/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Những điểm mới của luật điều chỉnh

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Những điểm mới của luật điều chỉnh

06/04/2021 03:37 |

(LSVN) - Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện từ hơn 30 năm nay và được thể chế hóa bằng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tăng cường công tác quản lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm cho người dân. Thực tiễn cho thấy, kể từ khi có Luật, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đem lại nguồn thu ngoại tệ về cho đất nước.

 Ảnh minh họa. 

Sau 13 năm thi hành, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cũng phát sinh một số vấn đề mới mà Luật chưa quy định như nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật. Cùng với đó, điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Mặt khác, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các Luật được Quốc hội ban hành gần đây nhuwL Bộ luật Lao động năm 2012 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Bộ luật Dân sự năm 2015...); bảo đảm hội nhập quốc tế, hướng đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế và nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 (Luật số 69/2020/QH14) với một số điểm mới cơ bản sau đây:

Bổ sung về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Các chính sách được bổ sung nhằm bảo đảm cơ chế hỗ trợ của Nhà nước suốt cả quá trình trước, trong và sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, cụ thể:

(1) Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

(2) Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.

(3) Hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động.

Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành và để phù hợp với thực tiễn trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật số 69/2020/QH14 đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, gồm có:

- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật.

- Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này; áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này.

Bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Theo đó, công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh có thể đăng ký trực tuyến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để được hỗ trợ và hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Bổ sung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động khi bị ngược đãi, đe dọa; bổ sung quyền được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.

Khoản 4 Điều 23 Luật số 69/2020/QH14 đã bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động như sau:

- Không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động.

- Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động.

- Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền dịch vụ thấp hơn các quy định trên.

Bổ sung cơ chế để hỗ trợ người lao động tiếp cận, đóng góp, thực hiện các thủ tục và nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong thời gian làm việc ở nước ngoài thay vì cơ chế mang tính chất bồi hoàn và phải làm thủ tục khi đã về nước như hiện nay.

Nâng cao điều kiện hoạt động dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Luật mới bổ sung một số điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng thêm một số điều kiện như: có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên, có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước; người đại diện theo pháp luật có ít nhất 05 năm kinh nghiệm (quy định hiện hành là 03 năm) trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có trang thông tin điện tử…

Bổ sung một số trường hợp doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép như: nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép là giả mạo; không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục.

Bổ sung điều kiện đối với người đứng đầu chi nhánh được giao nhiệm vụ; không quy định giới hạn số lượng chi nhánh mà doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động nhằm tạo điều kiện và cho phép doanh nghiệp được chủ động chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động nhưng gắn với điều kiện cụ thể để hạn chế tình trạng đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề... tràn lan, tránh lãng phí xã hội.

Doanh nghiệp dịch vụ phải chi trả toàn bộ thù lao theo hợp đồng môi giới đối với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và không được yêu cầu người lao động hoàn trả một phần khoản tiền này.

Bổ sung quy định về việc xây dựng, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính

Cụ thể, Luật số 69/2020/QH14 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật và chia sẻ cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thủ tục đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định trong Luật hiện hành đã được bãi bỏ tại Luật số 69/2020/QH14. Các thủ tục khác đã được đơn giản hóa và rút ngắn thời hạn giải quyết như thủ tục cấp giấy phép (rút ngắn thời hạn từ 30 ngày xuống còn 20 ngày), cấp lại giấy phép (rút ngắn thời hạn từ 15 ngày xuống còn 05 ngày) hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thủ tục đăng ký hợp đồng cung ứng lao động giảm từ 05 loại tài liệu xuống còn 03 loại tài liệu trong hồ sơ; thời hạn giải quyết từ 10 ngày giảm xuống còn 05 ngày.

Thạc sĩ MA THỊ THÚY

Trường Đại học Tân Trào

Đưa Luật An ninh mạng vào trường học là rất cần thiết

Admin