Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2024

17/04/2024 15:01 | 1 tuần trước

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 4/2024 ra mắt bạn đọc với những bài nghiên cứu chính sau đây.

Bài “Một số vấn đề cần bàn về quy định giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng” của TS. LS Phạm Văn Lưỡng (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam). Tác giả cho rằng, Việt Nam là quốc gia thuộc hệ thống pháp luật dân sự nên hoạt động xét xử chủ yếu dựa trên quy định của luật thành văn. Tuy vậy, không phải lúc nào các nhà lập pháp cũng kịp thời ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh. Vấn đề giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật áp dụng là một chế định lần đầu tiên được quy định trong pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này và một số vướng mắc, hạn chế từ thực tiễn áp dụng.

Tạm giữ người theo thủ hành chính là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi gây thương tích cho người khác; hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... Với tựa đề “Áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Một số bất cập và đề xuất hoàn thiện”, tác giả Lê Ngọc Khuê (Học viện Cảnh sát nhân dân) đã phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng biện pháp này trên thực tế và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện.

Tệ nạn ma túy được coi là một trong những mối đe dọa to lớn đối với an ninh nhân loại. Đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy đã thành vấn đề có tính toàn cầu và được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ở nước ta, các tội phạm về ma túy tăng nhanh với tốc độ cấp số nhân và hiện nay đã trở thành quốc nạn. Việc chủ động phòng ngừa tội phạm - trong đó có các tội phạm về ma túy là chủ trương và cũng là yêu cầu cấp bách của Đảng, Nhà nước ta nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tội phạm gây ra, ngăn chặn, giảm bớt và tiến tới loại trừ loại tội phạm này. Qua bài “Một số giải pháp phòng ngừa tội phạm ma túy trong giai đoạn hiện nay”, TS Đinh Văn Liêm (Trường Đại học Vinh) đi sâu phân tích những quy định pháp luật và thực trạng về phòng ngừa tội phạm ma túy, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.

“Thỏa thuận không cạnh tranh và bảo mật thông tin giữa doanh nghiệp và người lao động: Kinh nghiệm của Pháp, Mỹ và đề xuất cho Việt Nam” là một nghiên cứu của hai tác giả Nguyễn Nhật Ánh & Triệu Vũ Khánh (Trường Đại học Ngoại thương). Nội dung đề tài cho thấy, trong quá trình thực hiện các công việc được giao, người lao động có thể được tiếp cận với các thông tin quan trọng cần bảo mật của doanh nghiệp sử dụng lao động. Để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động và doanh nghiệp có thể có các thỏa thuận về không cạnh tranh và bảo mật thông tin. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có các quy định về vấn đề này, tuy nhiên thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều bất cập. Bài viết tập trung phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về thỏa thuận không cạnh tranh và bảo mật thông tin cũng như thực tiễn áp dụng, tham chiếu tới các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định này tại Pháp và Mỹ, từ đó rút ra kinh nghiệm và khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam.

Bài “Phòng, chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật” của ThS. NCS Nguyễn Quang Thành (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tập trung phân tích những biểu hiện và tác động của lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, qua đó gợi ý một số giải pháp về phòng, chống lợi ích nhóm trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

ThS Bùi Ai Giôn (Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có bài “Bàn về giao dịch quyền sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng”. Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong thời gian quyền sử dụng đất còn thời hạn, các bên có thể tiến hành các giao dịch như chuyển nhượng, tặng cho. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp các chủ thể xác lập giao dịch ở thời điểm bất động sản không còn thời hạn sử dụng đất. Thực tiễn xét xử đối với loại giao dịch này trong thời gian qua còn có những quan điểm khác nhau và nhiều vấn đề cần bàn. Bài viết phân tích thực trạng này và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật liên quan.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2024.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3/2024

Từ khoá : lsvn.vn LSVN