Hiện trường vụ tai nạn.
Mới đây, theo báo cáo nhanh của Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên, khoảng 1h30 phút sáng ngày 01/11/2021, anh Hà Văn Đ. (23 tuổi; trú tại xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) điều khiển xe máy chở theo chị Vũ Thị N. (23 tuổi, trú tại xã Tân Ninh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) di chuyển trên đường trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) thì đâm vào ống cống lớn chắn ngang mặt đường. Sau khi phát hiện sự việc, người dân địa phương đã đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu nhưng cả 2 đều không qua khỏi.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo UBND xã Hồng Tiến cho biết, vụ tai nạn xảy ra trong Khu công nghiệp Điềm Thụy, ống cống được để chắn ngang đường nhằm phân luồng, hạn chế phương tiện, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Thời điểm xảy ra tai nạn, 2 nạn nhân đang trở về phòng trọ sau ca làm đêm.
Trước vụ việc trên, dư luận xã hội tỏ ra rất bức xúc khi chứng kiến những ống cống to, chắn ngay lối đi lại rất nguy hiểm, nhất là khi cô gái trong vụ tai nạn thương tâm đang mang bầu 5 tháng.
Có thể xử lý hình sự
Về vấn đề này, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Trách nhiệm chính trong vụ việc thương tâm này thuộc về tổ chức, cá nhân đặt, để chướng ngại vật làm cản trở giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng, quản lý khai khác công trình đường bộ (chủ sở hữu hoặc người quản lý) có thể cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường do tài sản của mình gây thiệt hại”.
Theo Luật sư, tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ: “Nghiêm cấm hành vi đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường”. Do đó, giả sử việc đặt ống cống ra chắn ngang mặt đường là hành vi tự ý của cá nhân mà không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, gây hậu quả làm 2 người chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Theo đó, người nào đặt, để trái phép vật liệu gây cản trở giao thông đường bộ làm chết 2 người thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Nếu cá nhân thực hiện việc đặt để chướng ngại vật trên đường được sự cho phép hoặc chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hành vi này không được coi là vi phạm quy định tại Điều 261 nêu trên. Việc cho phép hoặc chỉ đạo trong trường hợp này phải lập thành văn bản. Căn cứ vào văn bản cho phép để xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc này. Tại Điều 32 về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT ban hành ngày 08/4/2016 có quy định trong trường hợp đường bị thu hẹp phải đặt biển báo số W.203 (a,b,c) hoặc trên đường có chướng ngại vật cần phải chú ý thì phải đặt biển số W.246 (a,b,c).
Trường hợp trên tuyến đường xảy ra tai nạn có đặt một trong hai biển cảnh báo này mà người tham gia giao thông không chú ý quan sát, thì lỗi hoàn toàn thuộc về người dân. Trường hợp, cơ quan Nhà nước cho phép đặt chướng ngại vật trên đường mà trong văn bản cho phép nêu rõ trên đường phải đặt biển cảnh báo, hàng rào chắn hoặc báo hiệu nguy hiểm mà cá nhân thực hiện công vụ không thực hiện, dẫn tới hậu quả làm chết người thì cá nhân đó có dấu hiệu vi phạm Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trường hợp trong văn bản cho phép không yêu cầu cá nhân phải thực hiện những hoạt động cảnh báo đó thì chính cá nhân ký ban hành văn bản cho phép phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trách nhiệm ở đây là hình thức kỷ luật nội bộ của tổ chức nơi mình công tác.
Bồi thường như thế nào?
Về trách nhiệm dân sự, theo Luật sư, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm không liên quan tới tổ chức thì cá nhân đó phải bồi thường cho bị hại. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Chủ sở hữu, người quản lý tài sản trong trường hợp này có thể cũng phải liên đới cùng cá nhân, tổ chức vi phạm bồi thường cho người bị hại.
Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các chi phí được bồi thường bao gồm: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa; Thu nhập thực tế bị mất; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng”.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
"Sự việc trên có vi phạm pháp luật hình sự không và được xử lý như thế nào, rất cần các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên điều tra làm rõ và sớm ra kết luận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân", Luật sư kiến nghị.
LINH NHI
Tây Ninh: Nguyên Chánh án và Phó Chánh án TAND huyện Châu Thành lĩnh 12 tháng tù treo