Luật sư Trần Văn An và Luật sư Đinh Anh Tuấn tại phiên tòa.
Vậy là sau gần 11 năm, kể từ buổi sáng định mệnh ngày 05/10/2012, cụ bà mù lòa Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1926) đã bị hung thủ giết chết bởi nhiều vết thương vào vùng mặt, vùng cổ trên chính chiếc giường ngủ của cụ tại nhà riêng ở một vùng quê thanh bình tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 18/10/2012, Vi Văn Phương (sinh năm 1968) là con trai của cụ Vui, người đã trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc người mẹ mấy chục năm mù lòa đã bị cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam với cáo buộc Vi Văn Phượng chính là hung thủ đã dùng con dao quắm dài 1,2m chém liên tiếp, giết chết bà cụ Vui.
Sau gần 11 năm, đã có ba cấp Tòa án tuyên mức án tử hình đối với Vi Văn Phượng, đó là Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Bắc Giang, Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, Bản án sơ thẩm lần 2 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
Ngày 23/5/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội do Thẩm phán Ngô Tự Học làm Chủ tọa phiên tòa đã mở phiên tòa xét xử Vi Văn Phượng. Đây là lần thứ tư xét xử vụ án này. Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 2) đối với Vi Văn Phượng. Trước đó năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên toà sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt Vi Văn Phượng hình phạt tử hình. Đây cũng là bản án thứ ba Tòa án nhân dân các cấp tuyên phạt tử hình đối với Vi Văn Phượng.
Sau một ngày xét xử, vào khoảng 19h30, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Ngô Tự Học đã tuyên án đối với Vi Văn Phượng. Do vụ án phức tạp, quan điểm của Kiểm sát viên, quan điểm của các Luật sư bào chữa cho Vi Văn Phượng đã trình bày tại phiên tòa rất dài, với rất nhiều nội dung, tình tiết, dẫn chứng nhiều bút luc. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đã thông báo và được sự nhất trí của Kiểm sát viên, Luật sư về việc nội dung vụ án sẽ được trình bày chi tiết trong Bản án giấy khi phát hành. Tại phiên tòa HĐXX chỉ tuyên đọc tóm tắt phần quan điểm, đề nghị của Kiểm sát viên và các Luật sư, phần nhận định của HĐXX, còn HĐXX sẽ đọc nguyên văn phần tuyên án của Bản án.
Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại vì chưa đủ căn cứ vững chắc chứng minh Vi Văn Phượng phạm tội giết người; và còn nhiều nội dung Bản án giám đốc thẩm yêu cầu nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo có quan điểm đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại và kiến nghị không áp dụng biện pháp tạm giam với Vi Văn Phượng trong giai đoạn điều tra lại.
Luật sư Trần Văn An nhất trí với quan điểm của Kiểm sát viên chưa có đủ căn cứ buộc tội bị cáo Vi Văn Phượng. Nhưng không đồng ý với quan điểm hủy án để điều tra lại do vụ án đã kéo dài gần 11 năm và công lý phải có điểm dừng. Luật sư Trần Văn An đã phân tích và chỉ rõ có hủy án điều tra lại cũng không thể điều tra làm rõ hoặc chứng minh được thêm căn cứ buộc tội với Vi Văn Phượng bởi lẽ vụ việc đã diễn ra quá lâu, tang vật, hiện trường, chứng cứ đến nay đã bị tiêu hủy hoặc không còn nguyên trạng. Căn cứ chứng cứ pháp lý cùng niềm tin nội tâm, Luật sư Trần Văn An khẳng định Vi Văn Phượng vô tội. Luật sư Trần Văn An đề nghị áp dụng quy định của pháp luật Hình sự, thực hiện tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ – TW: Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và đề nghị HĐXX tuyên Vi Văn Phượng vô tội, trả tự do cho Vi Văn Phượng tại phiên tòa.
HĐXX tuyên án đã nhận định trong vụ án có vi phạm tố tụng nhưng những vi phạm này không làm thay đổi bản chất vụ án; HĐXX nhận định Vi Văn Phượng chính là hung thủ đã chém chết cụ Nguyễn Thị Vui; việc Vi Văn Phượng khai bị bức cung, nhục hình là không có căn cứ; HĐXX cũng nhận định mặc dù Vi Văn Phượng không kháng cáo xin giảm nhẹ nhưng xét các yếu tố nhân thân của bị cáo, bối cảnh xảy ra sự việc, quan hệ giữa nạn nhân với bị cáo là quan hệ mẹ con ruột và mặc dù anh trai bị cáo là người đại diện cho bị hại không có kháng cáo nhưng tại phiên tòa đã phát biểu nếu trường hợp Tòa án đã xác định Vi Văn Phượng đã giết mẹ thì cũng xin HĐXX giảm án cho Vi Văn Phượng.
Từ đó HĐXX nhận định bị cáo Vi Văn Phượng phạm tội "Giết người", không chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên, Luật sư tại phiên tòa. HĐXX tuyên sửa Bản án sơ thẩm giảm mức hình phạt tử hình áp dụng mức phạt tù chung thân đối với Vi Văn Phượng.
Vụ án này có nhiều Luật sư quan tâm, tham gia bào chữa cho Vi Văn Phượng. Tại giai đoạn điều tra, truy tố lần 1 có Luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định, từ giai đoạn xét xử sơ thẩm lần 1, giai đoạn xét xử phúc thẩm lần 1, quá trình kiến nghị giám đốc thẩm có Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang bào chữa theo yêu cầu của gia đình. Luật sư Trần Văn An tiếp tục tham gia bào chữa trong giai đoạn điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần 2.
Tại giai đoạn điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần 2 có sự tham gia của nhiều Luật sư như Luật sư Đinh Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Vũ Thị Nga, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh. Các Luật sư tham gia trên tinh thần trợ giúp pháp lý, tự chi trả các chi phí phát sinh khi tham gia bào chữa cho Vi Văn Phượng. Kết thúc phiên tòa, Luật sư đã động viên nhau dành một khoảng thời gian chờ Bản án phúc thẩm và xem xét quyết định những hoạt động nghiệp vụ cần thiết tiếp theo. Các Luật sư cũng hy vọng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm lần 2 đối với vụ án.
Có lẽ đây là một vụ án khác đặc biệt trong lịch sử tư pháp Việt Nam nói chung cũng như trong hoạt động bào chữa nói riêng khi thời gian diễn ra dài, nhiều bản án tử hình đã được tuyên, quan điểm của Viện Kiểm sát và Tòa án có nhiều khác biệt. HĐXX đã mời cả Điều tra viên, Kiểm sát viên, Giám định viên đến tham gia phiên tòa, Luật sư Đinh Anh Tuấn đã kỳ công mời Bác sĩ đầu ngành về pháp y đến phiên tòa nhằm cung cấp kiến thức và thông tin khoa học để làm rõ bản chất vụ án. Luật sư Trần Văn An đã kiên quyết theo đuổi và kiến nghị giám đốc thẩm lần 1. Sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội và cơ quan báo chí với hàng trăm, nhiều trăm bài báo, sự kiên trì, bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, tâm huyết quyết tâm theo vụ án đến cùng của các Luật sư trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vụ án.
Trước giờ chia tay, các Luật sư vẫn tiếp tục động viên nhau rằng đây không phải vấn đề thắng hay thua, đây cũng không phải danh tiếng, đây cũng không chỉ là mạng sống cá nhân Vi Văn Phượng, mà đây còn là lương tri, trách nhiệm, đạo đức của người Luật sư trên cơ sở niềm tin tuyệt đối vào việc Vi Văn Phượng bị oan, với mong muốn, hy vọng về sự công minh, công bằng, nghiêm minh của một nền tư pháp.
THIÊN ÂN