/ Pháp luật - Đời sống
/ Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự?

Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự?

09/07/2023 11:39 |

(LSVN) - Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 không?

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, tại Công văn số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự năm, Bộ luật Tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự nêu rõ: Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 58, Điều 59, điểm b khoản 2 Điều 62 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BGTVT ngày 12/11/2019 của Bộ Giao thông Vận tải) và Thông tư số 06/2011/TT-BGTVT ngày 07/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thì cơ quan có thẩm quyền cấp cho người tham gia giao thông giấy tờ sau để xác định người tham gia giao thông đủ khả năng vận hành, lưu thông phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện phải mang theo khi tham gia giao thông: (i) Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đối với người điều khiển xe cơ giới; (ii) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo nghề cấp đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể “giấy phép lái xe” gồm những loại giấy tờ nào.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thi hành vi “điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định” và hành vi “điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng” đều là các hành vi bị nghiêm cấm, cùng được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Do vậy, 02 hành vi này cùng có tính chất, mức độ nguy hiểm như nhau khi xem xét xử lý vi phạm.

Điều 260 BLHS năm 2015 quy định hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của các chủ thể tham gia giao thông đường bộ gồm: người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ. Đối với tình tiết định khung tăng nặng “Không có giấy phép lái xe theo quy định” tại điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 cần được hiểu là các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp (Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và bằng/chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng...) để cho phép một người được điều khiển loại phương tiện tương ứng tham gia giao thông theo quy định của Nhà nước; và tình tiết này cần xem xét, áp dụng để xử lý không chỉ đối với hành vi của người điều khiển xe cơ giới mà áp dụng cả đối với các chủ thể khác thuộc đối tượng được cấp các loại “giấy phép lái xe theo quy định” (như người điều khiển xe máy chuyên dùng).

Do đó, trường hợp khi: (i) Người điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông không có Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ" hoặc (ii) người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông không có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường hộ và bằng hoặc chứng chỉ nghề điều khiển xe máy chuyên dùng thì đều có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự nếu vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

DUY ANH

Bùi Thị Thanh Loan