/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2025

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2025

18/04/2025 14:56 |19 ngày trước

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số 04/2025 ra mắt bạn đọc với những nội dung chính sau:

“Các xu hướng phát triển của tội phạm học trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước” là đề tài nghiên cứu của GS.TS Võ Khánh Vinh (Trường Đại học Kiểm sát) và TS Võ Khánh Linh (Trường Đại học Thăng Long). Theo nghiên cứu của các tác giả, tội phạm học là khoa học đa ngành, liên ngành, tích hợp, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong tư pháp hình sự. Tri thức tội phạm học là tri thức nền tảng, cơ sở của chính sách hình sự, pháp luật tư pháp hình sự, có mối liên hệ chặt chẽ với các khoa học xã hội và nhân văn, được thể hiện ở phương diện hàn lâm, thực tiễn và đào tạo, trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Tội phạm học chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, cần phải được đổi mới tư duy nghiên cứu, đào tạo để phát triển, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước. Bài viết này, ở tầm khái quát nhất bàn đến một số xu hướng phát triển của tội phạm học trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2025 - 1

 

ThS Trần Linh Huân (Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) có bài “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương trong giai đoạn hiện nay”. Bộ máy chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý nhà nước, là cấp trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, hội nhập quốc tế sâu rộng và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, việc hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương là một yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm sự vận hành linh hoạt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Quá trình này cần được thực hiện trên cơ sở lý luận vững chắc, phù hợp với các nguyên tắc quản lý hành chính hiện đại, đồng thời xuất phát từ thực tiễn tổ chức bộ máy hành chính tại Việt Nam, bao gồm cả những thành tựu, hạn chế và yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của việc hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương để từ đó tạo nền tảng vững chắc phục vụ cho việc đẩy mạnh hoạt động hoàn thiện bộ máy này trong bối cảnh hiện nay.

“Rèn luyện kỹ năng tranh luận, phản biện cho sinh viên luật” là bài viết của các tác giả TS Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thiên Ban, Nguyễn Thị Phương Nghi (Khoa Luật học - Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh). Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như những đòi hỏi khách quan của thị trường lao động, sinh viên luật bên cạnh việc tích lũy kiến thức cần được bồi dưỡng, rèn luyện về kỹ năng nghề nghiệp có liên quan. Nhóm tác giả bài viết phân tích khái quát kỹ năng tranh luận, phản biện; sự cần thiết của kỹ năng này đối với sinh viên luật và đề xuất một số biện pháp rèn luyện kỹ năng tranh luận, phản biện cho sinh viên luật hiện nay.

Tội phạm công nghệ cao tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, nhưng tốc độ phát triển của các phương thức phạm tội vẫn vượt xa khả năng kiểm soát. Các đối tượng phạm tội thường có tổ chức mạng lưới liên quốc gia, sử dụng các phương thức tinh vi như lừa đảo qua sàn giao dịch điện tử, thẻ ngân hàng giả, truy cập trái phép vào tài khoản… Thực tế cho thấy, có nhiều người dân trở thành nạn nhân của lừa đảo sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản do sự hiểu biết về vấn đề này còn hạn chế. TS Trần Thị Thanh và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kiểm sát có bài “Nâng cao nhận thức của người dân về hành vi sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản”. Bài viết phân tích tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở nước ta thời gian qua, thực trạng nhận thức của người dân về hành vi sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức của người dân để phòng tránh loại tội phạm này.

“Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh: Giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật” của tác giả Nguyễn Kim Hùng (Trường Đại học Luật Hà Nội) phân tích những tác động và ý nghĩa của quy định mới về việc miễn lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với các tỉnh không phải là thành phố trực thuộc Trung ương và việc căn cứ quy hoạch chung đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương trong Luật Đất đai năm 2024. Bài viết cũng nêu ra một số thách thức trong thực tế thực hiện những quy định mới này, qua đó đề xuất các giải pháp tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong thời gian tới.

Tác giả Đồng Trần Khánh Chi (Trường Đại học Luật Hà Nội) có bài “Đề nghị giao kết hợp đồng - Hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam từ kinh nghiệm của một số quốc gia”. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc các chủ thể bày tỏ rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này đối với bên được đề nghị. Đây là một trình tự pháp lý cơ bản và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập, duy trì và bảo vệ quan hệ pháp luật giữa các bên. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích quy định pháp luật của một số nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ về đề nghị giao kết hợp đồng có sự đối chiếu, so sánh với quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, qua đó đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định này cho Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành trong tương lai.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2025.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Các tin khác