/ Luật sư trực ban
/ Em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột?

Em trai có được thừa kế tài sản của anh ruột?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Người cha và người con mất cùng thời điểm, người cha chỉ có một người con, đã ly dị vợ. Vậy, di sản thừa kế người cha để lại sẽ chia như thế nào? Liệu em ruột của người cha có được hưởng di sản thừa kế của anh trai không? Bạn đọc T.K.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời vấn đề trên, Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy đinh tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, ngoài trường hợp di chúc không hợp pháp thì còn nhiều trường hợp di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, bao gồm:

Không có di chúc;

Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với di sản thừa kế được chia theo pháp luật sẽ được chia cho nghững người thừa kế theo pháp luật của người chết (để lại di sản), đó là những người có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ về hôn nhân, gia đình đối với người chết (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột của người chết....).

Những người này được chia thành 03 hàng thừa kế (theo thứ tự là hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba). Việc phân chia di sản thừa kế sẽ theo quy định là: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy theo quy định của điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thừa kế theo pháp luật chia làm ba hàng thừa kế. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Nếu người con và người cha chết cùng thời điểm thì theo quy định tại Điều 619 Bộ luật Dân sự năm 2015, họ sẽ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người sẽ do những người thừa kế của người đó được hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Do đó, trừ trường hợp thừa kế thế vị, thì nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người cha (bao gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người cha) không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì quyền hưởng di sản thừa kế của người cha sẽ thuộc về những người thuộc hàng thừa kế thứ hai, bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người cha; cũng như cháu ruột của người cha mà cha là ông nội hoặc ông ngoại.

Và trong trường hợp này, người em ruột của người cha (là người thuộc hàng thừa kế thứ hai) sẽ có quyền được hưởng di sản thừa kế do người cha để lại.

VŨ HUY

Tòa án nào thụ lý đơn ly hôn với người nước ngoài?

Lê Minh Hoàng