Một cái Tết không đoàn viên với nhiều người, nhiều gia đình, nhưng không vì thế mà nhiều người buồn, nhiều người mất đi cái Tết của mình. Đó sẽ là cái Tết lịch sử để nhiều người Việt bảo vệ cho nhau, phòng bệnh cho cộng đồng. Và ở mỗi khu cách ly, những người Việt vẫn đang siết tay nhau, vừa đón Tết an toàn, vừa mong muốn đẩy lùi đại dịch Covid trong năm mới. Thay vì bên nhau trong bữa cơm chiều 30 Tết, đón thời khắc Giao thừa cùng các thành viên trong gia đình, dành tặng nhau những lời chúc tốt lành, tất cả mọi người ở khu cách ly đều dự định gửi tới người thân của mình lời chúc mừng năm mới qua hình thức... trực tuyến.
Khác với mọi năm, nhiều gia đình ở Hải Dương năm nay đang trải qua một cái Tết đặc biệt: ăn Tết nhưng vẫn coi nhiệm vụ chống dịch là hàng đầu. Với anh Nguyễn Đức Cường, cán bộ xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, Giao thừa năm nay là một Giao thừa đặc biệt chưa từng có. Đã 14 ngày liền anh chưa về nhà, bởi anh đang làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 37, đoạn đầu thôn Trung Quê, xã Lê Lợi.
Đây là 1 trong 14 chốt kiểm soát dịch được đặt tại xã. Hiện nay, xã Lê Lợi có 32 người dân mắc Covid-19, có 2 thôn phong tỏa, cách ly y tế.
Trong không khí se lạnh của đêm cuối năm, bên chốt trực hắt hiu ánh điện hắt ra từ chiếc lán nhỏ bên đường, anh Cường chia sẻ: “Ngày Tết, nhất là thời khắc Giao thừa thiêng liêng, ai cũng vậy thôi, đều muốn được bên cạnh gia đình, người thân. Mặc dù không được sum họp bên gia đình nhưng chúng tôi, những cán bộ trực chốt tại đây sẽ cố gắng hết mình để thực hiện nhiệm vụ, vì sự bình an, sức khỏe của mọi nhà. Mong sao trong những ngày Tết, mọi người dân vẫn sẽ chấp hành tốt quy định phòng chống dịch để cùng với các cấp chính quyền, sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”.
Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng cho biết: “Năm nay, Chí Linh đón một cái Tết đặc biệt: vừa đón Tết vừa chống dịch. Chúng tôi động viên toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân dân vui đón Tết nhưng vẫn coi nhiệm vụ chống dịch hàng đầu. Mong toàn thể bà con vui xuân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, đón Tết tại nhà và chúc Tết người thân bạn bè qua điện thoại, Zalo, Facebook”.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Chí Linh cũng đã sẵn sàng các phương án để đảm bảo dịch sẽ không lây lan trong cộng đồng: quản lý chặt chẽ khu cách ly mà vẫn đảm bảo để người dân được vui xuân đón Tết; các lực lượng, tổ giám sát thường xuyên đi tuần nhắc nhở nhân dân trong khu vực cách ly y tế không ra ngoài, không tụ tập đông người.
Cùng với Chí Linh, tại nhiều địa phương khác, công tác chia sẻ và động viên người dân cách ly và lực lượng tuyến đầu chống dịch đã được thực hiện kịp thời.
Tại khu cách ly thuộc Trung đoàn 58 huyện Quốc Oai, Hà Nội, người dân đã lạc quan chia sẻ: “Tết trong khu cách ly chẳng thiếu gì cả. Sáng nay người ta đã mang đào đến. Bánh chưng, giò, chả, bánh kẹo… chúng tôi đều có đủ. Tết nói chung không thiếu một cái gì, kể cả tình cảm”. Tất nhiên không thể rộn ràng như thời không có Covid-19, nhưng chắc chắn không phải một cái Tết buồn.
Tuy phải giãn cách để đảm bảo phòng dịch, phòng nọ không được đến phòng kia để “giao lưu”, chúc tụng, nhưng một phòng 6 người cùng cách ly cũng đủ thành một gia đình nhỏ, cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc linh thiêng nhất của năm mới.
Tết năm nay sẽ có khoảng 1.000 người cách ly tại 6 khu cách ly thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Với mong muốn giúp người dân dù đang ở khu cách ly vẫn như đang ở gia đình, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ thêm trong 5 ngày Tết mỗi ngày 100000 đồng/người. Dù ngày Tết nhưng tất cả các lực lượng vẫn đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Trong đêm 30 Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cùng đoàn công tác của Cục Quân y đã đến thăm và chúc Tết, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và đồng bào thực hiện cách ly tập trung Trung tâm đào tạo nghề Thành An (Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng).
Theo Phó Thủ tướng, dù chưa tổng kết, nhưng điều có thể nhìn rõ nhất là chúng ta chống dịch được như thế này có sự đóng góp rất lớn của anh em bộ đội, công an, y tế… Đối với quân đội, không chỉ có các đồng chí bộ đội Biên phòng “ăn gió, nằm sương” vừa giữ yên bờ cõi, vừa gồng mình ngăn chặn dịch ngay từ đường biên mà còn có các đồng chí ở các đơn vị, sẵn sàng nhường chỗ ở, chấp nhận vất vả, hy sinh để phục vụ đồng bào cách ly y tế.
Thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng chân thành cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, các “chiến sĩ áo trắng” và các lực lượng chức năng khác đã không ngại vất vả, hi sinh, đồng sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước chống dịch, bảo vệ bình an cho nhân dân.
Bày tỏ lần đầu tiên đi chúc Tết giao thừa trong hoàn cảnh rất đặc biệt, Phó Thủ tướng xúc động khi không thể đến gần nắm tay mọi người. Ông cũng cảm ơn bà con cũng như rất nhiều người dân đã chịu vất vả, bất tiện khi thực hiện cách ly hay giãn cách xã hội. Chính nhờ thế chúng ta mới kiểm soát tốt dịch trên toàn đất nước cho đến ngày hôm nay.
“Không chỉ chúng ta kiểm soát được dịch bệnh mà nhờ sự đoàn kết một lòng, chịu thương, chịu khó, ý thức của mọi người dân, trong những lúc khó khăn, những điều tốt đẹp, giá trị tốt đẹp của dân tộc lại được khơi dậy, lan toả. Từ đó chúng ta có thêm niềm tin không chỉ chiến thắng dịch bệnh, mà có niềm tin vững chắc vào tương lai, đất nước ta nhất định sẽ phát triển, giàu mạnh”, Phó Thủ tướng nói và chúc mừng một năm mới với nhiều thành công mới.
“Chúng ta không chỉ chiến thắng dịch bệnh mà nhất định sẽ xây dựng, bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam thân yêu” – Phó Thủ tướng nói.
Năm nay sẽ có nhiều người không thể đón Tết cùng gia đình vì phải tham gia chống dịch và cả những người phải thực hiện nghĩa vụ cách ly vì dịch bệnh nhưng tất cả đều hiểu việc làm của mình sẽ góp phần vào công tác chống dịch Covid-19. Tinh thần đoàn kết đồng thuận và đồng lòng thứ sức mạnh đã giúp Việt Nam vượt qua một năm nhiều khó khăn với thiên tai, bệnh dịch và sẽ tiếp tục giúp Việt Nam trên đường tới đích.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 26/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; Kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định dừng việc bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã nhân dịp năm mới. Thay vào đó UBND thành phố Hà Nội đã nghiên cứu phương án tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đêm Giao thừa tại 1 địa điểm thích hợp với yêu cầu nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19 (không tập trung đông người), để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân. Địa điểm được lựa chọn là Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng.
Tại TP. HCM, chính quyền cũng đã quyết định hủy 8 địa điểm bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa để thực hiện chống dịch Covid-19. Các lễ hội trên địa bàn TP cũng dừng tổ chức, đặc biệt là lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ. Nơi đây chỉ mở cửa đón khách từ 8h-17h.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM khá vắng vẻ. Đa số người đến đây đón Giao thừa là các bạn trẻ và các gia đình. Do TP. HCM không tổ chức bắn pháo hoa nên nhiều người dân cho biết, họ chỉ đi dạo "cho có không khí ngày Tết" rồi sau đó sẽ về nhà sớm để cúng Giao thừa thay vì ngắm pháo hoa như mọi năm.
Cũng như nhiều tỉnh, thành cả nước, năm nay tỉnh Quảng Ngãi quyết định không tổ chức bắn pháo hoa trong thời khắc Giao thừa để phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, các chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới cũng hủy bỏ. Do đó, người dân không còn chen chân ra phố đón Giao thừa như những năm trước. Ngay tại Quảng trường tỉnh trên đường Phạm Văn Đồng - điểm vui chơi vốn thu hút đông đảo người dân địa phương, cũng trở nên thưa vắng trong đêm Giao thừa.
Tại các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, những năm gần đây xuất hiện phong trào trang trí cây nêu đón Tết. Những ngày này đi các tuyến đường lớn nhỏ ở khu vực này vào ban đêm sẽ có cảm giác như lạc vào miền cổ tích...
Xuân đã về trên từng con đường, ngõ nhỏ, đất nước cũng đang khởi sắc với một năm mới đầy hứa hẹn. Dù có những nỗi lo âu vẫn đang hiện lên đôi mắt, những nỗi thương đau vẫn đang hằn trên khuôn mặt và có những phút chia ly khiến cho lòng ta chua xót; dịch bệnh, thiên tai mang đau đớn đến khắp mọi nơi. Nhưng với tất cả yêu thương sẻ chia từ tâm mỗi người, chúng ta sẽ vượt qua tất cả và sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau.
Thiên tai hay dịch bệnh có thể lấy đi của chúng ta nhiều thứ nhưng lại mang lại cho chúng ta một quyết tâm để thay đổi, thay đổi để tốt đẹp hơn, thay đổi để mạnh mẽ hơn và thay đổi để bền vững hơn. Năm 2020 là một năm chồng chất những khó khăn với Covid-19, bão chồng bão, lũ chồng lũ nhưng chúng ta đã kiên cường vượt qua, luôn vững một niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Với những nhân viên y tế, những người lính áo xanh và những người dân bình dị và đặc biệt là các bạn trẻ nữa, họ đã có một hành trình từ những hành động đẹp để có thể hồi sinh đất nước mình và chắc chắn trong hành trình tiếp theo sẽ có sự đồng hành từ chính bản thân mỗi người chúng ta tiếp nối tinh thần tốt đẹp ấy, để năm 2021 sẽ biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực, đẩy lùi dịch bệnh, Việt Nam ngày càng hùng cường!
TRÀ MY