/ Đời sống - Xã hội
/ Đơn vị hành chính của tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm

Đơn vị hành chính của tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm

21/11/2024 11:21 |

(LSVN) – Trải qua bao thăng trầm biến động của lịch sử, vùng đất đầy nắng, đầy gió Đắk Lắk gắn liền với những trang sử hùng tráng của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tính mốc từ thời điểm hình thành đơn vị hành chính được xác lập từ năm 1904 dưới thời Pháp thuộc, đến nay Đắk Lắk đã có 120 năm hình thành và phát triển. Sau giải phóng 1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Đắk Lắk đã và đang xây dựng Đắk Lắk trở nên khang trang hơn, giàu đẹp hơn, đời sống của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn cũng ngày càng được nâng cao.

Giai đoạn Pháp thuộc và các cuộc khởi nghĩa đấu tranh chống giặc ngoại xâm

Đắk Lắk là một vùng đất cổ, có dấu ấn của con người từ thời đại đồ đá cũ. Vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, có vị trí địa lí, đặc điểm dân cư, tập tục văn hoá truyền thông hầu như có sự khác biệt với vùng duyên hải ven biển miền trung Việt Nam. Nên sự giao thoa về mặt văn hoá bị hạn chế.

Năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông vào phương Nam đánh bại Champa, nhà vua đặt vùng đất Tây Nguyên là nước Nam Bàn, một phiên quốc của Đại Việt. Sau khi triều Nguyễn được thành lập vào đầu thế kỷ XIX, quan hệ giữa các tộc người ở Tây Nguyên và Đắk Lắk nói riêng với chính quyền nhà Nguyễn có bước phát triển mới tích cực.

Hình ảnh Đắk Lắk xưa tại trung tâm ngã 06 thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.

Hình ảnh Đắk Lắk xưa tại trung tâm ngã 06 thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.

Trước thế kỉ XV, vùng đất Đắk Lắk chưa có một hệ thống hành chính hoàn chỉnh, về cơ bản vẫn là vùng đất được vận hành theo luật tục của các buôn làng độc lập. Đến cuối thế kỷ XIX, sau khi dập tắt được phong trào Cần Vương, thực dân Pháp đã cử các phái đoàn lên Tây Nguyên điều tra, khảo sát tình hình dưới các hình thức truyền đạo hoặc nghiên cứu dân tộc học. Cũng từ đó, không ít lần Pháp đã đưa quân đội lên Tây Nguyên với ý đồ chiếm đóng vùng đất này. Ngày 16/10/1888, Khâm sứ Trung kỳ Bovlloche buộc triều đình Huế sắp đặt vùng Tây Nguyên dưới sự đặc trách của người Pháp.

Ngày 31/01/1899, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định thành lập cơ sở hành chính tại Bản Đôn để làm thí điểm cho cuộc bình định ở Cao nguyên Tây phần. Ngày 22/11/1904, trước phong trào đấu tranh bền bỉ và quyết liệt của Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và sức ép của triều đình nhà Nguyễn, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ lấy tên là tỉnh Đắk Lắk.

Địa bàn tỉnh Đắk Lắk bao gồm các vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tại phía Tây các tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Sau khi thực dân Pháp thành lập các tỉnh Kon Tum và Đồng Nai Thượng thì cương vực của tỉnh Đắk Lắk như: Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, phía Nam giáp tỉnh Đồng Nai thượng và phía Tây giáp Campuchia. Như vậy, với Nghị định ngày 22/11/1904, Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ và một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, cột mốc đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Giai đoạn từ năm 1904 đến năm 1945 Ngày 09/02/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum (trước là đại lý Kon Tum trực thuộc Tòa công sứ Quy Nhơn), bao gồm Đại lý Kon Tum tách khỏi tỉnh Bình Định, Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên và Đại lý Đắk Lắk. Ngày 02/7/1923, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Đại lý Đắk Lắk khỏi tỉnh Kon Tum để thành một tỉnh độc lập. Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chia thành 05 quận là Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Đắk Song, Lắk và M’Đrắk; tỉnh lỵ đóng tại Buôn Ma Thuột. Ngày 09/4/1934, Khâm sứ Trung Kỳ ban hành Nghị định chia Đắk Lắk thành 24 tổng (carton), đứng đầu các tổng là Cai tổng.

Theo số liệu thống kê năm 1936 (Annuaire Statistique de L’Indochine), tỉnh Đắk Lắk có diện tích 21.300km2 , dân số 106.000 người, bao gồm 30 tổng, 576 xã. Ngày 06/01/1942, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định số 3268 chia Đắk Lắk thành 03 quận (Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Lắk), 02 đại lý (M’Đrắk, Đắk Dam).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Về hành chính, cả nước được chia thành 03 bộ (Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ) có 73 đơn vị hành chính cấp tỉnh (thành phố, khu đặc biệt). Tỉnh Đắk Lắk thuộc Trung Bộ. Sau đó, để thống nhất chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Đắk Lắk được đặt thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ.

Các đơn vị hành chính trong Kháng chiến chống Mĩ đến nay

Sau Hiệp định Giơnevơ, từ năm 1954 - 1960, Đắk Lắk trực thuộc Quân khu V, gồm 07 huyện, thị xã là M’Đrắk, đông Cheo Reo, tây Cheo Reo, Buôn Hồ, Lắk, Đắk Mil và thị xã Buôn Ma Thuột. Để tăng cường sự chỉ đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa bàn phía nam tỉnh Đắk Lắk, đầu năm 1960, Liên Khu ủy V quyết định chia tỉnh Đắk Lắk ra làm 04 đơn vị riêng: B3, B4, B5, B6. B3 (bắc Đắk Lắk) bao gồm 04 huyện: M’Đrắk, đông Cheo Reo, tây Cheo Reo và Buôn Hồ; B4 (Quảng Đức) gồm các huyện Đắk Mil, Đức Xuyên của Đắk Lắk và Khiêm Đức, Kiến Đức của Lâm Đồng và Phước Long. B5 bao gồm huyện Lắk và một số vùng bắc Lạc Dương, Đức Trọng, một số làng thuộc Đức Xuyên và một số làng nam đường 21. B6 gồm có 03 huyện nông thôn (ven thị xã) và thị xã Buôn Ma Thuột, hai huyện bắc và nam thị xã với mật danh K61, K62, một huyện phía tây thị xã gọi là K63 gồm toàn bộ phía Bắc và phần lớn phía nam huyện Đắk Mil (Đức Lập). Thị xã Buôn Ma Thuột (chủ yếu là nội thị) gọi là K64.

Hình ảnh trung tâm ngã 6 thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ngày hiện tại.

Hình ảnh trung tâm ngã 6 thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ngày hiện tại.

Tháng 06/1963, thi hành Chỉ thị của Khu ủy VI, Đắk Lắk điều chỉnh lại địa bàn chỉ đạo, giải thể đơn vị B6, sáp nhập thị xã Buôn Ma Thuột và vùng nông thôn phía nam thị xã (K62) và B5 thành đơn vị tỉnh B5 mới (nam Đắk Lắk) có phạm vi rộng lớn hơn gồm 5 vùng nông thôn, mỗi vùng có ban cán sự vùng chỉ đạo và thị xã Buôn Ma Thuột.

Tháng 10/1963, để thống nhất chỉ đạo trong nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa và đường hành lang, Khu ủy VI quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đức vào Đắk Lắk. Tháng 10/1965, trước những chuyển biến của phong trào cách mạng tại Đắk Lắk, Khu ủy quyết định giải thể Liên tỉnh ủy B3, B5, đồng thời hợp nhất các đơn vị thành tỉnh Đắk Lắk, đặt dưới sự chỉ đạo của Khu ủy V. Tỉnh Đắk Lắk lúc này gồm: vùng M’Đrk mang mật danh H1 (huyện 1), vùng đông Cheo Reo (H2), vùng tây Cheo Reo (H3), vùng đông Buôn Hồ (H4), vùng tây Buôn Hồ (H5), vùng Buôn Ma Thuột (H6), vùng Phú Bổn thuộc đông Cheo Reo (H7- sau nhập với H3 thành H37), vùng nam đường 21 (H8), vùng Krông Bông (H9), vùng Lk (H10).

Đến đầu năm 1975, tỉnh Đắk Lắk có 02 thị xã là Buôn Ma Thuột và Cheo Reo, cùng 11 huyện theo thứ tự từ H1 đến H11 (gần như tương ứng với địa giới các quận, thị của đối phương). Đó là huyện H1 (M’Đrắk - Khánh Dương), H2 (đông Cheo Reo - Phú Túc), H3 (tây Cheo Reo - Phú Nhơn, Phú Thiện, Thuần Mẫn), H4 (Buôn Hồ, đông đường 14), H5 (gồm phía bắc Buôn Ma Thuột và tây Buôn Hồ), H6 (thị xã Buôn Ma Thuột), H7 (thị xã Cheo Reo, có lúc nhập với tây Cheo Reo gọi là H37), H8 (Đắk Mil - Đức Lập), H9 (vùng Krông Bông - huyện căn cứ của tỉnh), H10 (Huyện Lắk - Lạc Thiện), H11 (vùng Krông Pắc - Phước An).

Đầu năm 1976, theo chủ trương của Trung ương hai tỉnh Đắk Lắk và Quảng Đức được sáp nhập thành tỉnh Đắk Lắk. Địa bàn các huyện cùng danh xưng cũng được thay đổi. Lúc này, toàn tỉnh có 05 huyện (Krông Búk, Krông Pắc, Đắk Mil, Đắk Nông, Lắk) và thị xã tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột. Việc sắp xếp điều chỉnh các đơn vị hành chính trong phạm vi tỉnh diễn ra liên tục, theo đà tăng dân số. Ngày 30/8/1977, Chính phủ ban hành Quyết định số 230- CP, chia huyện Krông Búk thành 02 huyện, huyện mới lấy tên là ng Pắc thành 02 huyện, huyện mới lấy tên là M’Đrắk. Ngày 03/4/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 110-CP, chia tách huyện Krông Búk thành 02 huyện, huyện mới lấy tên là Ea H’Leo.

Ngày 19/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐPT, thành lập hai huyện mới là huyện Krông Ana và huyện Krông Bông. Ngày 17/1/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 15-HĐBT chia huyện Ea Súp để lập huyện mới Cư M’Gar. Ngày 22/2/1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 19-HĐBT chia huyện Đắk Nông để thành lập thêm huyện mới Đắk R’Lấp. Ngày 10/9/1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 108-HĐBT tách một số xã của huyện Krông Pắc và huyện M’Đrắk để thành lập huyện mới Ea Kar.

Ngày 09/11/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 212/HĐBT thành lập 02 huyện mới là Krông Năng và Krông Nô. Ngày 19/6/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 227-HĐBT tách 05 xã của thị xã Buôn Ma Thuột và toàn bộ diện tích lâm nghiệp của xã Đắk Lao thuộc huyện Đắk Mil để thành lập huyện Cư Jút.

Đến 2003, toàn tỉnh có 18 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 17 huyện) gồm thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Nông, Đắk Mil, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Ana, Cư Jút, Krông Nô, Krông Pắc, Ea Kar, Lắk, Krông Bông, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng, M’Đrắk, Buôn Đôn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, ngày 26/11/2003, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp điểm nhấn của thành phố Buôn Ma Thuột.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp điểm nhấn của thành phố Buôn Ma Thuột.

Sau khi tách tỉnh, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.125,37 km2 với dân số 1.666.854 người. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia), có đường biên giới dài 73km. Lúc này toàn tỉnh có 13 huyện, thành phố: thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Búk, Ea Kar, Krông Ana, Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, M’Đrắk, Krông Pắc, Ea H’Leo, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Năng; với 165 đơn vị hành chính cấp xã, 2.129 thôn, buôn, tổ dân phố.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2005/QĐ-TTg nâng cấp thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị loại II. Ngày 27/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2007/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Krông Ana để thành lập huyện Cư Kuin. Ngày 23/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/ NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc huyện Krông Búk; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Krông Búk để thành lập thị xã Buôn Hồ. Ngày 08/2/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 288/QĐ-TTg công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh.

Đến năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp ; có 184 đơn vị hành chính cấp xã (20 phường, 12 thị trấn, 152 xã).

LAM SƠN - HƯƠNG TRẦN

Các tin khác