(LSVN) - Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND Tối cao quy định trường hợp tòa đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do “nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác thì nguyên đơn không có quyền kiện lại” là hạn chế quyền khởi kiện lại. Việc này là hạn chế quyền con người, quyền công dân trong hành trình tiếp cận công lý, đặc biệt quyền lợi hợp pháp của người nghèo, người yếu thế không được Tòa án bảo vệ.
Ảnh minh họa.
Trong khi hiện nay nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương, đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND hướng tới việc bảo đảm tính dân chủ, công khai trong hoạt động xét xử, tạo điều kiện thuận lợi và khả năng tiếp cận công lý của người dân, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.
Để thực hiện cải cách tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền cần phải rà soát để sửa đổi, hủy bỏ những quy định mang tính thủ tục “hành dân” không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật tư pháp (Luật Tổ chức Tòa án, Bộ Luật Dân sự, Luật Ban hành quy phạm pháp luật,...) nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tố tụng.
Cần ghi nhận ý kiến của các chuyên gia
Với mong muốn người không có tiền cũng có thể được tiếp cận công lý thông qua tòa án, tháng 4/2020, PGS. Đỗ Văn Đại đã đề xuất phát triển một quyết định của TAND cấp cao tại Hà Nội thành án lệ theo theo hướng ngược lại với hướng dẫn Công văn 02/TANDTC-PC của TAND Tối cao.
Theo dự thảo án lệ, sau khi vụ án bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản thì vẫn được phép khởi kiện lại. Tuy nhiên, dự thảo án lệ này đã không được TAND Tối cao chấp nhận, với 3 lý do chính:
- Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định trường hợp được khởi kiện lại sau khi vụ án bị đình chỉ tại Điều 218 nhưng điều luật này không đề cập cụ thể đến trường hợp vụ án đã bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản;
- Việc cho phép khởi kiện lại sẽ gây khó khăn cho bị đơn và người có quyền, lợi ích liên quan vì họ lại phải theo nguyên đơn trong một vụ kiện mới mà nội dung không khác với vụ án đã bị đình chỉ;
- Người nghèo đã có cơ chế được miễn tiền tạm ứng chi phí giám định, miễn chi phí giám định.
Thực tiễn xét xử cho thấy người nghèo chỉ có thể được xét miễn tiền tạm ứng án phí theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định các trường hợp được miễn nộp tiền án phí, tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng lệ phí Tòa án.
Thực tiễn giải quyết án dân sự không vướng mắc về án phí, không vướng mắc về việc đình chỉ vụ án lý do đương sự không nộp chi phí tố tụng. Vấn đề vướng mắc ở đây là chủ đề tố tụng gây tranh luận về nội dung Công văn số 02/TANDTC-PC của TAND Tối cao hướng dẫn: Tòa đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì “lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác thì nguyên đơn không có quyền kiện lại”. Nếu hướng dẫn này được luật hóa thì rõ ràng Tòa án đã từ chối giải quyết về nội dung vụ việc, vụ kiện dân sự của người dân - nhiệm vụ cao cả duy nhất của TAND về thực hiện quyền tư pháp. Điều này là không thể!
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân nhanh chóng kịp thời, thiết nghĩ đây là trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán TANDTC trong việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Từ thực tiễn xét xử và ý kiến phản biện của giới Luật gia, Luật sư, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban Nghị quyết của hoặc phát triển án lệ; cần hạn chế ban hành Công văn, tài liệu giải đáp nội bộ có nội dung, hình thức không phù hợp với Hiến pháp và luật.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ