/ Nghề Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2023

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2023

29/12/2023 22:07 |

(LSVN) - “Định hướng vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà (Ban Nội chính Trung ương) là một trong những bài nổi bật của Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2023.

Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 12/2023 ra mắt bạn đọc với những bài nghiên cứu chính sau đây:

Với đề tài phòng, chống tham nhũng, ở bài “Định hướng vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà (Ban Nội chính Trung ương) nhận định: Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là thành quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng có sự vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ nhận định này, tác giả tập trung phân tích quan điểm nổi bật, xuyên suốt của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định tính đúng đắn các định hướng vận dụng trong tình hình mới, nhằm kiểm soát quyền lực có hiệu quả trong thời gian tới.

Cùng đề tài phòng, chống tham nhũng, các tác giả Thái Bích Phương và Đặng Phương Thảo (Trường Đại học Luật Hà Nội) có bài “Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng chính sách trong xây dựng luật hiện nay”. Theo đó, tham nhũng chính sách là loại tham nhũng đặc biệt nguy hiểm, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đất nước, bởi nó rất khó để phát hiện và qua nhiều khâu. Phòng, chống tham nhũng chính sách có vai trò quan trọng trong xây dựng pháp luật nói chung và trong xây dựng luật nói riêng. Bài viết đưa ra khái niệm, vai trò và các yếu tố ảnh hưởng đến phòng, chống tham nhũng trong xây dựng luật nhằm làm rõ hơn và có cái nhìn khách quan về tham nhũng chính sách trong xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay.

Hoạt động nghiên cứu và quản lý hiện nay xuất hiện nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học, nhà quản lý về thuật ngữ “hành chính công” và “hành chính nhà nước”. Cho đến nay, tranh luận này vẫn chưa có hồi kết. Để góp phần làm rõ các thuật ngữ trên, bài viết “Phân biệt để hiểu đúng về hai thuật ngữ ‘hành chính công’ và ‘hành chính nhà nước’ của TS Nguyễn Quang Vỹ (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) đã nêu và phân tích các yếu tố nội hàm cơ bản, sự trùng hợp và khác biệt của hai thuật ngữ, góp phần xác định, cụ thể hóa bản chất, nội dung, ý nghĩa của hai thuật ngữ này.

“Hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam” là bài viết của ThS Hoàng Trung Hiếu (Học viện Thanh thiến niên Việt Nam). Ở Việt Nam, pháp luật dân sự hiện hành quy định quyền tự do hợp đồng là quyền của các chủ thể được thể hiện ở tất cả các giai đoạn giao kết, thực hiện, chấm dứt và giải quyết các tranh chấp về hợp đồng. Mặc dù chúng ta đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn thiện cho việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng và bảo đảm quyền tự do hợp đồng, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế trong các quy định của pháp luật về nguyên tắc tự do hợp đồng. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng này.

TS Nguyễn Văn Lâm (Viện Kinh tế và quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội) có bài “Nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn của cổ đông và các trường hợp ngoại lệ theo Luật Doanh nghiệp”. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông là chủ sở hữu của số cổ phần đã góp vào công ty cổ phần và qua đó thực hiện quyền cổ đông trong hoạt động của công ty. Song song các quyền phát sinh từ việc sở hữu cổ phần, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty được giới hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Tuy nhiên, nếu cổ đông thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật hoặc xâm hại đến lợi ích của công ty hoặc bên thứ ba thì cổ đông sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình với những thiệt hại gây ra, trường hợp đó được gọi là ngoại lệ của nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn. Bài viết phân tích các vấn đề lý luận về nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn của cổ đông, hệ thống hóa và đánh giá quy định về các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc này trong pháp luật hiện hành ở Việt Nam.

Với bài “Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử”, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) đã khái quát về những quy định pháp luật có đề cập hoạt động thương mại điện tử, qua đó nêu lên một số hạn chế trong việc bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hàng trên các nền tảng giao dịch thương mại điện tử hiện nay và kiến nghị một số giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. 

Luật sư Lê Quang Y (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) và TS.LS Lê Thị Hồng Thơm (Công ty Luật TNHH Dương Nữ) có bài “Vai trò của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, gợi mở mô hình hỗ trợ”. Các tác giả cho rằng, để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề hoàn thiện cơ cấu bộ máy nhân sự và pháp chế doanh nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiện tại đa số doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến bộ phận pháp chế doanh nghiệp hoặc có nhưng chưa làm tốt vai trò. Bài viết phân tích một số vấn đề nhằm luận giải những hạn chế, gợi mở những mô hình hỗ trợ phù hợp trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất là nền kinh tế đang chịu sự chi phối chặt chẽ của quy luật cạnh tranh.                                                      

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 12/2023.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11/2023

Nguyễn Hoàng Lâm