(LSO) - Trong một động thái mới nhất, Viện KSND tối cao khẳng định, quyết định kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải của Viện trưởng Viện KSND tối cao là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết.
Dư luận xã hội mong chờ và kỳ vọng vào điều này, đơn giản là vụ án giết nhiều người, dã man này có rất nhiều "điểm mờ", nhiều nghi vấn không được làm sáng tỏ và cần thiết (và cả cấp thiết nữa) điều tra lại một lần nữa. Đa phần các ý kiến đều không khẳng định là Hồ Duy Hải vô tội mà do những khuất tất, bất chấp những nguyên tắc điều tra, bảo vệ hiện trường, lưu giữ vật chứng, bắt giữ nghi can,... đã làm dư luận bức xúc và đòi hỏi chính đáng của các thành viên trong xã hội chúng ta là phải làm sáng tỏ sự thật với những chứng cứ thuyết phục. Đó cũng là thể hiện sự tôn trọng pháp luật, niềm tin vào lẽ phải và sự thiết lập công lý, công bằng. Xã hội chúng ta đang rất cần một tâm thế và tâm thức đó trong cộng đồng và trong đời sống pháp luật.
Ở một động thái khác, rất đáng mừng và cũng rất cần thiết cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã tập trung xác minh, làm rõ nhiều tin báo, tố giác về các vụ việc không khởi tố vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Căn cứ vào kết quả xác minh, Viện KSND tối cao đã yêu cầu khởi tố hoặc trực tiếp khởi tố các vụ án này để điều tra xử lý.
Minh chứng rõ ràng nhất cho động thái này là vụ án "Cố ý gây thương tích" của Nguyễn Xuân Đường (Thái Bình) đã bị cơ quan điều tra "bỏ qua", nay được khởi tố lại và quan trọng hơn, đang làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong việc bỏ lọt tội phạm, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Chắc chắn, còn có những vụ án tương tự như thế mà chưa được xử lý, cho dù báo chí phản ánh, người dân tố cáo, với một quyết tâm bảo vệ pháp luật của Viện KSND tối cao thì những việc làm mờ ám phải bị phanh phui và những người cố tình gây ra nó phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đó chính là sự thượng tôn pháp luật và duy trì trật tự xã hội bằng pháp luật một cách hiệu quả nhất.
Cùng với sự vào cuộc kịp thời của TAND cấp cao tại TP. HCM đối với các vụ bị cáo nhảy lầu tự tử hay bị đơn có ý định nhảy lầu. Từ đó, phát hiện ra những "điểm mờ", những sai phạm trong quá trình tố tụng mà hủy án, điều tra lại đã mang lại ý nghĩa tích cực, niềm tin vào cơ quan thực thi pháp luật. Điều cần thiết còn lại là phải làm rõ trách nhiệm, xử lý những cán bộ tư pháp gây ra oan trái đó!
NHỊ NGỌC