Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3/2024

21/03/2024 09:05 | 1 tháng trước

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 3/2024 là số đặc biệt kỷ niệm 10 năm ngày Tạp chí Luật sư Việt Nam phát hành số đầu tiên (25/3/2014-25/3/2024). Do vậy, ngoài những bài nghiên cứu khoa học như thường lệ, tạp chí số này còn có một số bài viết của các tác giả nguyên là lãnh đạo Liên đoàn Luật sư và Tạp chí Luật sư, thành viên Hội đồng Biên tập và cộng tác viên của Tạp chí bày tỏ những trăn trở, suy nghĩ và nhận xét về quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí Luật sư Việt Nam 10 năm vừa qua.

PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh (thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam) với bài “Tự hào 10 năm vững vàng trong làng báo chí cách mạng” đã khẳng định: Tạp chí Luật sư Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức truyền tải thông tin, thay đổi nền tảng kỹ thuật, hoàn thiện hơn về giao diện, đem đến sự thân thiện và gần gũi với độc giả, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ 4.0, Ngày 05/7/2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành Quyết định số 22/QĐ-HĐGSNN về việc phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học, trong đó Tạp chí Luật sư Việt Nam đã tiếp tục được Hội đồng Giáo sư ngành Luật quyết định công nhận được tính điểm về thành tích nghiên cứu khoa học của lĩnh vực Khoa học pháp lý. Sự công nhận trên đây không chỉ đánh giá về chất lượng khoa học của Tạp chí Luật sư Việt Nam mà còn đánh dấu sự trưởng thành nhanh chóng của Tạp chí, mặc dù mới chỉ ở chặng đường đầu 10 năm thành lập. Hoạt động Luật sư không phải là đơn giản và dễ dàng, vì trực tiếp liên quan tới sinh mệnh chính trị, pháp lý của con người, tới tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Hoạt động báo chí và ngôn luận của Luật sư càng là lĩnh vực phức tạp và không ít khó khăn. Càng nhận biết được như vậy, càng thấy được những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của Tạp chí Luật sư Việt Nam, càng thấy vinh quang và tự hào về chặng đường 10 năm qua, kể từ khi Tạp chí Luật sư Việt Nam phát hành số đầu tiên. 

Ở mục Nghiên cứu, TS Hoàng Quốc Lâm và Ths. Ngô Xuân Hòa (Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường) có bài “Chính sách, pháp luật và một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Các tác giả nhận định: Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu mà các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, quốc gia đầu tiên ở ASEAN đưa quy định về áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong Luật Bảo vệ môi trường và nhiều quy định khác để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Bài viết nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách và pháp luật hiện hành của Việt Nam về phát triển kinh tế tuần hoàn và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển.

“Thu hút nhân lực chất lượng cao trong khu vực công: Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện” là nghiên cứu của tác giả Đinh Tấn Phong (Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ). Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước nói chung và cho khu vực công nói riêng là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta thành nước phát triển, có thu nhập cao, càng đặt ra yêu cầu phải phát triển và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào hệ thống khu vực công nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự đột phá trong kiến tạo phát triển. Một trong những ưu tiên cần thiết hiện nay là phải tiến hành đánh giá lại thực trạng cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao trong khu vực công hiện hành để có sự điều chỉnh và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần thu hút có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong khu vực công. Bài viết phân tích một số bất cập trong quy định pháp luật hiện hành đang là rào cản trong thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu quốc gia của Việt Nam để đạt được cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Qua việc tham gia UNFCC (1992), ký kết thành công JETP (2022), tham gia các FTA thế hệ mới trong lĩnh vực về đầu tư, thương mại, năng lượng, Việt Nam được coi là cơ hội đầu tư mới của quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhưng thực tế lại chưa thu hút đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực này do thiếu các cơ chế, chính sách và pháp luật mang tính đồng bộ, rõ ràng và ổn định. Với bài viết “Hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả thu hút và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ThS.LS Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật TNHH Vietthink) chỉ ra một số vướng mắc, rào cản từ kinh nghiệm đúc kết trong quá trình tư vấn pháp luật thực tiễn, từ đó đưa ra gợi ý hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả thu hút, hỗ trợ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức trực tuyến” là bài viết của TS.LS Ngô Văn Hiệp (Văn phòng Luật sư Hiệp và liên danh). Phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến - Online Dispute Resolution (ODR) trong thương mại điện tử đã được khá nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, phương thức này mới được Việt Nam quan tâm trong thời gian gần đây nên các quy định pháp luật điều chỉnh ODR chưa được hoàn thiện. Thực tế này gây ra không ít khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức ODR. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến ODR là rất cần thiết. Bài viết phân tích thực trạng pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức trực tuyến và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương thức này ở Việt Nam hiện nay.

Mục “Kiến thức” kỳ này đem đến cho bạn đọc những hiểu biết về “Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới” qua bài viết của LS Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao). Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 2015, xâm phạm quyền bình đẳng giới là hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế dưới bất kỳ hình thức nào vì lý do giới. Đây là tội phạm mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, nay Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định xâm phạm quyền bình đẳng giới là mở rộng phạm vi áp dụng, không chỉ đối với phụ nữ mà đối với tất cả mọi người. Từ quy định của điều luật và qua kinh nghiệm thực tiễn xét xử của mình, tác giả đã phân tích rõ các dấu hiệu, yếu tố cấu thành nên tội phạm này.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt này.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

 Tạp chí Luật sư Việt Nam với việc đề cao hình ảnh của Luật sư đến cộng đồng