1. Giấy phép lái xe có 12 điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ
Theo quy định tại Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Mỗi lần lái xe vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy thuộc vào tính chất và mức độ. Điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết. Trường hợp bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.
Sau ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm sẽ được hồi phục đủ 12 điểm nếu không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ giấy phép lái xe của người vi phạm.
2. Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ
Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô.
Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe. Lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình. Phải chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó. Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
3 Cho phép đấu giá biển số xe máy, giá khởi điểm từ 5 triệu đồng
Theo Điều 37, giá khởi điểm cho mỗi biển số xe mô tô, xe gắn máy khi đưa ra đấu giá sẽ không được thấp hơn 05 triệu đồng. Người tham gia đấu giá cần đặt trước một khoản tiền không thấp hơn mức khởi điểm của biển số xe muốn đấu giá. Trong trường hợp khi hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký hoặc có nhiều người đăng ký nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá, hoặc có nhiều người tham gia nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm, thì người đó sẽ được xác định là người trúng đấu giá.
4. Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe
Từ ngày 01/01/2025, giấy phép lái xe được phân chia thành 15 hạng, tăng 2 hạng so với quy định hiện nay, gồm các hạng GPLX: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E. Đặc biệt, mở rộng phạm vi điều chỉnh với cả xe điện.
Đồng thời tăng độ tuổi tối đa của người lái xe theo điểm e khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Trước đây, khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
5. Bổ sung trường hợp được chở 3
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 12 tuổi;
- Người già yếu hoặc người khuyết tật.
Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Luật mới đã bổ sung thêm trường hợp xe máy được chở 3 khi tham gia giao thông là chở người già yếu hoặc người khuyết tật.
6. Không được cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế tài xế từ 01/01/2026
Khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 bổ sung quy tắc chung trong giao thông đường bộ như sau: Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.Quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 theo khoản 2 Điều 88.
Như vậy, từ 01/01/2026, không được cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế tài xế, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế.
7. Loại biển số xe không được định danh
Theo khoản 3 Điều 36 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, biển số xe được quản lý theo mã định danh, trừ biển số xe quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36. Việc quản lý biển số xe theo mã định danh được quy định như sau:
- Biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức; trường hợp tổ chức chưa có mã định danh thì quản lý theo mã số thuế, quyết định thành lập hoặc giấy tờ tương đương;
- Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng không sử dụng được hoặc chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe được giữ lại số biển số xe trong thời hạn 05 năm để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; quá thời hạn nêu trên, số biển số xe đó bị cơ quan đăng ký xe thu hồi, nhập vào kho biển số xe để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn với biển số xe trúng đấu giá;
- Trường hợp chủ xe có thay đổi thông tin về trụ sở, nơi thường trú, tạm trú thì được giữ lại số biển số xe định danh.
Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển số xe; đối với biển số xe thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy chuẩn kỹ thuật. Do vậy, biển số xe nền màu đỏ, chữ và số màu trắng cấp cho xe quân sự không quản lý theo mã định danh như các loại biển số xe thông thường.