/ Nghề Luật sư
/ Đoàn Công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham quan và học tập công tác chuyển đổi số tại Nhật Bản

Đoàn Công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham quan và học tập công tác chuyển đổi số tại Nhật Bản

13/07/2023 14:31 |

(LSVN) - Tiếp tục thực hiện các hoạt động trong chương trình công tác tập huấn tại Nhật Bản, Đoàn Công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tham dự buổi tập huấn Chiến lược đối ngoại và hoạt động truyền thông tại Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (JFBA); chuyển đổi số tại Văn phòng Luật sư; hỗ trợ và định hướng trong việc tham gia các Hiệp hội Luật sư quốc tế và chia sẻ những kinh nghiệm của Luật sư tham gia vào Hiệp hội Luật sư quốc tế của JFBA trong chương trình tập huấn và đào tạo tại Nhật Bản từ ngày 25/6 đến 04/7/2023.

Tham dự buổi tập huấn Chiến lược đối ngoại và hoạt động truyền thông

Ngày 27/6/2023, Đoàn Công tác tiếp tục tham gia tập huấn tại trụ sở JFBA về công tác Chiến lược đối ngoại và hoạt động truyền thông tại JFBA. Luật sư SHIRAISHI Yumiko, Trưởng Phòng Truyền thông của JFBA thuyết trình về hoạt động của bộ phận truyền thông mà cụ thể là Phòng Truyền thông của JFBA, thông qua 5 hình thức chính như: (1) Báo Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, (2) Tin nhanh Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, (3) Tạp chí điện tử, (4) Trang web dành cho nhân viên, (5) Tạp chí “Tự do và công lý” cùng với đó là việc quảng bá hình ảnh của Luật sư Nhật Bản để mọi người thấy được sự gần gũi và đáng tin cậy của Luật sư, việc quảng bá thông qua về hình ảnh, video quảng cáo được đăng tại Tòa án, Bộ Tư pháp, Cơ quan cảnh sát, chính quyền địa phương, cơ sở công lập, trung tâm thương mại,... Ngoài ra, công tác truyền thông của JFBA cũng hết sức quan tâm đến việc truyền thông cho trẻ em, sinh viên với các hoạt động giáo dục dành cho học sinh tiểu học như “Bí mật của Luật sư”, cùng gặp gỡ Luật sư và trao đổi về nghề Luật sư. Đặc biệt, sử dụng một nhân vật truyền thông gọi là “jafuba” làm biểu tượng phổ quát hình ảnh và công việc của Luật sư JFBA để mọi người có thể hiểu rõ và tìm đến Luật sư khi có yêu cầu cần cung cấp dịch vụ pháp lý.

Qua buổi trao đổi về công tác truyền thông tại JFBA, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông của Liên đoàn cũng có những trao đổi với JFBA về công tác truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Hoạt động truyền thông của Liên đoàn hiện nay chủ yếu qua các hình thức cung cấp thông tin chính thức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trên hệ thống website và Tạp chí Luật sư điện tử, ngoài ra cũng bình luận các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động nghề nghiệp Luật sư thông qua hình thức báo giấy là “Tạp chí Luật sư Việt Nam” và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía đội ngũ Luật sư. Qua trao đổi cũng thấy ra sự khác nhau trong văn hóa tiếp thu thông tin của người dân mỗi nước, việc sử dụng và tiếp thu thông tin từ mạng xã hội tại Việt Nam chiếm trên 70%, nhiều Luật sư Việt Nam lựa chọn cách quảng bá hình ảnh chủ yếu thông qua nền tảng các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo thay vì qua các phương tiện truyền thông khác nên hết sức khó khăn khi quản lý nội dung các thông tin và phát ngôn này. Ngoài ra, Đoàn Công tác cũng rất quan tâm đến kinh phí cũng như các quy định của pháp luật Nhật Bản liên quan đến công tác quảng cáo, cách thức liên hệ để có thể đặt quảng cáo tại các cơ quan Nhà nước như phía Phòng Truyền thông JFBA đã trình bày.

Qua buổi tập huấn, các thành viên của Đoàn Công tác cũng thu hoạch được nhiều kiến thức và hình thức hoạt động truyền thông từ phía JFBA, tiếp thu và chọn lọc phù hợp phương pháp truyền thông nhằm áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đoàn Công tác chụp hình lưu niệm cùng các chuyên gia Phòng Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và biểu tượng “Jafuba”.

Tham quan và học tập công tác chuyển đổi số tại Công ty Luật Mori-Hamada-matsumoto, Công ty Luật Waseda Legal Commons và Công ty Luật Nishimura-Asahi

Chiều 27/6/2023, Đoàn Công tác tiếp tục tham quan và học tập về việc áp dụng chuyển đổi sốtại các Văn phòng Luật sư của Nhật Bản. Việc áp dụng chuyển đổi số tại các tổ chức hành nghề Luật sư nhằm mục đích tăng hiệu quả và năng suất cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư hay việc quản lý nhân sự tại công ty Luật (các Công ty Luật có quy mô lớn, từ 700 – 1.000 Luật sư hoạt động) với nhiều chi nhánh tại Nhật Bản và các quốc gia trên khắp thế giới, việc sử dụng các ứng dụng và công nghệ làm tăng khả năng giao tiếp với khách hàng dễ dàng hơn, cung cấp các dịch vụ pháp lý và phát triển hoạt động hành nghề của các văn phòng, công ty luật một cách thuận lợi.

Đoàn Công tác học tập công tác chuyển đổi số tại Công ty luật Waseda Legal Commons.

Việc áp dụng các ứng dụng và phần mềm trên máy tính cũng như vận dụng sự kết nối linh hoạt với smartphone cũng làm tăng tính linh hoạt trong công việc của người Luật sư và quản lý nhân viên văn phòng, kiểm tra các hoạt động, tiến độ công việc đối với Luật sư của Công ty và khách hàng.

Trong thời gian tình hình dịch Covid-19 bùng phát, việc áp dụng và sử dụng chuyển đổi số tốt tại các tổ chức hành nghề làm cho việc quản lý, điều hành văn phòng cũng như tư vấn pháp lý, trao đổi thông tin cho khách hàng thường xuyên được diễn ra thuận lợi, đặc biệt trong thời gian sắp tới việc bùng nổ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống dữ liệu cơ sở lưu trữ (Blockchain) sẽ càng nâng cao hiệu quả và năng suất hành nghề của người Luật sư.

Qua sự trình bày về công tác chuyển đổi số của công ty Luật tại Nhật Bản, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Đoàn Công tác cho rằng hiện nay các tổ chức hành nghề luật sư cũng như Luật sư tại Việt Nam cũng đang áp dụng chuyển đổi số vào những công việc cụ thể trong hoạt động hành nghề của mình, có những nét tương đồng với các Luật sư đồng nghiệp tại Nhật Bản đó là hiện nay cũng theo xu hướng tìm hiểu về các công nghệ AI, ChatGPT và Blockchain. Việc ứng dụng những công nghệ này vào hoạt động quản lý, hành nghề luật sư sẽ giúp người Luật sư làm việc tốt và chuyên nghiệp hơn. Do đó, những ứng dụng kỹ thuật số trong công việc của các văn phòng, công ty Luật tại Nhật Bản có nhiều điểm cần phải học tập áp dụng tại các văn phòng, công ty Luật Việt Nam và trước tiên là các Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư là thành viên Đoàn công tác có thể tham khảo và đem vào ứng dụng tại các Đoàn Luật sư địa phương trong công tác quản lý Luật sư.

Đoàn Công tác trao đổi và tham quan công ty Luật Mori-Hamada-matsumoto.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Trưởng Đoàn Công tác cũng thay mặt đoàn công tác cảm ơn sự hỗ trợ của Dự án JICA, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã liên hệ để Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thể tham quan và học tập về công tác chuyển đổi số tại các Văn phòng Luật sư tại Nhật Bản.

Đoàn Công tác tặng quà lưu niệm trong chuyến tham quan và làm việc tại Công ty Luật Nishimura-Asahi.

Tham gia tập huấn chuyên đề: Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Thẩm phán, Luật sư, công tố viên tại Nhật Bản; hỗ trợ và định hướng trong việc tham gia các Hiệp hội Luật sư quốc tế và chia sẻ những kinh nghiệm của Luật sư tham gia vào Hiệp hội Luật sư quốc tế của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản

Sau chuyến thăm và tham gia tập huấn tại Đoàn Luật sư tỉnh Aichi, ngày 30/6/2023, Đoàn Công tác tiếp tục tham gia tập huấn với hai nội dung chính là: “Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Thẩm phán, Luật sư, công tố viên tại Nhật Bản” và “Hỗ trợ và định hướng trong việc tham gia các Hiệp hội Luật sư quốc tế”, “chia sẻ những kinh nghiệm của Luật sư tham gia vào hiệp hội Luật sư quốc tế của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.

Trong buổi sáng, với nội dung về “Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Thẩm phán, Luật sư, công tố viên tại Nhật Bản”, Đoàn Công tác được Luật sư HORAOKA Atsuhi, Luật sư hàng đầu Nhật Bản chia sẻ về lịch sử từng bước hòa nhập và tiến tới sử dụng công nghệ thông tin của Luật sư Nhật Bản, từ những buổi đầu sử dụng máy đánh chữ soạn thảo văn bản để gửi các cơ quan, khách hàng cho đến việc phổ biến của mạng internet và áp dụng công nghệ trong công việc của Luật sư hiện nay. 

Nhiều dịch vụ online phổ biến phục vụ cho nghề Luật sư (các dịch vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực pháp luật) như: (1) Tiếp nhận, (2) Tra cứu, (3) Dịch thuật, (4) Tạo lập, (5) Rà soát hình thức và chính tả, (6) Hợp đồng điện tử, (7) Quản lý hợp đồng. Tuy nhiên việc áp dụng, sử dụng các dịch vụ điện tử này trên thực tế đối với các Luật sư vẫn chưa đáp ứng được nhiều và chỉ ở mức “có thể” sử dụng, chủ yếu các bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp sử dụng những dịch vụ này một cách hiệu quả.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tòa án, Chính phủ Nhật Bản chính thức xây dựng hệ thống ứng dụng, trao đổi và triển khai việc ứng dụng công nghệ vào ngành Tòa án, hệ thống nộp hồ sơ điện tử tại Tòa Dân sự (mints) khi Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi vào tháng 5/2022. Mỗi Luật sư có một tài khoản và mật khẩu đăng nhập (được bảo vệ 2 lớp) để có thể gửi những thông tin, hồ sơ, chứng cứ liên quan đến vụ việc mà Luật sư phụ trách đến Tòa án, những hồ sơ do Luật sư cung cấp được hiển thị với dạng danh sách và sắp xếp để Luật sư có thể kiểm tra và xem lại. Về phía Tòa án cũng có thể gửi cho Luật sư các quyết định thông qua tài khoản của Luật sư đó. Hệ thống đang tiến tới giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và sẽ tiến hành đưa vào thực hiện thí điểm tại một số Tòa án vào cuối năm 2024, năm 2016 sẽ tiến hành chính thức đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Luật sư HORAOKA Atsuhi đăng nhập vào tài khoản nộp hồ sơ điện tử cho Đoàn Công tác xem.

Kết thúc nội dung trình bày của Luật sư HORAOKA Atsuhi, buổi tập huấn cũng trở nên sôi nổi với những câu hỏi từ các thành viên của Đoàn như ý kiến cho rằng Tòa án tại Việt Nam cũng đã tiến hành áp dụng công nghệ thông tin vào tiến hành xét xử trực tuyến (xét xử online), đây là ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động xét xử nhưng cũng có việc phiên tòa phải dừng do gặp “sự cố về đường truyền mạng” hoặc như hệ thống quản lý thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Aichi phát hiện hơn 2000 lỗi trong quá trình thử nghiệm, như vậy phía các chuyên gia có phát hiện lỗi trong quá trình vận hành hệ thống hay không? Hệ thống chỉ mới ứng dụng ở lĩnh vực dân sự, vậy có ứng dụng ở lĩnh vực hình sự, có thực hiện cùng lúc hay sau giai đoạn 2026 mới xây dựng tiếp hệ thống cho các lĩnh vực khác?

Phía JFBA cảm ơn những câu hỏi từ phía Đoàn Công tác và cho biết hệ thống này được phát triển theo ý chí chủ quan của phía Tòa án, Luật sư chưa cảm thấy thuận lợi khi sử dụng nên JFBA luôn đóng góp ý kiến để hoàn thiện hơn hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư sử dụng. Hệ thống ở lĩnh vực hình sự đang trong quá trình được tư vấn và góp ý để xây dựng. Ban tư vấn của Chính phủ cũng đã trình bày, góp ý trong thời gian tới cho tiến hành đưa những Bản cáo trạng, chứng cứ đã thu thập được lên hệ thống online (đang trong quá trình thảo luận), sẽ trình Quốc hội quyết định.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền gửi lời cảm ơn Luật sư HORAOKA Atsuhi đã trình bày cả một bức tranh về lịch sử áp dụng công nghệ của Luật sư cũng như ngành tư pháp Nhật Bản thật rộng lớn. "Phía Việt Nam hiện nay cũng theo xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ như Luật sư chuyên gia đã nói. Đoàn Công tác thấy rằng đây là những kiến thức hết sức bổ ích, là kiến thức mà Đoàn chúng tôi đang cần và sẽ học hỏi khi trở về Việt Nam", Luật sư Chuyền nhấn mạnh.

Tham gia tập huấn với chuyên đề: “Hỗ trợ và định hướng trong việc tham gia các Hiệp hội Luật sư quốc tế “ và “chia sẻ những kinh nghiệm của Luật sư tham gia vào Hiệp hội Luật sư quốc tế của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản”

Chiều ngày 30/6/2023, Đoàn tiếp tục chương trình tập huấn, mở đầu với chuyên đề “Hỗ trợ và định hướng trong việc tham gia các Hiệp hội Luật sư quốc tế“ do Luật sư YABUKI Kimitoshi, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, nguyên Chủ tịch Đoàn Luật sư Tokyo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Luật sư Quốc tế (International Bar Association) trình bày. Giới thiệu sơ lược về các tổ chức quốc tế mà Luật sư Nhật Bản đã tham gia như:

(1) Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA) với hơn 190 Đoàn Luật sư trên thế giới là thành viên, là nơi để các Đoàn Luật sư trao đổi thông tin với nhau, đồng thời giúp cho hoạt động của các Đoàn Luật sư có sự độc lập;

(2) Hiệp hội Luật sư Châu Á – Thái Bình Dương (LAWASIA), đây là tổ chức quốc tế với các thành viên chủ yếu là những nhà làm Luật và có liên quan đến chức danh tư pháp với quy mô rất lớn, chuyên tổ chức nhiều hội thảo với nhiều chủ đề khác nhau.

Ngoài ra có các tổ chức quốc tế khác là Hiệp hội Luật sư Thái Bình Dương (IPBA), đây là tổ chức dành cho các Luật sư cá nhân chuyên về Luật Thương mại tham gia; Tổ chức UIA (International Association) gồm các quốc gia nói tiếng Pháp và gần đây có bổ sung tiếng anh và xem là ngôn ngữ chung, Hội nghị Chủ tịch các Hiệp hội Luật sư Châu Á (POLA) , là Hội nghị thượng đỉnh các Hiệp hội Luật sư tại Châu Á.

Việc Luật sư tham gia vào các tổ chức pháp lý quốc tế như thế này có ý nghĩa rất lớn trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Điều này đã làm cho các tiêu chuẩn chung về luật, những quy định có liên quan đến luật nội dung, luật hình thức giữa các nước ngày càng tiến gần và giống nhau hơn. Việc tham gia vào các tổ chức này giúp cho nhiều Luật sư và các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới quan hệ tiến tới sự hợp tác. Trong những khía cạnh khác như hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ xây dựng hệ thống luật của các quốc gia cũng giúp chia sẻ những giá trị chung nhưng không mang tính áp đặt mà hướng tới việc học hỏi, không phân biệt quốc gia.

Điều kiện khi tham gia, kết nối với các tổ chức quốc tế phải mang tính liên tục, tính nghiêm túc là yếu tố căn bản để có thể kết nối lâu dài, yếu tố ngoại ngữ (chủ yếu bằng tiếng Anh) và các kỹ năng giao tiếp cũng cần được trau dồi, đảm bảo cho việc giao tiếp tốt với các thành viên khác. Khi tham gia vào các tổ chức này có những khó khăn nhất định như việc giữ vững tính độc lập trong hành nghề, bảo vệ bí mật của khách hàng. Chi phí khi tham gia vào những tổ chức như vậy có thể sẽ tiêu tốn ít hoặc nhiều. Đa phần Luật sư trẻ khó tham gia do công việc quá bận rộn, thông thường các Luật sư có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên sẽ cân nhắc và hướng tới tham gia.

Có ý kiến cho rằng Luật sư chỉ hành nghề trong nước thì việc tham gia các tổ chức quốc tế như vậy thường không có ý nghĩa. Tuy nhiên về phía JFBA nhận định việc tham gia vào các tổ chức quốc tế sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn nên tích cực hỗ trợ cho các Luật sư có mong muốn tham gia. Liên đoàn Luật sư Nhật bản cũng đứng ra tổ chức hoặc đồng hợp tác với các tổ chức pháp lý quốc tế để thường xuyên mở nhiều chương trình tập huấn cho các Luật sư hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng và tay nghề cho các Luật sư thành viên.

Đoàn Công tác cũng nhận được sự chia sẻ của các Luật sư KUNIYA Shiro, Chủ tịch Hội đồng về hoạt động quốc tế và chiến lược quốc tế JFBA; Luật sư YUKARI Wagatsuma, Ủy Ban giao lưu quốc tế của JFBA; Luật sư OGAWA Akitsuyu; Luật sư ĐLS tỉnh Aichi chia sẻ về góc nhìn của các Luật sư trẻ, các Đoàn Luật sư cỡ trung khi tham gia vào các tổ chức quốc tế (qua hệ thống online). Việc hỗ trợ các Luật sư khi tham gia các tổ chức này mang lại giá trị to lớn. Các Luật sư có thể học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của các Luật sư nước ngoài, giúp mở rộng mối quan hệ của Đoàn Luật sư địa phương mình được phát triển, Luật sư làm đầu mối liên lạc giữa doanh nghiệp địa phương có quan hệ đầu tư nước ngoài và các bên có liên quan để cung cấp dịch vụ pháp lý tốt hơn.

Đoàn Công tác cùng Luật sư YABUKI Kimitoshi và các Luật sư chuyên gia tham gia qua trực tuyến tại buổi tập huấn.

Kết thúc chuyên đề tập huấn, Luật sư Đào Ngọc Chuyền nhận định dù trong khuôn khổ tập huấn với thời gian ngắn nhưng các thành viên của Đoàn Công tác đã tiếp thu được nhiều nội dung bổ ích, đó là công tác hỗ trợ của JFBA với các Đoàn Luật sư thành viên trong việc tham gia các tổ chức quốc tế. Đặc biệt các Luật sư chuyên gia đã chia sẻ việc các quốc gia tham gia trong các tổ chức quốc tế trong phương diện toàn cầu hóa mà người Luật sư phải là người tiên phong. Việt Nam cũng là thành viên của WTO, CPTPP và nhiều tổ chức quốc tế, có hợp tác song phương lẫn đa phương với nhiều quốc gia. Do đó, Luật sư phải có trách nhiệm đóng góp vào các hoạt động này không những trong ngày hôm nay mà còn nhìn về tương lai. Trong điều kiện đó, vai trò của Luật sư tham gia hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng.

"Ở góc độ thành công khi tham gia các tổ chức quốc tế như chuyên gia đã trình bày, Đoàn Công tác cũng đã thấy được một bức tranh tổng thể về công tác hợp tác quốc tế và cuối cùng xin cảm ơn sự chia sẻ thịnh tình từ các Luật sư, bằng những kiến thức đã tiếp thu được, các thành viên trong Đoàn sẽ chia sẻ những kiến thức và góc nhìn này cho các Luật sư đồng nghiệp tại Việt Nam. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư địa phương tại Việt Nam tham gia làm thành viên của các tổ chức quốc tế như các Luật sư đồng nghiệp Nhật Bản, hướng đến phục vụ khách hàng cũng như người dân hai nước được tốt hơn", Luật sư Chuyền bày tỏ. 

Luật sư VŨ ĐỨC THIỆN

Ủy viên Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM

Thành viên Đoàn Công tác

Đoàn Công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự khóa đào tạo tại Nhật Bản

Bùi Thị Thanh Loan