/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Năm Sửu bàn về lễ hội chọi trâu

Năm Sửu bàn về lễ hội chọi trâu

11/02/2021 00:55 |

(LSVN) – Theo các nhà nghiên cứu, đến nay vẫn chưa tìm được những nguồn tài liệu chính thức ghi chép về lễ hội chọi trâu bắt đầu được tổ chức từ thời điểm nào. Đây cũng là quy luật chung của các hiện tượng văn hóa dân gian, trong đó có lễ hội truyền thống. Văn tịch hiếm hoi và đủ tin cậy trong sách Đại Nam nhất thống chí cũng chỉ có thể khẳng định chọi trâu là tục lệ lâu đời của người Việt.

 

Ảnh minh họa. 

Theo các nguồn sử liệu ghi chép, thì lệ chọi trâu truyền thống đã được sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại, gắn với sự kiện năm Mậu Tý (1048), vua Lý Thái Tông ban “Chiếu định phép chọi trâu về mùa xuân”. Đây là văn tịch hiếm hoi và đủ tin cậy để chúng ta có thể khẳng định, chọi trâu là tục lệ lâu đời của người Việt. 

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ về nguồn gốc lễ hội chọi trâu, có thể nói cho đến nay vẫn chưa tìm được những nguồn tài liệu chính thức ghi chép về lễ hội chọi trâu bắt đầu được tổ chức từ thời điểm nào và nhận định: “Đây cũng là quy luật chung của các hiện tượng văn hóa dân gian, trong đó có lễ hội truyền thống”.

Theo Tiến sĩ  Đinh Đức Tiến, trong con mắt của người làm nông thì con trâu là đầu cơ nghiệp, là sức kéo, bởi nó là con vật được thuần hóa từ sớm, hiền lành, dễ bảo và đặc biệt có thân hình to lớn cùng sức khỏe vô địch mà người ta thường ví von với câu nói “Khỏe như trâu”. Trâu giúp con người cày bừa ruộng, chuyên chở vật nặng... giảm được sự nặng nhọc cho người làm nông trong sản xuất.

Những câu tục ngữ từ lâu như: Con trâu là đầu cơ nghiệp; Ruộng sâu trâu nái... là để thể hiện sự no đủ, hạnh phúc hoặc, tậu trâu, lấy vợ, làm nhà là 3 việc lớn, quan trọng trong cuộc đời của người Việt truyền thống. Cho nên một xã hội trọng nông sẽ kiêng việc giết - mổ trâu, bằng chứng là một số triều đại trong lịch sử Việt Nam đã có lệnh cấm giết trâu và quản lý việc này rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với một số bộ phận cư dân hoạt động ở một số lĩnh vực khác thì con trâu nó không phải như vậy.

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến.

Nhìn nhận vào vấn đề xa hơn, các chuyên gia khi làm nghiên cứu văn hóa thường dựa trên một nền tảng lý thuyết. Theo đó, trong một cuốn sách tên “Luận về biếu tặng” của Marcel Mauss, đã nói đến các hình thức tặng biếu ở trong các nền văn hóa trên thế giới, đặc biệt là các nền văn hóa tạm gọi là vẫn chưa phát triển đến nền kinh tế thị trường như phương tây đã xuất hiện rất nhiều tình trạng giống như Việt Nam hiện nay đó là hiện tượng “lại quà”.

Cụ thể, trong văn hóa đời thường, người ta coi như việc tặng quà cho “sếp” là việc tỏ rõ thành ý của bản thân cá nhân đối với người quản lý của mình, việc nhận quà không phải chỉ là lợi lộc nhận được mà còn khẳng định được vị trí của họ, tức là người đó là người có địa vị, có khả năng ban tước cho người khác.

Thế nhưng khi đã nhận được quà không có nghĩa là người đó chỉ nhận mà không làm gì cả mà lúc nào cũng có hiện tượng là “lại quà”.

“Nếu người được nhận quà là người có danh dự thì cũng phải lại quà ít nhất là tương đương với vật phẩm mà người tặng quà đưa cho, còn không thì luôn có một hành động là “lại quà” với giá trị gấp nhiều lần hơn thì người nhận quà mới được nhận định là người có danh dự”, Tiến sĩ Tiến cho hay.

Bên cạnh những câu chuyện xã hội, Marcel Mauss cũng đã đề cập đến câu chuyện con người hiến sinh tặng quà cho thần linh. Nói đến câu chuyện này, khi con người cúng biếu cho thần linh, vật phẩm có thể là con trâu, có thể là con voi… với cá nhân nào đó, thì nó có giá trị lớn, nhưng với một cộng đồng thì vật phẩm lại càng nhỏ bé. Tuy nhiên, họ lại dâng hiến cho thần linh và thần linh cũng giống như những người trên là phải nhận và buộc phải có “lại quà”, nhưng cái lại quà của thần linh thì chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường được mà là những giá trị tinh thần.

Trở lại với câu chuyện chọi trâu, bản thân lễ hội đã có từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay, xuất phát điểm của lễ hội có từ bao giờ thì không ai dám khẳng định chắc chắn vì không có nguồn tài liệu nào ghi chép cụ thể về chuyện này, chỉ biết các tài liệu về lễ hội dân gian, trò chơi dân gian thì sẽ rất khó xác định niên đại.

Theo truyền thuyết, vùng Đồ Sơn, vị thần biển xuất hiện dưới hình hài là con trâu trắng, là biểu trưng cho sức mạnh của biển cả nên có tục chọi trâu. Tuy nhiên, căn cứ vào những nghiên cứu khác nhau, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho rằng, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là hoạt động tín ngưỡng tâm linh dân gian, nơi đó con trâu chiến mạnh nhất (trâu vô địch), theo truyền thống sẽ được đem hiến sinh cho thần biển (nghi lễ hiến sinh), mong cầu được sóng yên biển lặng, ngư dân được mùa tôm cá.

Lý do việc chọn trâu cho nghi thức này được giải thích như sau: Trâu biểu trưng cho sức mạnh của biển cả, đặc biệt là cặp sừng uốn cong, gợi đến hình ảnh về mặt trăng lưỡi liềm - liên quan đến thủy triều và mùa con nước của biển cả.

Vì gắn liền với nghi lễ như vậy, những con trâu ở Đồ Sơn được chọn mua, nuôi dưỡng và huấn luyện khác hẳn với những con trâu cày thông thường ở nhóm cư dân nông nghiệp. Người nuôi trâu chọi cần có kinh nghiệm và họ đã tích lũy và giữ gìn hệ thống "tri thức bản địa" trong việc chọn, nuôi dưỡng, huấn luyện trâu chọi và các kỹ năng khác.

Tiến sĩ Tiến còn đề cập thêm về tích truyện trâu vàng – kim ngưu liên quan đến hồ Tây, Hà Nội. Hồ Tây về địa lý tự nhiên, vốn là một nhánh của sông Hồng, sau khi đắp đê, thì nhánh sông này trở thành hồ. Hồ nằm ngoại vi phía Tây thành Thăng Long, nên gọi là Đoài Hồ. Đây cũng là vùng đất mà các lớp cư dân khác nhau được đưa đến khai phá lập thành làng - trại. Công cuộc khai phá đó gắn liền với những biến cố chính trị ở Thăng Long.

Hơn nữa, hồ Tây có không gian rộng, cảnh quan đẹp nên trở thành nơi thưởng ngoạn của vua chúa - lập ra hành cung; hay trở thành nơi ngắm cảnh vịnh thơ phú của tao nhân mặc khách. Từ cảnh quan đẹp, gắn với đời sống của các lớp dân và tầng lớp quý tộc, trí thức mà hồ Tây dần được thiêng hoá bằng các tích truyện khác nhau. Trong đó có tích truyện trâu vàng - kim ngưu. Đặc biệt là vào thời Lý, khi Phật giáo được trọng dụng.

Mặc dù đã xuất hiện các dòng thiền Thiền tông, nhưng dòng Mật tông vẫn đang thịnh hành. Thiền sư - Quốc sư Nguyễn Minh Không là đại diện cho dòng Mật tông, có nhiều hành trạng huyền hoặc và phép thuật cao siêu.

Sau mỗi triều địa khác nhau, truyền thuyết về hồ Tây lại có những tích truyện khác nhau. Tuy nhiên, tích truyện trâu vàng vẫn là một truyền thuyết đặc sắc, bởi nó phản ánh tâm thức, tư duy và khát vọng của cư dân Việt truyền thống. Con vật to lớn nhất là con Trâu trong đời sống của người Việt (mặc dù có Voi được mang ra từ phía Nam, nhưng nó ko gắn với đời sống thường ngày). Hơn nữa trâu có sức khoẻ và có đặc tính tự nhiên đằm mình thành vũng (vũng trâu đằm/đầm).

Trâu vàng còn thể hiện cho khát vọng và mong muốn nó đủ của người dân đất Việt. Hơn nữa, nó còn trở thành linh vật thần bí ẩn hiện trong không gian thiêng của hồ Tây. Bản thân nó, đã tạo nên một phần thiêng liêng của hồ Tây, của Thăng Long - Hà Nội.

MỸ LINH – HOÀNG LÂM

Bàn về trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp

Lê Minh Hoàng