Bàn về việc cung cấp thông tin cho báo chí của Luật sư

19/06/2023 06:00 | 11 tháng trước

(LSVN) - Khi cung cấp thông tin cho báo chí về vụ việc của khách hàng, với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, Luật sư không được cung cấp thông tin gây ảnh hưởng xấu đến vụ việc của khách hàng, nhưng cũng không được cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực, thiếu khách quan để dẫn dắt dư luận. Trong trường hợp này, Luật sư cần phải làm gì để vừa bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng vừa cung cấp được những thông tin trung thực, chính xác, khách quan cho báo chí?

Ảnh minh họa.

Trong xã hội hiện đại, phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin cho công chúng. Luật sư là người có uy tín, có tiếng nói trong xã hội, những thông tin mà Luật sư cung cấp luôn được người dân quan tâm, đón nhận và tin tưởng. Với vai trò là người am hiểu pháp luật, có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân, khi cung cấp thông tin cho báo chí, Luật sư phải cung cấp thông tin trung thực, khách quan và chính xác về các vấn đề pháp lý mà mình nêu ra.

Khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí quy định về việc: “Cung cấp thông tin cho báo chí” như sau: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp…”.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức, cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí trong phạm vi quyền và nghĩa vụ mình được cho phép và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra. Riêng đối với Luật sư, khi cung cấp thông tin cho báo chí, Luật sư không những phải tuân thủ quy định của Luật Báo chí mà còn phải tuân thủ quy định của Luật Luật sư và quy tắc của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Theo đó, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan” (Quy tắc 31.1). Tính trung thực của Luật sư được thể hiện qua việc cung cấp thông tin chính xác, phản ánh đúng sự thật khách quan. 

Ví dụ: Vụ việc của khách hàng đang được xã hội và công chúng chú ý, phóng viên có liên hệ với Luật sư A. – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng để phỏng vấn về các vấn đề đang được dự luận quan tâm. Luật sư A. có thể trả lời phỏng vấn về vụ việc của khách hàng nếu được khách hàng đồng ý. Bên cạnh đó, khi trả lời phóng viên, vì đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng, Luật sư được lựa chọn thông tin trả lời cho báo chí nhưng phải đáp ứng điều kiện những thông tin Luật sư cung cấp phải trung thực, đúng sự thật khách quan, không xuyên tạc hay cố tình dẫn dắt dư luận, tuân thủ quy định của Luật Luật sư và Bộ Quy tắc.

Thông tin Luật sư cung cấp cho báo chí phải đảm bảo tính chính xác tránh gây nhầm lẫn. Với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng nhưng đồng thời cũng đóng vai trò là người tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, Luật sư có quyền lựa chọn thông tin để cung cấp cho báo chí. Luật sư không phải chia sẻ hết các thông tin về vụ việc của khách hàng, nhưng thông tin Luật sư lựa chọn để cung cấp cho báo chí phải chính xác, trung thực, đã được xác minh, chứng thực, phản ánh đúng bản chất của vấn đề tránh gây hiểu lầm với người dân và cơ quan Nhà nước. Để tránh những hiểu lầm không đáng có, thông tin Luật sư cung cấp cần đảm bảo nguyên tắc: phản ánh đúng sự thật khách quan, đúng bản chất vụ việc và không làm xấu hơn tình trạng khách hàng. 

Ngoài ra, Luật sư cũng cần phải đảm bảo tính khách quan trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Điều này có nghĩa là Luật sư không được ảnh hưởng bởi những quan điểm cá nhân hay lợi ích riêng để lựa chọn thông tin. Thay vào đó, Luật sư cần tiếp cận vấn đề một cách khách quan và đưa ra thông tin một cách trung thực. Tính khách quan của Luật sư trong việc cung cấp thông tin về vụ việc của khách hàng được thể hiện qua việc Luật sư được lựa chọn thông tin để chia sẻ cho báo chí. Thông tin được lựa chọn không được làm xấu hơn tình trạng của khách hàng đồng thời cũng không được mang tính điều hướng, dẫn dắt dư luận khiến người dân hiểu sai bản chất vụ việc, tạo sức ép với cơ quan Nhà nước đang xử lý vụ việc của khách hàng, gây phản cảm đối với cơ quan Nhà nước.

Điều 31.2 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam quy định: “31.2. Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng”.

Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề, Luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với báo chí nên khi lựa chọn thông tin chia sẻ với truyền thông đã gây ra những hiểu lầm không đáng có cho người dân cũng như cơ quan Nhà nước. Có thể thông tin Luật sư lựa chọn cung cấp phản ánh đúng sự thật khách quan nhưng cách diễn đạt của Luật sư trên báo chí lại khiến người dân hiểu lầm, đây cũng là một kinh nghiệm cho Luật sư khi cung cấp thông tin trước truyền thông, báo chí để tránh những sai lầm tương tự gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Luật sư. 

Việc tuân thủ các quy định của Luật Báo chí, Luật Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam giúp Luật sư có thể đảm bảo tính trung thực và khách quan trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Điều này giúp đảm bảo rằng công chúng được thông tin chính xác và đầy đủ, đồng thời bảo vệ quyền lợi của khách hàng và uy tín của Luật sư.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư nhận tiền, lợi ích của cả hai bên là vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp