/ Thư viện pháp luật
/ Đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

10/01/2025 10:47 |4 tháng trước

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định được xây dựng và đề xuất ban hành nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành.

Đồng thời sẽ khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg thời gian qua; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Qua đó tạo thuận lợi cho ngành BHXH chủ động nguồn kinh phí, tổ chức thực hiện thu, chi quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật; tập trung nguồn thu, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư theo phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua vừa đảm bảo tính thanh khoản đáp ứng nhu cầu chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Quy định mới về bảo đảm thanh khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Quyết định số 60, ngoài duy trì số dư trên tài khoản thanh toán đủ đảm bảo chi trả, BHXH Việt Nam còn được duy trì thêm trên tài khoản thanh toán 1,5 tháng theo tổng dự toán chi hằng năm được giao (số dư trên tài khoản thanh toán tối đa bằng 2,5 tháng dự toán). Tại Quyết định số 38 sửa Quyết định số 60, bỏ mức đảm bảo thanh khoản cụ thể. Tuy nhiên thực hiện thời gian qua cho thấy cần thiết phải quy định rõ mức đảm bảo thanh khoản cụ thể để đảm bảo minh bạch.

Do đó, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của BHXH Việt Nam trình Chính phủ quy định mức bảo đảm thanh khoản tối đa là 1,1 tháng, thấp hơn mức quy định tại Quyết định số 60 là 1,5 tháng do thay đổi cách xác định tính cả số chi phí quản lý và chi đầu tư tài chính (Quyết định số 60 không tính số này); để đảm bảo căn cứ pháp lý trong tổ chức thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế để ngành chủ động về nguồn tiền đáp ứng nhu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian quy định cho người hưởng khi nguồn thu chưa được tập trung kịp thời, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, là cơ sở cho việc xác định nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi có thể thực hiện đầu tư hằng năm, cần thiết phải có quy định về mức đảm bảo thanh khoản.

Quy định cụ thể phương thức, kỳ hạn thực hiện gửi tiền trong thời gian chưa phát sinh nhu cầu chi trả, chưa thực hiện đầu tư tài chính có kỳ hạn trên 01 tháng theo phương án đầu tư quỹ được Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội thông qua và việc phân bổ tiền lãi phát sinh.

Bổ sung quy định về chuyển kinh phí chi trả chế độ, chi tổ chức và hoạt động

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung 01 Điều quy định về chuyển kinh phí chi trả chế độ, chi tổ chức và hoạt động trong quy định về cơ chế tài chính về BHXH, BHTN, BHYT.

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm để đảm bảo kinh phí chi trả kịp thời, đầy đủ cho người hưởng, đơn vị, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thiết bổ sung quy định cụ thể về thời gian, mức chuyển, mức tạm ứng trên cơ sở dự toán; hoặc trong trường hợp chưa được cấp có thẩm quyền giao dự toán; hoặc trường hợp nhu cầu chi trả thực tế phát sinh cao hơn dự toán được giao; hoặc trường hợp thời gian chi trả gần ngày Tết Nguyên đán và trong thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hoặc vì lý do bất khả kháng theo công bố của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, bổ sung quy định việc chuyển kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tiến độ thực hiện, kế hoạch sử dụng kinh phí của dự án, nhiệm vụ, trong phạm vi dự toán được giao... Bổ sung quy định ứng trước kế hoạch vốn để thanh toán cho các dự án đầu tư đang thực hiện dở dang thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường hợp đầu năm chưa có dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

PHƯƠNG THẢO (t/h)