/ Pháp luật - Đời sống
/ Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi): Những vấn đề lớn đã được tiếp thu và chỉnh lý

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi): Những vấn đề lớn đã được tiếp thu và chỉnh lý

16/11/2024 16:15 |

(LSVN) - Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo Luật. Bởi vì, quy định này là phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng.

Tại Phiên họp thứ 39 ngày 15/11 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). 

Tại Phiên họp, báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quy định các giao dịch phải công chứng, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, vẫn giữ khoản 13 Điều 75 của dự thảo Luật bởi vì, hiện nay giao dịch phải công chứng đang được quy định trong cả thông tư, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trong một thời hạn nhất định để đáp ứng tiêu chí của Luật Công chứng. Đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy định về giao dịch phải công chứng tại các nghị định được ban hành trước ngày Luật Công chứng có hiệu lực mà không có quy định của luật giao Chính phủ quy định thì vẫn có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính ổn định, chặt chẽ của hệ thống pháp luật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo Luật. Bởi vì, quy định này là phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng.

Mặt khác, đây là quy định kế thừa Luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của một số nước; quy định như dự thảo Luật cũng bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên, bảo đảm thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội.

Liên quan tới nội dung quản lý nhà nước về công chứng trong Luật Công chứng, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội gửi xin ý kiến Chính phủ đã cắt giảm 02 chương, 04 điều và 05 khoản tại một số điều cụ thể. Đối với một số nội dung quản lý nhà nước về công chứng do Chính phủ đề nghị giữ lại như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công chứng, thanh tra trong hoạt động công chứng… đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Thanh tra,… do đó, không nhất thiết phải quy định lại trong Luật Công chứng để tránh trùng lặp. Đồng thời, một số nội dung quản lý nhà nước đặc thù trong hoạt động công chứng đã được thu hút về các điều cụ thể phù hợp của dự thảo Luật.

Do đó, trên cơ sở tiếp thu một phần ý kiến của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung một điều (Điều 7a tại Chương I của dự thảo Luật) quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công chứng, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Tổ chức Chính phủ.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đồng thời, tập trung cho ý kiến vào ba nội dung lớn liên quan đến: Quy định các giao dịch phải công chứng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; nội dung quản lý nhà nước về công chứng trong Luật Công chứng.

Về việc tiếp tục giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, trong 14 luật chuyên ngành hiện có 11 luật quy định bảo hiểm trách nhiệm theo hướng là bảo hiểm nghĩa vụ, đòi hỏi tổ chức hành nghề phải mua bảo hiểm nghề nghiệp cho thành viên.

“Việc mua bảo hiểm nghề nghiệp là nghĩa vụ nên sẽ mua trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tổ chức hành nghề. Nếu là loại hình bảo hiểm bắt buộc thì sẽ phải quy định rõ mức mua và mức bồi thường”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ.

Qua rà soát các luật liên quan đến kiểm toán, Luật sư, khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, các luật liên quan đã bỏ quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là bảo hiểm bắt buộc, chỉ quy định nghĩa vụ mua bảo hiểm. Như vậy, nếu dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp công chứng viên loại hình bảo hiểm bắt buộc thì hiện có duy nhất Luật này bắt buộc mua bảo hiểm nghề nghiệp.

“Mua bảo hiểm nghề nghiệp là để bảo vệ công chứng viên khi có rủi ro về trách nhiệm cá nhân, nhưng so sánh với bác sỹ, kiểm toán viên, Luật sư thì không biết ai rủi ro hơn”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc sẽ phù hợp với quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, góp phần bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng. Mặt khác, đây là quy định kế thừa Luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của một số nước. Việc thời gian qua các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mà Chính phủ nêu tại Văn bản số 777/CP-PL là vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện Luật.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục để tăng cường hiệu quả thực thi quy định này trong thực tiễn, nhất là quy định về cơ chế, điều khoản, nguyên tắc bảo hiểm phù hợp với đặc thù của hoạt động công chứng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận liên quan tới nội dung quản lý nhà nước về công chứng trong Luật Công chứng đã đạt được sự thống nhất cao đồng thời, đối với vấn đề danh mục phải công chứng, về cơ bản thống nhất phải do luật giao hoặc luật giao cho Chính phủ quy định.

Ngoài ra, đối với quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần xây dựng 02 phương án để lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, phương án 1, đề nghị giữ như luật hiện hành; phương án 2, đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình. Tại các phương án yêu cầu phân tích, nêu rõ lập luận về ưu điểm, nhược điểm cũng như kinh nghiệm quốc tế có liên quan.

MINH HIỀN (t/h)

Các tin khác