Điểm mới trong BLTTHS 2015 nâng cao vai trò của luật sư

19/01/2018 01:39 | 6 năm trước

LSVNO - Năm 2018, đánh dấu thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015. BLTTHS 2015 có nhiều thay đổi cơ bản về quyền bào chữa, nhằm cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 và bảo...

LSVNO - Năm 2018, đánh dấu thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015. BLTTHS 2015 có nhiều thay đổi cơ bản về quyền bào chữa, nhằm cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.

Theo đó, những điểm mới trong BLTTHS 2015 về nâng cao vai trò của luật sư được thể hiện như sau, bổ sung các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa, đây là nỗ lực bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự. Ngoài các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa là bị can, bị cáo phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình; bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần thì BLTTHS 2015 còn mở rộng thêm người có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân cũng thuộc diện bắt buộc phải có người bào chữa.

BLTTHS 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018, thay thế thủ tục cấp Giấy chứng nhận bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa.

Năm 2018, cũng là năm thực hiện mô hình phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác. Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ban hành ngày 28/7/2017, vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa.

Ảnh minh họa.

Một điểm mới trong BLTTHS 2015 là cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, Điều 13 của BLTTHS năm 2015 lần đầu tiên quy định nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".

Bổ sung quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (điểm g khoản 1 Điều 58 BLTTHS). Như vậy, cùng với sự mở rộng diện người được bào chữa thì thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng cũng sớm hơn.

Với những quy định trong BLTTHS 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018, sẽ nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của luật sư, đảm bảo tốt hơn bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo

(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN)