Cũng có quan điểm cho rằng Luật sư tham gia mô hình tư vấn pháp luật theo Nghị định 77 có tính chất thiện nguyện nhiều hơn so với hoạt động hành nghề tại các tổ chức hành nghề Luật sư, doanh nghiệp. Cơ chế hoạt động của cộng tác viên cũng cần rà soát, đảm bảo thực chất hơn, tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”.

Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, đây là vấn đề cần trao đổi, thảo luận thêm để đảm bảo vừa thu hút đông đảo Luật sư, cộng tác viên tham gia tư vấn pháp luật phục vụ cộng đồng, vừa đảm bảo chế độ thù lao, đãi ngộ hợp lý.

Theo Cục Bổ trợ Tư pháp, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển hoạt động tư vấn pháp luật và cho các tổ chức chủ quản, các Trung tâm tư vấn pháp luật triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất quản lý đối với tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai Nghị định trong hơn 10 năm qua đã góp phần phát triển mạng lưới tổ chức tư vấn pháp luật tới hầu khắp các địa phương trong cả nước, đội ngũ người thực hiện tư vấn pháp luật theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, bảo đảm tính chủ động, trách nhiệm, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội

Tính đến tháng 12/2021, cả nước có khoảng 200 Trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập với gần 40 chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật, đăng ký hoạt động tại 62/63 tỉnh, thành phố; khoảng 3.200 người thực hiện tư vấn pháp luật, trong đó có trên 620 người được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, trên 100 Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm, khoảng 2.500 người là cộng tác viên tư vấn pháp luật.

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động cũng nảy sinh một số vấn đề cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, dự kiến dự thảo Nghị định được sửa đổi, bổ sung có cơ cấu 05 chương với tổng số 37 điều.

DUY ANH

Quy trình kỷ luật đối với trường hợp đảng viên là Ủy viên Trung ương

Loan B T Thanh