Ảnh minh họa.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về IPO ra nước ngoài và những lợi ích kèm theo của nó (1); phân tích nghiên cứu vào khung pháp lý của Việt Nam cho việc cho việc chào bán, niêm yết chứng khoán ra nước ngoài (2); thuận lợi và hạn chế pháp lý khi doanh nghiệp thực hiện niêm yết chứng khoán ra nước ngoài (3).
IPO là viết tắt của cụm “Initial Public Offering” chỉ thuật ngữ “Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng”. Trong hoạt động kinh doanh, IPO được xem là một trong những hoạt động của một công ty trong vấn đề duy trì, phát triển công ty.
IPO giúp công ty gia tăng vốn, tạo nguồn lực mở rộng thị trường và phạm vi hoạt động, gia tăng lượng tiền mặt giúp doanh nghiệp mở rộng những cơ hội tài chính… Đặc biệt khi tiến hành IPO ở thị trường chứng khoán nước ngoài, ngoài vấn đề thu hút được nguồn tiền đầu tư mạnh mẽ, IPO thành công sẽ thúc đẩy cho việc xây dựng niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài giúp nâng cao được vị thế, hình ảnh doanh nghiệp cũng như mở rộng được thị trường xuất nhập khẩu - hoạt động cho chính mình.
Việc một doanh nghiệp nội địa thành công phát hành cổ phiếu và xây dựng được hình ảnh doanh nghiệp ở nước ngoài cũng đồng thời giúp xây dựng danh tiếng quốc gia thu hút dòng vốn trong nước và nước ngoài đầu tư vào thị trường.
Khung pháp lý của Việt Nam về việc phát hành chứng khoán tại thị trường quốc tế
Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện niêm yết trên thị trường quốc tế sẽ chịu sự điều chỉnh của ít nhất hai hệ thống pháp luật khác nhau.
Trước hết, để chào bán, niêm yết chứng khoán ra nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Khung pháp lý cho hoạt động chào bán, niêm yết chứng khoán ra nước ngoài của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Các quy định chủ yếu xoay quanh điều kiện để doanh nghiệp được niêm yết, chào bán chứng khoán ra nước ngoài; và quy định về hồ sơ xin chấp thuận.
Căn cứ theo Điều 71 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp niêm yết chứng khoán ra nước noài là phải “đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật”. Điều này xuất phát từ thực tế rằng Việt Nam vẫn hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài theo ngành nghề hoặc thậm chí không cho phép đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải “tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối”, do đó, việc niêm yết chứng khoán tại nước ngoài còn chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
Trong đó, theo Điều 10 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định về người cư trú là tổ chức phát hành chứng khoán ở nước ngoài, “Khi được phép phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ ở nước ngoài dưới hình thức phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và các loại chứng khoán khác, người cư trú là tổ chức phải mở một tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép, thực hiện thu, chi ngoại tệ có liên quan đến việc phát hành chứng khoán thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng cho việc mua ngoại tệ để trả lãi, cổ tức cho nhà đầu tư nước ngoài khi mua chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh việc phải tuân thủ hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp niêm yết chứng khoán ra nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của các sàn giao dịch quốc tế. Điều kiện để tham gia các sàn này cực kì nghiêm ngặt, và thường có thể là các điều kiện về lợi nhuận trước thuế, phân bố cổ phần, tình trạng tài chính và thanh khoản, tiêu chuẩn kế toán, thủ tục kiểm tra đánh giá hồ sơ đăng ký niêm yết, yêu cầu về tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiệu quả.
Tác động của các quy định Việt Nam đến IPO ở nước ngoài
Quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay đối với doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài đã khá đầy đủ, Nghị định 155/2020/NĐ-CP đã dành một phần riêng để quy định tập trung về doanh nghiệp niêm yết chứng khoán ra nước ngoài. Ngoài ra, tinh thần của Ủy ban chứng khoán nhà nước là ủng hộ, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ trong việc phân định, tính toán tỷ lệ niêm yết tại nước ngoài và tỷ lệ nắm giữ nước ngoài ở trong nước.
Tuy nhiên, các quy định ở pháp luật Việt Nam cũng vẫn còn gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp muốn niêm yết chứng khoán ra nước ngoài.
Thứ nhất, đối với quy định về giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết. Việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết buộc các tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán ra nước ngoài phải thiết lập một phạm vi huy động vốn nằm trong giới hạn tỷ lệ sở hữu này. Và cũng làm phát sinh nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam phải cung cấp cam kết duy trì phạm vi sở hữu nước ngoài nói trên để đảm bảo rằng họ có thể tự do bán chứng khoán của mình cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác mà không phải gánh chịu rủi ro pháp lý vi phạm tỷ lệ tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, đối với những công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức cao, khả năng tăng vốn thông qua phát hành và niêm yết quốc tế của nhóm doanh nghiệp này rất khó.
Thứ hai, yêu cầu về chuẩn mực tài chính kế toán: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải áp dụng hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Tại các sàn giao dịch chứng khoán thế giới, chuẩn mực kế toán được đưa ra chung cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn niêm yết thường là các chuẩn mực hoặc thông lệ kế toán đã được áp dụng chung trên toàn cầu và được chấp nhận bởi rất nhiều các quốc gia trên thế giới như GAAP của Mỹ, Canada hay Nhật, IFRS, IAS. Hoặc doanh nghiệp phải chấp thuận theo chuẩn mực kế toán của quốc gia đó. Điều đáng nói là chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện đang áp dụng (VAS) có một số sự khác biệt trong các lập các báo cáo, hệ thống tài khoản… so với IFRS hay IAS.
Thứ ba, quy định của pháp luật về ngoại hối chỉ yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam mở một tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để nhận bất kỳ khoản ngoại tệ nào thu được từ quá trình niêm yết, mà không quy định tổ chức phát hành phải mở tài khoản tại nước dự định niêm yết chứng khoán.
Điều này dẫn đến thực tế rằng, nhà đầu tư nước ngoài đặt mua chứng khoán không thể chuyển tiền giao dịch vào tài khoản của tổ chức phát hành Việt Nam, nếu ngân hàng phục vụ tổ chức này không có chi nhánh, hoặc văn phòng giao dịch đặt tại quốc gia niêm yết. Vấn đề này cần phải được xem xét và có hướng giải quyết phù hợp.
Tuy nhiên, điều gây khó khăn thực sự cho các doanh nghiệp là việc đáp ứng các điều kiện hết sức nghiêm ngặt của các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.
Điều kiện cụ thể của sàn chứng khoán New York
Doanh nghiệp Việt Nam muốn được chào bán chứng khoán tại Mỹ cần tuân theo những quy định theo pháp luật Việt Nam về chứng khoán, bên cạnh đó còn phải đáp ứng các điều kiện của sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE):
- Tổng giá trị cổ phiếu (tính theo tỷ giá hối đoái hiện hành) phải đạt trên 19 triệu USD.
- Tổng giá trị cổ phiếu thương mại tự do phải trên 1,1 triệu USD.
- Tổng giá trị tài sản hữu hình phải trên 18 triệu USD.
- Lợi nhuận ròng của tổ chức trong 02 năm liền kề phải trên 3 triệu USD.
- Lợi nhuận của công ty trong năm dương lịch gần nhất phải đạt từ 2,7 triệu USD trở lên.
- Tổng thu nhập từ việc giao dịch cổ phiếu và tài sàn trong 06 tháng gần nhất phải từ 100 nghìn USD trở lên.
Việc một số doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam dự kiến IPO tại thị trường nước ngoài là quy luật song song đi theo sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian qua. Khi mục tiêu kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp có tham vọng lớn thì lượng vốn cần hấp thụ cũng tăng theo. Mức vốn hóa tại thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa đủ mạnh hoặc đã bão hòa, dẫn tới các doanh nghiệp hàng đầu phải tìm kiếm nguồn lực mới ở thị trường nước ngoài với mục tiêu quốc tế hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài và tìm kênh huy động vốn lớn.
Bên cạnh đó, phải kể đến sự cụ thể hóa hệ thống khung pháp lý chứng khoán như: Luật Chứng khoán 2019; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán (bao gồm một mục riêng hướng dẫn chi tiết chào bán chứng khoán ra nước ngoài)… Điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn khi chào bán cổ phiếu ra nước ngoài. Nếu không thuộc diện lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo và được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Việc mong muốn IPO ở nước ngoài còn thể hiện năng lực pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao, đã và đang đáp ứng được đầy đủ giấy phép, điều kiện, hồ sơ và thủ tục… của các sàn chứng khoán và hệ thống pháp luật nước ngoài.
Tuy nhiên việc niêm yết tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cũng có thể gặp phải những rủi ro trong việc tăng nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập; tăng mức chi phí cho việc tuân thủ những quy định về niêm yết, báo cáo, công bố thông tin, quản trị công ty tại thị trường nước ngoài…
Luật sư NGUYỄN THANH HÀ
Chủ tịch Công ty Luật SB Law
Pháp luật tố tụng hình sự Đức về biện pháp tạm giam và kinh nghiệm cho Việt Nam