Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh cùng ấn phẩm Tạp chí Luật sư Việt Nam tại Hội báo toàn quốc 2018.
Luật sư trong Nhà nước Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân làm chủ, quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật (Điều 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013).
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, cần có nhiều yếu tố như phải xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán trên tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; pháp luật phải được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; phải có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; trình độ văn hóa pháp luật và ý thức của người dân đạt tới sự hiểu biết, tự giác cao, các cơ quan giám sát thi hành pháp luật nghiêm minh…
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta cơ bản đầy đủ, ổn định, thống nhất, nhiều luật mới được ban hành, nhiều văn bản được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung kịp thời để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hoàn thiện có đến được với người dân hay không, nhân dân có hiểu biết và tự giác thực hiện hay không là vấn đề quyết định. Nếu luật pháp vẫn chỉ là những văn bản trên giấy, những con chữ vô hồn mà không đi vào cuộc sống, hình thành ý thức pháp luật của người dân thì pháp luật vô hình trở thành vật cản, kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Trong Nhà nước pháp quyền, vị trí và vai trò của Luật sư được khẳng định và ngày càng nâng cao. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, đi vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, từ đó làm phát huy giá trị vốn có của pháp luật. Bên cạnh hoạt động nghề nghiệp như tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan có thẩm quyền, trong các tranh chấp, khiếu nại và các giao dịch thì Luật sư còn tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm góp phần đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội, hình thành thói quen chấp hành và tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
Vai trò của Tạp chí Luật sư Việt Nam với việc đề cao hình ảnh của Luật sư đến cộng đồng
Các hoạt động tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý góp phần đưa hình ảnh, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư gần hơn với đời sống xã hội. Tạp chí Luật sư Việt Nam với nhiệm vụ “tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, thông tin, hoạt động hành nghề của Luật sư và đăng tải các bài nghiên cứu lý luận khoa học và các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam” (1) có vai trò quan trọng trong việc đưa hình ảnh của Luật sư đến với cộng đồng, đời sống xã hội.
Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý, vừa là dịch vụ kinh doanh, “mang đầy đủ các đặc điểm, yếu tố của thị trường nói chung như tuân thủ và vận hành theo các quy luật của thị trường (quy luật cung – cầu; quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh...) vừa mang đầy đủ đặc điểm của thị trường dịch vụ, như tính tính vô hình, tính không thể tách rời, tính không thể cất giữ, tính đa dạng và sự tham gia của người tiêu dùng...” (2), đồng thời lại có những đặc thù riêng như phụ thuộc vào quy định của pháp luật trong từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước; phí (thù lao) mà người sử dụng dịch vụ pháp lý phải trả cho người cung cấp dịch vụ tuân theo quy luật của thị trường nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; việc tiếp thị, giới thiệu, quảng cáo dịch vụ có những quy định chặt chẽ . Do vậy, việc đưa hình ảnh của Luật sư đến với đến với cộng đồng, đời sống xã hội không những giúp Luật sư tiếp cận khách hàng tiềm năng, mà còn làm “mềm hóa” hình ảnh của Luật sư đối với người dân. Trong hoạt động nghề nghiệp nói chung và tham gia tố tụng nói riêng để thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng, hình ảnh Luật sư thường được khắc họa là người ăn mặc lịch lãm, chỉn chu, lý luận sắc bén. Các hoạt động, hình ảnh của Luật sư đến với cộng đồng sẽ cho thấy Luật sư là những người có trình độ chuyên môn cao nhưng luôn tận tâm, nhiệt huyết, thấu hiểu, dễ gần và luôn sẵn sàng giúp đỡ (về mặt pháp lý).(3)
Hiện nay, Luật sư có nhiều phương thức khác nhau để đưa hình ảnh của mình ra khỏi không gian pháp đình. Các hoạt động nghề nghiệp của Luật sư được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bình luận, phỏng vấn giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về hoạt động nghề nghiệp Luật sư nhưng phương thức này tương đối bị động. Chủ động và phổ biến nhất hiện nay là việc Luật sư sử dụng internet để lập trang thông tin điện tử, viết blog và các nền tảng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo, Instagram, Twitter...) để giới thiệu tổ chức và hoạt động của mình; tư vấn, tuyên truyền pháp luật trên các đài phát thanh, truyền hình, báo chí; tư vấn, tuyên truyền pháp luật trực tiếp, trợ giúp pháp lý cho người dân; thực hiện các hoạt động thiện nguyện; tham gia các hội nghị, hội thảo, giảng dạy, viết sách…; đặc biệt hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý, làm rõ những vấn đề giữa lý luận và thực tiễn, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật dưới nhiều hình thức đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh của Luật sư trong đời sống xã hội, giúp Luật sư gần gũi hơn với cộng đồng.
Trong lĩnh vực pháp lý hiện nay có khoảng 50 tạp chí khoa học của các trường, viện, cơ quan Nhà nước, trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng thì ngành Công an có Tạp chí Công an nhân dân, ngành Kiểm sát có Tạp chí Kiểm sát, ngành Tòa án có Tạp chí Tòa án, giới Luật sư có Tạp chí Luật sư Việt Nam ra đời từ năm 2014. Hiện nay, Tạp chí Luật sư Việt Nam vừa có tạp chí in, xuất bản theo kỳ và tạp chí điện tử, cập nhật thông tin theo quy định pháp luật để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn về xây dựng pháp luật, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và giá trị chuẩn mực của Luật sư Việt Nam nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển đội ngũ Luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Là một tạp chí khoa học chuyên ngành, Tạp chí Luật sư Việt Nam là diễn đàn khoa học của cộng đồng Luật sư Việt Nam, giữ vai trò phân tích, tổng kết thực tiễn, định hướng tư tưởng cho độc giả, làm cầu nối giữa khoa học pháp lý với thực tiễn; đưa các vấn đề pháp lý phức tạp đến gần với người dân thông qua những phân tích, đánh giá, bình luận pháp lý của giới Luật sư về các vụ án, sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội. Nhiều chuyên mục của Tạp chí như “Nghiên cứu – Trao đổi”, “Nghề Luật sư”, “Pháp luật – đời sống”… là nơi để các Luật sư trao đổi ý kiến, thảo luận những chủ đề pháp luật mang tính phản biện, góp ý, đồng thời có các kiến nghị phù hợp với thực tiễn, Tạp chí Luật sư Việt Nam là một kênh thông tin quan trọng để giới Luật sư làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về pháp lý chưa được rõ và những vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải có pháp luật giải quyết. Từ năm 2022, Tạp chí Luật sư Việt Nam nằm trong Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm ngành Luật học của Hội đồng giáo sư Nhà nước. Điều này càng thu hút chuyên gia pháp luật ngoài giới Luật sư tham gia đăng tải các công trình nghiên cứu trên Tạp chí, làm phong phú và đa dạng các nội dung của Tạp chí, giúp giới Luật sư tiếp cận các vấn đề pháp lý dưới góc nhìn đa chiều.(4)
Tạp chí Luật sư Việt Nam giúp Luật sư thể hiện cao nhất tính cởi mở, độc lập trong tư duy, phát huy tính sáng tạo của nghề. Luật sư là nghề mang tính độc lập và tự do cao. Tuy nhiên, khi thực hiện dịch vụ pháp lý, nhất là tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân, kinh doanh, thương mại… thì Luật sư vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật, hồ sơ, diễn biến vụ việc và cả yêu cầu của khách hàng để nêu quan điểm, lý lẽ, luận cứ trong phạm vi vụ việc đó nên không thể tự do trình bày mọi suy nghĩ, quan điểm của mình. Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu khoa học pháp lý, với những đặc điểm vốn có của nghiên cứu khoa học nói chung như tính khách quan, logic, mới mẻ, thực tiễn… Luật sư được tự do thể hiện các quan điểm, tư duy, độc lập nêu suy nghĩ, chính kiến.
Hoạt động thực tiễn của giới Luật sư Việt Nam không thể tách rời với những vấn đề lý luận, khoa học về nghề Luật sư. Để nghề Luật sư ngày càng phát triển, khẳng định vai trò và vị trí của Luật sư trong Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, nâng cao vị thế của Luật sư trong đời sống xã hội, thì chính giới Luật sư phải làm rõ được những vấn đề lý luận về nghề luật, đề xuất các giải pháp để nghề luật phát triển bền vững và không ngừng mở rộng. Tạp chí Luật sư Việt Nam chính là môi trường học thuật để giới Luật sư tôn vinh nghề nghiệp của mình. Ví dụ: Trước đây, Luật sư được chỉ định bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình (điểm a khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003) thì hiện nay được chỉ định bào chữa cho “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình” (điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015), để Luật sư bào chữa cho mọi bị can, bị cáo hoặc ít nhất bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì chính giới Luật sư cần làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như vị trí, vai trò của Luật sư trong tố tụng hình sự.
Tạp chí Luật sư Việt Nam giúp Luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật một cách hiệu quả. Luật Luật sư ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư ngày 20 tháng 11 năm 2012 (sau đây gọi là Luật Luật sư) quy định Luật sư tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật thông qua các tổ chức mà Luật sư là thành viên, theo đó tổ chức hành nghề Luật sư có quyền “tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước” (khoản 4 Điều 39 Luật Luật sư), Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có nhiệm vụ “tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp của Luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật” (điểm i khoản 7 Điều 22 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ “tổ chức để Luật sư tham gia xây dựng pháp luật, đề xuất lựa chọn nguồn án lệ, nghiên cứu khoa học pháp lý,…” (điểm n khoản 5 Điều 8 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ “tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý,…” (khoản 15 Điều 65 Luật Luật sư). Như vậy, theo quy định hiện hành, tham gia xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp mà Luật sư là thành viên. Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 18.020 Luật sư, các Luật sư hành nghề tại hơn 5.300 tổ chức hành nghề Luật sư. Đây là điều kiện thuận lợi để Luật sư với tư cách là những chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Thông qua hoạt động hành nghề, Luật sư phát hiện những lỗ hỏng pháp lý, những mâu thuẫn, chồng chéo, những quy định chưa phù hợp với thực tiễn để tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ đối với toàn bộ hoặc phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; kiến nghị đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật. Tạp chí Luật sư Việt Nam là môi trường thuận lợi để các Luật sư trình bày các đề xuất, kiến nghị về chính sách, pháp luật.
Hiện nay, theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/03/2019 của Bộ Tư pháp về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư quy định “Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng trong năm đó khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước hoặc nước ngoài. Luật sư tham gia bồi dưỡng được quy đổi theo quy định tại khoản 2 Điều này thì 01 lần tham gia và hoàn thành được tính bằng 08 giờ thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng…”. Như vậy, khi Luật sư có bài nghiên cứu pháp luật đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ được miễn nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trong năm đó. Quy định này khuyến khích Luật sư tham gia nghiên cứu khoa học pháp lý, nâng cao kiến thức chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với cộng đồng pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề Luật sư, nâng cao hình ảnh của Luật sư đối với cộng đồng, xã hội.
[1] Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động Tạp chí Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-BTV ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. [2] Thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam và một số vấn đề đặt ra, https://lsvn.vn/thi-truo-ng-di-ch-vu-pha-p-ly-vie-t-nam-va-mo-t-so-va-n-de-da-t-ra-1687149332.html, truy cập hồi 21h00 ngày 09 tháng 3 năm 2024. [3] Quy tắc 32, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc. [4] Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tài liệu Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III (ngày 20/1/2024), trang 6. |
Thạc sĩ, Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương
Bạch Đằng Giang: Địa danh giáo dục truyền thống yêu nước sâu sắc