Ảnh minh họa.
1. Về “thị trường dịch vụ pháp lý”
Thuật ngữ “thị trường dịch vụ pháp lý” là một cụm từ ghép giữa “thị trường” và “dịch vụ pháp lý”.
1.1. Dịch vụ pháp lý
Theo Từ điển luật học “Dịch vụ pháp lýlà loại hình dịch vụ do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...Người cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm mục đích thu lợi và được coi như một nghề. Người được hưởng dịch vụ pháp lý được thoả mãn những yêu cầu hiểu biết hay công việc cụ thể và phải trả phí (giá) dịch vụ cho người cung cấp[1]”.
Theo quy định của WTO[2] , dịch vụ pháp lý [3] được khái quát “bao gồm các lĩnh vực tư vấn và đại diện đối với pháp luật nước tiếp nhận dịch vụ, pháp luật của nước sở tại, nước thứ ba, luật pháp quốc tế; dịch vụ chứng thực giấy tờ tài liệu; các dịch vụ tư vấn và thông tin khác”.
Cụ thể theo WTO, dịch vụ pháp lý (legal services), trong “Danh sách phân loại ngành dịch vụ”“(a) dịch vụ pháp lý” được liệt kê như một phân ngành của “(1) dịch vụ kinh doanh” và “(A) dịch vụ chuyên nghiệp”. Mục này tương ứng với số CPC 861 trong phân loại của Liên hợp quốc. Theo đó, “dịch vụ pháp lý” được chia thành “dịch vụ tư vấn pháp lý và đại diện liên quan đến luật hình sự” (86111), “dịch vụ tư vấn pháp lý và đại diện trong các thủ tục tư pháp liên quan đến các lĩnh vực luật khác” (86119), “dịch vụ tư vấn pháp lý và đại diện trong các thủ tục luật định của các tòa án, hội đồng bán tư pháp,... ” (86120), “dịch vụ chứng nhận tài liệu pháp lý” (86130) và “các thông tin tư vấn và pháp lý khác” (8619).
Về quy định của pháp luật, theo Điều 4 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 (sau đây gọi là Luật Luật sư năm 2006) thì “Dịch vụ pháp lý của Luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”. Theo khoản 1 Điều 30 của Luật thì “Dịch vụ pháp lý khác của Luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật”.
Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì: “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định rõ: “Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại” với các hình thức trợ giúp gồm:
"a) Tham gia tố tụng;
b) Tư vấn pháp luật;
c) Đại diện ngoài tố tụng".
Theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật thì để thực hiện tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật và cá nhân, tổ chức khác thì “Trung tâm Tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử Luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” (Điều 7 Nghị định). Việc thực hiện tư vấn pháp luật do (1) tư vấn viên pháp luật; (2) Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; (3) cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện (Điều 18 Nghị định).
Như vậy, từ khái niệm và quy định của pháp luật cho thấy, việc cung cấp dịch vụ pháp lý hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là do các Luật sư, tư vấn viên pháp luật thực hiện. Ở khái niệm rộng hơn (như sửa đổi CPC của Liên hợp quốc) thì hoạt động của trọng tài, hòa giải thương mại là hoạt động dịch vụ pháp lý.
1.2. Thị trường dịch vụ pháp lý
Ở Việt Nam, đến nay chưa có định nghĩa, khái niệm thống nhất về thuật ngữ “Thị trường dịch vụ pháp lý”. Qua rà soát các văn bản của Đảng và Nhà nước cho thấy, thuật ngữ “thị trường dịch vụ pháp lý” đã được sử dụng trong các văn bản chính thức. Ví dụ: Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020. Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ.
Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, theo The Business Research Company[5] đã đưa ra định nghĩa “Thị trường dịch vụ pháp lý”[6].
Từ những khái niệm về dịch vụ pháp lý, thị trường và từ tham khảo quốc tế về thị trường dịch vụ pháp lý như đã nêu ở trên, chúng ta có thể hiểu “Thị trường dịch vụ pháp lý (Legal services market) là nơi những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội”. Hoặc có thể hiểu theo cách khác, “Thị trường dịch vụ pháp lý là nơi cung cấp dịch vụ, hàng hóa liên quan đến pháp luật do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề. Họ tư vấn cho khách hàng (cá nhân, doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác) về các quyền và lợi ích hợp pháp của họ; đồng thời đại diện cho khách hàng trong các vụ việc dân sự và hình sự, giao dịch kinh doanh và các vấn đề khác thông qua tư vấn pháp lý và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật”.
2. Nhận diện thị trường dịch vụ pháp lý
Thị trường dịch vụ pháp lý, trước hết được xác định là “thị trường dịch vụ”, do vậy, nó mang đầy đủ các đặc điểm, yếu tố của thị trường nói chung như tuân thủ và vận hành theo các quy luật của thị trường (quy luật cung – cầu; quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh...) và mang đầy đủ đặc điểm của thị trường dịch vụ, như tính tính vô hình, tính không thể tách rời, tính không thể cất giữ, tính đa dạng và sự tham gia của người tiêu dùng... Tuy nhiên, thị trường dịch vụ pháp lý cũng có những đặc điểm riêng biệt như tính: phụ thuộc vào quy định pháp luật của mỗi quốc gia; chịu sự tác động của định hướng đối ngoại của quốc gia và gắn chặt với sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ và vùng miền. Theo đó:
2.1. Chủ thểtham gia vào thị trường dịch vụ pháp lý(là người bán và người mua, trung gian hay giám sát, quản lý thị trường)
Phân tích về thị trường dịch vụ pháp lý cho thấy, các chủ thể tham gia vào thị trường này được xác định là:
(1) Nhóm chủ thể trực tiếp cung cấp dịch vụ, gồm: Luật sư, tư vấn viên pháp luật; trợ giúp viên pháp lý hoặc cộng tác viên trợ giúp pháp lý; tổ chức hành nghề Luật sư (văn phòng Luật sư, công ty luật và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức hành nghề Luật sư phải có trụ sở làm việc tại Việt Nam…); các trung tâm tư vấn pháp luật và các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức:
(i) Chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh[7]);
(ii) Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh, công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty luật nước ngoài).
(2) Nhóm chủ thể sử dụng dịch vụ pháp lý, là cá nhân, công dân và các tổ chức[8] trong nước hoặc quốc tế đang sinh sống và làm việc hoặc đến đầu tư tại Việt Nam.
(3) Nhóm chủ thể quản lý, gồm: cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đây được hiểu là cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Cụ thể gồm: (i) Chính phủ. (ii) Bộ Tư pháp. (iii) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sở Tư pháp có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư; tổ chức và hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật; các trung tâm trợ giúp pháp lý tại địa phương.
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thực hiện tự quản Luật sư và hành nghề Luật sư theo quy định của Luật Luật sư và Điều lệ của mình, gồm: (i) Đoàn Luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (ii) Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
2.2. Về phạm vi của thị trường dịch vụ pháp lý
Dịch vụ pháp lý với vai trò giữ gìn và bảo đảm công lý, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, do vậy, phạm vi của thị trường dịch vụ pháp lý được cung cấp trên mọi lĩnh vực pháp luật[9] thông qua hình thức (i) tư vấn pháp luật; (ii) đại diện pháp lý.
2.3. Về quy mô của thị trường dịch vụ pháp lý
Quy mô thị trường hiểu một cách đơn giản nhất là tổng số lượng bán hàng hoặc khách hàng của một ngành, một lĩnh vực được xác định trong một khoảng thời gian nhất định (thường lấy niên độ tính là một năm). Hay nói một cách khác, quy mô thị trường là tổng số khách hàng đã mua sản phẩm, tổng doanh thu bán hàng và những khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp đã đo lường ở một thời gian cụ thể.
Với phạm vi của thị trường dịch vụ pháp lý như đã phân tích ở trên chúng ta có thể thấy quy mô của thị trường dịch vụ pháp lý là rất lớn. Đó là nhu cầu được sử dụng dịch vụ pháp lý trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như: (1) Đại diện cho khách hàng, thay mặt cho khách hàng trước các cơ quan, tổ chức và trước các đối tác của khách hàng (2) hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng (người dân, tổ chức trong nước và quốc tế) trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ trên tất cả các lĩnh vực pháp luật.
Như vậy, để xác định được quy mô của thị trưởng dịch vụ pháp lý, hiện có một số phương pháp cụ thể. Ví dụ: (1) Theo doanh thu của các chủ thể cung cấp dịch vụ (Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư trong nước và quốc tế; tư vấn viên pháp luật và trợ giúp viên pháp lý); (2) Theo tỷ lệ phần trăm GDP[10].
- Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy thống kê về quy mô thị trường dịch vụ pháp lý theo tỷ lệ phần trăm GDP ở các nền kinh tế năm 2019 (nguồn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Chỉ số Phát triển của Ngân hàng Thế giới[11]). Cụ thể các tỷ lệ như sau: Hoa Kỳ: 1,3% GDP (2019); Vương quốc Anh: 1,2% GDP (2019); Nhật Bản: 0,6% GDP (2019); Đức: 0,4% GDP (2019); Pháp: 0,5% GDP (2019); Brazil: 0,1% GDP (2019); Trung Quốc: 0,2% GDP (2019); Ấn Độ: 0,1% GDP (2019); Ca-na-đa: 1,1% GDP (2019); Úc: 1,2% GDP (2019)... Cũng theo đánh giá thì thị trường dịch vụ pháp lý ở các quốc gia là rất khác nhau tùy thuộc vào quy mô và mức độ phức tạp của nền kinh tế, cũng như hệ thống pháp luật của quốc gia đó. Tỷ lệ phần trăm GDP dành riêng cho các dịch vụ pháp lý cũng có thể dao động theo thời gian do những thay đổi về điều kiện kinh tế, khung pháp lý và các yếu tố khác.
Nếu lấy theo tỷ lệ này, ở mức thấp nhất tương ứng với quy mô thị trường dịch vụ pháp lý của Ấn Độ (0,1% GDP) thì ước tính quy mô thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam năm 2019 là 0,1% của 334,4 tỉ USD tương đương với con số là 334,4 triệu USD (tương ứng với khoảng 7.775 tỉ đồng[12]).
Với việc xem xét về quy mô tiềm năng của thị trường dịch vụ pháp lý như vậy cho thấy, trong thời gian tới dư địa cho hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam là rất lớn.
2.4. Về khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý
Về Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 của Bộ Tư pháp (Báo cáo số 05/BC-BTP ngày 08/01/2021), từ thời điểm triển khai Chiến lược đến nay (từ năm 2011 - 2020), đội ngũ Luật sư cả nước đã tăng từ 6.250 lên hơn 16.000[13], Số lượng Luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài theo Đề án 123 đã có bước phát triển, tăng hơn 50 lần và đạt mục tiêu của Đề án (tăng từ 20 đến 1.000 Luật sư, chuyên gia pháp luật)[14].
Về phát triển tổ chức hành nghề Luật sư, mục tiêu của Chiến lược là phát triển từ 5 - 10 tổ chức hành nghề Luật sư tại các tỉnh khó khăn. Số lượng tổ chức hành nghề Luật sư tăng từ 2.928 năm 2011 lên hơn 4.400 tổ chức năm 2020, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, số lượng tổ chức hành nghề Luật sư cũng đã có sự gia tăng[15]. Việc thành lập nhiều tổ chức hành nghề Luật sư đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của Luật sư. Công tác quản trị, điều hành của các tổ chức hành nghề tiếp tục được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp với việc đầu tư nghiêm túc cho hoạt động hành nghề; tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu.
Tính theo bình quân đầu người của dân số Việt Nam, với gần 100 triệu dân có16.992 Luật sư, tỷ lệ xấp xỉ là 01 Luật sư/5.885 người dân (trong khi ở Nhật là 1/4.546, ở Singapore là 1/1.000, ở Mỹ là 1/250) thì tỷ lệ về số Luật sư trên số dân cho thấy số lượng Luật sư vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội.
Về khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý của các chủ thể (Luật sư, tư vấn và các tổ chức hành nghề Luật sư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam), theo Luật sư Chu Thúy Hiền thì hiện nay đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý trong tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại… với các hình thức như: Tranh tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác. Cùng với hoạt động tham gia tranh tụng, việc cung cấp dịch vụ pháp lý với hình thức tư vấn pháp luật ngày càng phát triển. Hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý là làm đại diện ngoài tố tụng hay cung cấp các dịch vụ pháp lý khác tuy đã hình thành và từng bước phát triển nhưng còn khá khiêm tốn[16].
Về trợ giúp viên pháp lý và Trung tâm Trợ giúp pháp lý
Triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trong thời gian qua, hệ thống trợ giúp pháp lý đã được củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực. Tính đến hết năm 2021, toàn quốc có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, 104 Chi nhánh trợ giúp pháp lý cấp huyện, liên huyện với 1.233 người/1369 biên chế được giao, trong đó 666 Trợ giúp viên pháp lý, 406 chuyên viên pháp lý, 106 kế toán và nhân viên khác. Như vậy, so với thời điểm trước khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, tổng số biên chế được giao đã giảm 13 người (1.369/1.382), số người làm việc trên thực tế giảm 08 người (do nghỉ hưu, nghỉ việc và chuyển công tác).
Về kết quả hoạt động, theo số liệu thống kê của Cục Trợ giúp pháp lý, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên cả nước đã thực hiện được 146.148 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 146.148 người được trợ giúp pháp lý, trong đó, có 77.707 vụ việc tư vấn pháp luật, 67.107 vụ việc tham gia tố tụng, 1.334 vụ việc đại diện ngoài tố tụng[17]. Các vụ việc trợ giúp pháp lý do các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên.
Về tư vấn viên pháp luật và trung tâm tư vấn pháp luật
Theo quy định tại Nghị định 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/7/2008 về tư vấn pháp luật thì hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật pháp luật chỉ mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Theo thống kê, hiện nay, toàn Hội có 128 Trung tâm Tư vấn pháp luật, trong đó Trung ương Hội có 10 Trung tâm, 118 Trung tâm, chi nhánh của Trung tâm trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, quận, huyện[18].
Khi so sánh quy mô của thị trường dịch vụ pháp lý với số lượng chủ thể có quyền cung cấp dịch vụ pháp lý như đã lêu ở trên cho thấy hiện tại mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân, tổ chức.
3. Đặc điểm đặc thù của “Thị trường dịch vụ pháp lý”
Như trên đã phân tích, thị trường dịch vụ pháp lý khi vận hành phải tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường và mang đầy đủ các đặc điểm của thị trường hàng hóa, dịch vụ nói chung. Ở Việt Nam khi phát triển thị trường dịch vụ pháp lý cần phải được đặt trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thị trường dịch vụ pháp lý, trước hết được xác định là “thị trường dịch vụ”, do vậy, nó mang đầy đủ các đặc điểm, yếu tố của thị trường nói chung như: tuân thủ và vận hành theo các quy luật của thị trường (quy luật cung – cầu; quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh...) và mang đầy đủ đặc điểm của thị trường dịch vụ, như: tính tính vô hình, tính không thể tách rời, tính không thể cất giữ, tính đa dạng và sự tham gia của người tiêu dùng... Tuy nhiên, nó cũng có những đặc điểm riêng biệt như: phụ thuộc vào quy định pháp luật của mỗi quốc gia; chịu sự tác động của định hướng đối ngoại của quốc gia và gắn chặt với sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ và vùng miền. Cụ thể:
3.1. Thị trường dịch vụ pháp lý là thị trường bị hạn chế bởi quy định của quốc gia
Như trên đã phân tích, để được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, công dân và tổ chức ở Việt Nam, pháp luật đã quy định một cách cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn và thầm quyền cũng như về lĩnh vực, nội dung cung cấp đối với mỗi chủ thể. Theo đó, Luật sư là công dân Việt Nam được cung cấp đối với mọi dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Luật sư. Còn các chủ thể khác có những hạn chế tương ứng. Ví dụ:
- Chỉ Luật sư là công dân Việt Nam.
- Tư vấn viên pháp lý – nếu không phải là Luật sư thì chỉ được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật.
- Bào chữa viên nhân dân chỉ được tham gia bào chữa khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
- Luật sư nước ngoài[19] và Luật sư Việt Nam hoạt động trong tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, được cử Luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.
3.2. Chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý phải đáp ứng các điều kiện nhất định
Với mục tiêu cung cấp dịch vụ góp phần bảo vệ, giữ gìn và bảo đảm công lý, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, vì vậy, ở các quốc gia đều xác định đây là một nghề đặc biệt. Theo đó chỉ những người có trình độ cử nhân luật và phải qua đào tạo nghề hoặc có những chứng chỉ cụ thể và phải đăng ký hoạt động với cơ quan/tổ chức có thẩm quyền mới được cung cấp dịch vụ này. Quy định này cũng tương đồng với quy định của các nước. Điều này cũng tương đồng với quy định của các quốc gia, ví dụ:
- Các tổ chức, cá nhân hành nghề Luật sư tại Singapore có quyền cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng sau khi được cấp phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, không phải mọi chủ thể hành nghề Luật sư đều có các quyền như nhau mà một số cá nhân Luật sư và tổ chức hành nghề sẽ bị pháp luật hạn chế về lĩnh vực hành nghề. Cụ thể hơn, các Luật sư nước ngoài, Luật sư Singapore hành nghề tại tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài chỉ được phép hành nghề pháp luật Singapore trong những lĩnh vực được cấp phép [20].
- Luật Luật sư Trung Quốc định nghĩa Luật sư là những cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, được ủy nhiệm hoặc chỉ định để cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng[21]. Tuy nhiên, điều kiện hành nghề và phạm vi hoạt động của Luật sư Trung Quốc và Luật sư nước ngoài lại có sự khác biệt. Cụ thể như sau: (1) Luật sư Trung Quốc có quốc tịch Trung Quốc được cung cấp dịch vụ pháp lý trên lãnh thổ Trung Quốc. (2) Pháp luật Trung Quốc hiện hành không cho phép cá nhân Luật sư nước ngoài được hành nghề tại Trung Quốc[22]. Cá nhân, tổ chức Luật sư nước ngoài không được thành lập công ty tư vấn luật tại Trung Quốc[23]. Tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc cho phép Luật sư nước ngoài được làm việc trong văn phòng đại diện của tổ chức Luật sư nước ngoài và thực hiện các công việc thuộc chức năng văn phòng đại diện của tổ chức Luật sư nước ngoài.
- Luật Luật sư Việt Nam quy định Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định về tiêu chuẩn Luật sư như sau: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề Luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề Luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề Luật sư thì có thể trở thành Luật sư. Và để hành nghề Luật sư thì ngoài việc phải có đủ tiêu chuẩn như trên thì phải có Chứng chỉ hành nghề Luật sư và gia nhập một Đoàn Luật sư…
3.3. Thị trường dịch vụ pháp lý là thị trường mở và quy mô các tổ chức hành nghề còn nhỏ, thiếu sức cạnh tranh
Thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt nam được xác định là thị trường mở, bởi vì xuất phát từ quy định, Luật sư được cung cấp dịch vụ trên tất cả các lĩnh vực pháp luật do vậy, khi pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện thì dịch vụ pháp lý cũng được mở rộng và hoàn thiện tương ứng.
Đa số các tổ chức hành nghề Luật sư có quy mô nhỏ[24], năng lực quản trị, điều hành còn yếu kém, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa thực sự tạo được niềm tin đối với khách hàng, cơ quan, tổ chức.
3.4. Phí mà người sử dụng dịch vụ pháp lý phải trả cho người cung cấp dịch vụ tuân theo quy luật của thị trường nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật
Quy định về thù lao và chi phí sử dụng dịch vụ pháp lý (phí Luật sư), về cơ bản phải phù hợp với những nguyên tắc của pháp luật dân sự về tiền công trong hợp đồng dịch vụ. Người cung cấp dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan và được nhận một khoản thù lao, được thanh toán các chi phí hợp lý khác do người sử dụng dịch vụ trả. Như vậy, thù lao là khoản tiền bù đắp lại công sức mà người cung cấp dịch vụ pháp lý bỏ ra để thực hiện dịch vụ pháp lý.
Phương thức tính thù lao được tính theo một trong bốn phương thức sau:
- Phương thức tính thù lao theo giờ làm việc. Tính thời gian Luật sư bỏ ra để thực hiện công việc là căn cứ quan trọng để tính mức thù lao.
- Phương thức tính thù lao trọn gói. Phương thức này thường được áp dụng trong các lĩnh vực tham gia tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
- Phương thức tính thù lao theo tỉ lệ phần trăm giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án. Phương án thường được áp dụng trong lĩnh vực tham gia tố tụng đối với các vụ án dân sự, kinh tế, giao dịch về bất động sản hay tư vấn pháp luật trong các dự án.
- Phương thức tính thù lao theo hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định. Khách hàng phải trả một khoản thù lao cố định đã được thoả thuận theo định kỳ cho tổ chức hành nghề Luật sư hoặc Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân bất kể trong thời gian đó khách hàng có cần sự giúp đỡ về mặt pháp lý của Luật sư hay không. Phương thức này cũng có thể áp dụng đối với trường hợp Luật sư có hợp đồng dài hạn để tư vấn pháp luật cho một doanh nghiệp.
Trong trường hợp có tranh chấp về thù lao, chi phí, tiền lương theo hợp đồng lao động thì theo quy định tại Điều 59 Luật Luật sư năm 2006 thì việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến thù lao và chi phí của Luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc giải quyết tranh chấp về tiền lương của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
4. Một số suy nghĩ ban đầu về phát triển thị trường dịch vụ pháp lý
Để góp phần thực hiện thắng lợi định hướng “tiếp tục phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp”[25] và để hoạt động của thị trường dịch vụ pháp lý phát triển lành mạnh, đúng hướng theo chúng tôi trong thời gian tới cần:
- Về định hướng, dịch vụ pháp lý cần được phát triển theo hướng là hoạt động thương mại dịch vụ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho các chủ thể có yêu cầu; mặt khác dịch vụ pháp lý cũng cần được phát triển theo hướng nhân đạo phục vụ miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong xã hội. Phải coi dịch vụ pháp lý là công cụ và phương tiện để bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận công lý của người dân, tổ chức. Đồng thời, dịch vụ pháp lý cũng cần phải phát triển phù hợp với chủ trương về cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.
- Về mô hình dịch vụ pháp lý, trước hết, cần sớm hoàn thiện quy định về các loại hình cung cấp dịch vụ pháp lý một cách chi tiết, cụ thể nhằm hỗ trợ cho người cung cấp dịch vụ pháp lý hoạt động một cách đúng đắn và chuyên nghiệp. Theo đó, cần sớm hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn đội ngũ những người hành nghề dịch vụ pháp lý với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghề nghiệp gắn với mỗi loại hình cung cấp dịch vụ. Theo đó người cung cấp dịch vụ pháp lý phải có bằng cử nhân luật, qua đào tạo nghề và trải qua thời gian tập sự nhất định và sau khi thi đỗ kì thi hết tập sự mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy đã đến lúc cần có quan niệm thống nhất về người cung cấp dịch vụ pháp lý đó là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ năng hành nghề phù hợp mới được thực hiện dịch vụ pháp lý; đồng thời, khẳng định rõ chỉ có Luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý trong tố tụng tư pháp.
- Về hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý cần được quy định theo hướng đa dạng hơn theo những hình thức được pháp luật quy định. Theo đó, các điều kiện hành nghề (tiêu chuẩn, điều kiện, phạm vi hành nghề) được quy định bởi pháp luật chuyên ngành; còn hình thức hành nghề thì cần theo quy định của luật chung là luật doanh nghiệp. Khi một người có đủ điều kiện hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý lựa chọn một trong các hình thức hành nghề kinh doanh theo quy định của luật doanh nghiệp thì có thể được thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ theo phạm vi hành nghề mà pháp luật đã quy định.
- Về quản lý đối với dịch vụ pháp lý. Thống nhất nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hành nghề dịch vụ pháp lý; đồng thời cần hình thành cơ chế quản lý thống nhất toàn diện đối với hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối quản lý và nhiều phương thức quản lý như hiện nay. Cần phân định rõ và hợp lý giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chế độ tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Cần quán triệt phương châm là giảm thiểu tối đa các biện pháp hành chính và thay vào đó là sử dụng biện pháp điều tiết vĩ mô thông qua các cơ chế của thị trường.
Cần nghiên cứu xây dựng chế độ trách nhiệm chi tiết và cụ thể của người cung cấp dịch vụ pháp lý; kết hợp giữa hệ thống chế tài của nhà nước và chế độ kỷ luật của tổ chức tự quản; đồng thời phát huy tối đa sự kiểm soát của bản thân người hành nghề trong chế độ tự quản mặt khác cần phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bảo đảm trên thực tế để người cung cấp dịch vụ pháp lý được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trong thời gian tới đề nghị hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý theo những định hướng cơ bản sau:
1. Cần khẳng định hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý là một nghề, vì vậy việc quản lý tổ chức và hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý cần được xây dựng trên nguyên tắc đây là một nghề chuyên nghiệp và là một nghề tự do;
2. Cần tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ chuyên nghiệp có trình độ phúc đáp được các yêu cầu, nhu cầu của cá nhân và tổ chức trong sử dụng dịch vụ pháp lý; cần đề cao vai trò và trách nhiệm của cá nhân người hành nghề, nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghề nghiệp.
3. Cần sớm khắc phục một số vướng mắc bất cập trong quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với Luật sư và hành nghề Luật sư. Làm rõ các vấn đề về thẩm quyền công nhận Luật sư, xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính đối với Luật sư. Phân định rõ thẩm quyền quản lý của cơ quan nhà nước và thẩm quyền tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính đối với Luật sư. Cùng với việc nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp cần đổi mới và tăng cường sự quản lý nhà nước đối với Luật sư và hành nghề Luật sư đồng thời tổ chức xã hội nghề nghiệp cần tập trung vào việc giám sát Luật sư về mặt đạo đức nghề nghiệp và giúp đỡ bảo vệ Luật sư trong quá trình hành nghề.
4. Xác định rõ nội dung, phương thức tham gia quản lý, giám sát về Luật sư và hành nghề Luật sư của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Cần luật hóa trách nhiệm và phạm vi tham gia quản lý, giám sát Luật sư và hành nghề Luật sư của tổ chức xã hội nghề nghề nghiệp trên cơ sở phân định rõ nội dung tham gia quản lý, giám sát Luật sư và hành nghề Luật sư. Cần phân cấp mạnh cho các đoàn Luật sư ở địa phương; đồng thời cần có cách quy định cụ thể về các tiêu chí thành lập đoàn Luật sư tránh tình trạng thành lập theo đơn vị hành chính lãnh thổ như hiện nay. Đồng thời, cần xác định rõ những nhiệm vụ, công việc nào là nhiệm vụ công việc mang tính chất nội bộ thuộc chức năng tự quản; những nhiệm vụ nào được nhà nước giao quản lý, những nhiệm vụ nào cần có sự phối hợp giữa nhà nước và tổ chức xã hội nghề nghiệp.
[1] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp “Từ điển luật học”, NXB Từ điển Bách khoa và NXB Tư pháp, Hà Nội năm 2006, trang 218. [2] WTO có tên đầy đủ là Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization). Tổ chức này được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. [3] Xem cụ thể tại: http://www.hoinhap.org.vn/thuvien/tai-lieu-hoi-nhap/tai-lieu-khac/411-bang-phan-loai-cac-nganh-dich-vu-trong-wto.html [4] Xem cd definition of legal services would include advisory and representation services as well as all the activitie-vu-trong-wto.html [5] https://www.thebusinessresearchcompany.com. [6] Theo Báo cáo thị trường dịch vụ pháp lý. Nguồn: https://www.thebusinessresearchcompany .com/report/legal-services-market. Legal Services Market Definition. The legal services market consists of sales of law-related services and related goods by entities (organizations, sole traders and partnerships) that advise clients (individuals, businesses or other entities) about their legal rights and responsibilities, and represent clients in civil or criminal cases, business transactions and other matters, in which legal advice and other assistance is sought. Legal services providers undertake processes where human capital is the major input. They make available the knowledge and skills of their employees, often on an assignment basis, where an individual or a team is responsible for the delivery of services to the client. [7] Chi nhánh, công ty luật nước ngoài được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Luật sư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. [8] Tổ chức ở đây được giới hạn là các tổ chức kinh tế; không bao gồm các tổ chức chính trị, tổ chức công quyền… [9] Phạm vi này chỉ bị giới hạn bởi quyền chủ thể cung cấp dịch vụ. Ví dụ: Tổ chức Luật sư nước ngoài “…không được cử Luật sư nước ngoài và Luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam…” (Điều 70 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012) [10] GDP là viết tắt của Gross Domestic Product hay Tổng sản phẩm trong nước. Theo Nghị định 97/2016/NĐ-CP, tổng sản phẩm trong nước là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, năm). [11] Nguồn tham khảo https://databank.worldbank.org/source/world-development-indicators [12] Tỷ gia hạch toán giữa VND với USD tháng 12/2019 là 1 USD = 23.143 đồng (https://vneconomy.vn/ty-gia-hach-toan-ngoai-te-trong-thang-12-2019.htm#:~:text=Trong%20%C4%91%C3%B3%2C%20t%E1%BB%B7%20gi%C3%A1%20h%E1%BA%A1ch,l%C3%A0%201%20USD%20%3D%2023.143%20%C4%91%E1%BB%93ng. truy cập ngày 30/03/2022 [13] Ví dụ: Năm 2017: 11.942 Luật sư; năm 2018: 12.821 Luật sư; năm 2019: 13.859 Luật sư; năm 2020: 15.162 Luật sư; năm 2021: 16.347 Luật sư. [14] Mỗi năm, cả nước phát triển từ 800-1000 Luật sư và phấn đấu đạt khoảng 1.000 Luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế. Một số tỉnh, thành phố phát triển số lượng Luật sư đã đạt mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2020 (Quảng Ninh, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đồng Tháp). [15] Nếu như thời điểm tháng 12/2009 có 07 địa phương có 01 - 02 Văn phòng Luật sư thì đến nay trên toàn quốc chỉ còn 02 tỉnh có 01 - 02 Văn phòng Luật sư (Hà Nam và Lai Châu), 02 tỉnh có dưới 05 tổ chức hành nghề Luật sư (Yên Bái, Bắc Kạn). [16]. Ví dụ: Theo Báo cáo số 1393/BC-BCSĐ ngày 28/6/2019 của Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao tỷ lệ số vụ án có Luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án tai toà án là 7,34%; tỷ lệ số vụ án có Luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Quảng Ngãi 39,45%, Hà Nội 28,46%, Cần Thơ 19,71%, Thành phố Hồ Chí Minh 12,75%...; ở một số địa phương có tỷ lệ rất thấp như: Yên Bái 1,65%, Thừa Thiên Huế 1,9%, Thanh Hoá 2,01%, Bắc Kạn 3,31%... [17] Ví dụ: số lượng vụ việc tham gia tố tụng kết thúc tăng hàng năm, cụ thể: năm 2018 là 11.860 vụ việc, năm 2019 là 13.428 vụ việc, năm 2020 là 16.168 vụ việc và năm 2021 là 20.868 vụ việc. Riêng các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 1.764 vụ việc, trong đó, có 1.433 vụ việc tư vấn pháp luật, 324 vụ việc tham gia tố tụng và 07 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. [18] Theo dự thảo báo cáo sơ kết thực hiệ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024. [19] Theo Điều 70 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 thì: Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có Bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một Luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam. [20] Các Điều 36B.3(a), 36E.3(a), 169.4(c) và 171.4(a) Đạo luật Hành nghề Luật sư. [21] Điều 2 Luật Luật sư Trung Quốc. [22] Các nguồn tham khảo: Regulations of the Legal Profession in China: Overview (“Tổng Quan Các Quy Định Về Nghề Luật sư Tại Trung Quốc”), có thể xem tại: https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/w-020-3499?transitionType=Default&contextData=(sc.Default)&firstPage=true#:~:text=Bar%20Admittance,Chinese%20law%20in%20the%20PRC, truy cập lần cuối ngày 04/10/2022. Can Foreigners Practice Law in China (“Liệu Người Nước Ngoài Có Thể Hành Nghề Luật Tại Trung Quốc?”, có thể xem tại: https://www.chinajusticeobserver.com/a/can-foreigners-practice-law-in-china, truy cập lần cuối ngày 04/10/2022; và Diffrences for Foreign Firms (“Các Khác Biệt Đối Với Hãng Luật Nước Ngoài”), có thể xem tại: https://blog.specialcounsel.com/ediscovery/restrictions-on-international-law-firms-china/, truy cập lần cuối ngày 04/10/2022. [23] Điều 6 Quy định về VPĐDLS. Lưu ý là Luật sư nước ngoài cũng không thể đăng ký để trở thành Luật sư Trung Quốc vì pháp luật hiện hành chỉ cho phép cá nhân có quốc tịch Trung Quốc được đăng ký tham gia kỳ thi kiểm tra năng lực toàn quốc do Bộ tư pháp Trung Quốc tổ chức (một trong những điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư). [24] Theo số Báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến hết ngày 31/12/2022 có gần 17.000 Luật sư đang hoạt động trong hơn 5000 tổ chức hành nghề. Chỉ có hơn 100 Luật sư Việt Nam đã qua khóa đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài (Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…) và có khoảng 20 Luật sư Việt nam được công nhận là Luật sư nước ngoài (Bộ Tư pháp - Tài liệu Hội thảo Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về luất sư và hành nghề Luật sư. Hà Nội năm 2022). [25] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội năm 2021, Tập 2 trang 98. |
Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp triển khai trưng cầu ý kiến Luật sư về phát triển thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại link dưới đây: Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các Luật sư cho ý kiến theo đề nghị nêu trên. |
ThS. DƯƠNG BẠCH LONG
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
Bàn về việc cung cấp thông tin cho báo chí của Luật sư