Nhìn lại chặng đường 15 năm này, TS.LS Phan Trung Hoài (Ủy viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam) có bài “Những kỷ niệm ấm áp trong ngôi chung của đội ngũ Luật sư Việt Nam”. Qua bài viết, tác giả chia sẻ một số suy nghĩ, cảm nhận về những dấu ấn đậm nét trong chặng đường 15 năm qua của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ những ngày khởi đầu đặt nền móng cho “ngôi nhà chung”, đến quá trình gây dựng hình ảnh, vị thế của đội ngũ Luật sư và Liên đoàn Luật sư…
Dưới một góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển có bài “Luận về nghề Luật sư và trách nhiệm xã hội của Luật sư”. Theo quan điểm của tác giả, trách nhiệm xã hội là khái niệm phản ánh hai mặt khách quan và chủ quan, liên quan đến các cá nhân. Nghề Luật sư hội đủ những mặt đa sắc đó. Do đặc trưng nghề nghiệp, đặc điểm hoạt động nghề và người Luật sư là số ít trong rất nhiều ngành nghề mà nhà nước đặt ra vấn đề trách nhiệm xã hội. Tác giả đi sâu phân tích những khía cạnh liên quan đến trách nhiệm xã hội của người Luật sư và nghề Luật sư.
Với tựa đề “Suy nghĩ cuối năm”, với lối hành văn nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy triết lý, GT.TS Nguyễn Đăng Dung đã cho bạn đọc hiểu biết sâu sắc hơn về khái niệm “nhà nước pháp quyền”. Cùng chủ đề, PGS.TS Đỗ Đức Minh có bài “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Những yếu tố tác động và vấn đề đặt ra”. Bài viết tập trung nhận diện, phân tích, luận giải những yếu tố tác động đối với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ các phương diện truyền thống lịch sử và hiện tại; làm rõ những yếu tố tác động tích cực cũng như lực cản và yêu cầu đặt ra đối với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, cung cấp góc nhìn và chỉ ra những yêu cầu để tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam trên nền tảng hiện thực, tự giác và hiệu quả.
Liên quan đến hoạt động hành nghề Luật sư, hai tác giả Thiều Hữu Minh & Trần Khánh Vân (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) có bài “Pháp luật về tập sự hành nghề Luật sư - một số vấn đề cần bàn”. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về tập sự hành nghề Luật sư hiện hành và từ thực tiễn, bài viết đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về tập sự hành nghề Luật sư.
“Dạy học dự án đối với một số môn học trong đào tạo cao học luật ở Việt Nam” là bài viết của NCS.ThS Quách Minh Trí (Công ty Luật TNHH Passio Lawyers). Theo nhận định của tác giả, với rất nhiều phương pháp dạy học được đề cập trong lý luận dạy học đại học, có một phương pháp dạy học rất đáng được nghiên cứu và vận dụng trong giảng dạy một số môn học của chương trình đào tạo cao học luật theo hướng ứng dụng ở Việt Nam hiện nay, đó là phương pháp Dạy học dự án hay còn gọi là Project Based Learning. Bài viết của tác giả trình bày về các nội dung cơ bản của phương pháp Dạy học dự án trong giảng dạy pháp luật và áp dụng điển hình đối với môn học “Pháp luật và phát triển” trong chương trình đào tạo cao học luật kinh tế của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh để gợi ý áp dụng cho các môn học pháp luật khác tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay.
Thương mại hóa dữ liệu là vấn đề vô cùng cấp thiết và nổi cộm trong thời đại ngày nay khi dữ liệu được xem là một loại tài nguyên, một loại “dầu mỏ” mới trong nền kinh tế. Việc nghiên cứu chi tiết về thương mại hóa dữ liệu rất quan trọng để tạo ra nền tảng cho hoạt động này. Bên cạnh đó, dữ liệu còn là yếu tố nhạy cảm khi có chứa đựng các thông tin về một cá nhân, tổ chức nào đó, tạo ra những xung đột tiềm ẩn về quyền riêng tư đối với dư liệu. “Thương mại hóa dữ liệu và mối quan hệ với quyền riêng tư” của TS Trần Ngọc Hiệp (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho bạn đọc cái nhìn tổng quát về thương mại hóa dữ liệu nói chung, từ đó phân tích mối quan hệ với quyền riêng tư về dữ liệu.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số Xuân Giáp Thìn này.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT