Sáng ngày 04/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Trong đó đáng chú ý, về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và lưu ý một số nội dung. Cụ thể, mục tiêu chung là hoàn thành sớm việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan phù hợp, hiệu quả, tinh gọn, sử dụng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ hơn. Tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt khâu trung gian, cơ bản kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ.
Đồng thời, lựa chọn tên gọi các bộ, cơ quan ngắn gọn, bao quát chức năng, nhiệm vụ, vừa có tính lịch sử, kế thừa, nhất là các bộ hợp nhất.
Với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì cần tổng kết, phát huy các mô hình thành công đã có, nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp để làm tốt việc quản lý vốn, phát triển vốn Nhà nước và tập trung cho đầu tư, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước dựa trên hiệu quả tổng thể.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không để khoảng trống pháp lý và xây dựng phương án để khi sắp xếp xong thì bắt tay ngay vào công việc.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 Bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 Bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển
Cụ thể, hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Bộ Hạ tầng và Đô thị
Hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị.
Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường
Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Việc hợp nhất 2 bộ này sẽ khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin
Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin.
Bộ Nội vụ và Lao động
Hợp nhất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi Ban này kết thúc hoạt động); đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi hai đơn vị này kết thúc hoạt động.
Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện việc sắp xếp đầu mối tổ chức bên trong theo quyết định của Bộ Chính trị. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển về Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ này.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết: “Các bộ, cơ quan còn lại thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay”.