/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đề xuất xác định lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm đất đai: Rõ ràng và dễ áp dụng hơn?

Đề xuất xác định lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm đất đai: Rõ ràng và dễ áp dụng hơn?

26/09/2021 02:54 |

(LSVN) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang chủ trì sửa đổi việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ TN&MT đưa ra trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ này, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 1 Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 3, 4 và bổ sung khoản 10 Điều 7 về việc xác định “Giá đất của loại đất trước và sau khi vi phạm được xác định bằng giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định” để phù hợp với điểm d khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013; bổ sung khoản 10 Điều 7 quy định rõ về thời điểm xác định nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đã xảy ra trước ngày Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành để để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.

Về cơ sở định giá

Cơ sở tính số lợi có được do vi phạm theo dự thảo mới được ấn định: “theo giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định” thay vì theo nội dung cũ được ghi nhận tại Điều 7 Nghị định 91 là “được xác định bằng giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhân (x) hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm chuyển mục đích”. Như vậy, theo dự thảo sửa đổi lần này đơn vị soạn thảo đã ấn định cơ sở tính số lợi bất hợp pháp theo giá đất của ảng giá đất do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Sửa đổi từ cách áp dụng: "tính theo giá đất cụ thể bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất" trở thành "theo giá đất của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định" là cách sửa đổi phù hợp với điểm d khoản 2 điều 114 Luật đất đai 2013:

"2.Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:

[…]

d) Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;"

Về số lợi bất hợp pháp

Dự thảo mới được thêm cụm từ “bất hợp pháp” do chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, dự thảo sửa đổi lần này xác định rõ đây là lợi ích bất hợp pháp, việc sửa đổi này đồng nhất thuật ngữ với các văn bản về xử phạt hành chính khác. Tại thông tư số 149/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 19/11/2019 quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để bổ sung vào ngân sách Nhà nước, tại khoản 1, khoản 2 điều 3 cũng chỉ rõ:

“ 1. Việc xác định số lợi bất hợp pháp do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện và ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Số lợi bất hợp pháp được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.”

Mặt khác việc sửa đổi bổ sung nội dung này cũng phù hợp với các quy định tại Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”; “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.

Như vậy, việc sửa đổi thuật ngữ trên tại nghị định dự thảo mới là phù hợp, tạo được mối liên hệ giữa các văn bản pháp luật để dễ hiểu, dễ áp dụng hơn.

Việc sửa đổi này cũng đảm bảo đối với khoản tiền thu được từ hoạt động chuyển nhượng mục đích sử dụng đất hợp lý hơn, khi mà khoản lợi này không chỉ xuất phát từ những hành vi vi phạm, mà còn mang tính chất là bất hợp pháp. Nếu số lợi nhuận mà người thực hiện hành vi vi phạm không phải là bất hợp pháp như: tiền bán được từ hoa màu trồng được trên đất lấn chiếm (dù xuất phát từ hành vi canh tác đất lấn chiếm) mà vẫn yêu cầu thu thì không hề hợp lý và không nhằm đúng mục đích răn đe hành vi vi phạm. Hành vi lấn chiếm bị xử phạt do đã xâm phạm đến người sử dụng đất khác, khiến họ không được sử dùng diện tích đất bị lấn chiếm/ ảnh hưởng đến việc định đoạt, định giá thửa đất. Do đó, số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm phải là số tiền tương ứng với giá trị của mảnh đất, hay nói cách khác, căn cứ để thu số lợi bất hợp pháp trên là giá đất, có liên quan tới giá trị quyền sử dụng đất, mới là hợp lý.

Vấn đề thời điểm xác định vi phạm, theo nội dung dự thảo thì cần làm rõ thêm về việc xác định về thời điểm bắt đầu và kết thúc việc thực hiện hành vi vi phạm. Việc xác định hành vi vi phạm và thu lợi bất chính cần dựa vào thông báo của nhân dân/ biên bản xử phạt vi phạm hành chính hặc được xác định bằng việc cá nhân/ tổ chức/ cơ quan/ biết, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Do đó việc xác định khoảng thời gian để tính giá trị số lợi bất hợp pháp theo dự thảo cần làm rõ thêm để việc xác định số lợi bất chính từ hành vi vi phạm được chính xác.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀN

Giám đốc Công ty luật TNHH HOK

Hạn chế quyền khởi kiện lại là hạn chế quyền công dân

Lê Minh Hoàng