Ông Paul D Paton, Trường Luật Fowler thuộc Đại học Chapman, bang California (Hoa Kỳ) điều hành phiên thảo luận về xu hướng nghề luật sư 2023.
Làm sao khống chế được sự “hoảng loạn” đến từ Chat GPT (AI)?
Vào sáng ngày 30/10/2023, Đoàn tham dự chuyên đề về “xu hướng nghề luật sư 2023” với sự điều hành của ông Paul D Paton, Trường Luật Fowler thuộc Đại học Chapman, bang California (Hoa Kỳ), với các chuyên gia hàng đầu đến từ Ủy ban cơ cấu kinh doanh theo Luật đổi mới và cải cách và Ủy ban các vấn đề của Đoàn Luật sư. Các diễn giả đã giới thiệu về cấu trúc tổ chức luật sư ở các nước phát triển, châu Âu, châu Mỹ La Tinh và châu Á, trao đổi về tầm quan trọng của việc nâng cao văn hóa của công ty luật, thể hiện qua việc đưa ra các chính sách, hướng dẫn cho các Văn phòng, Công ty luật nâng cao chất lượng môi trường hành nghề, thể hiện qua sự tôn trọng, bình đẳng, không phân biệt đối xử. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng tìm giải pháp hài hòa hóa các quy định về đạo đức luật sư của các nước có nền văn hóa, chính trị khác nhau, áp dụng các chính sách tiến bộ của nhau. Ông Paul ra ví dụ về việc Tòa án Tối cao California đã thông qua một quy tắc ứng xử nghề nghiệp mới (quy tắc 8.3 của Quy tắc Ứng xử nghề nghiệp của California), yêu cầu các Luật sư của California phải báo cáo bất kỳ Luật sư nào thực hiện hành vi phạm tội, tham gia lừa đảo, biển thủ tiền hoặc tài sản.
Các thành viên Đoàn công tác tham gia phiên thảo luận xu hướng nghề luật sư 2023.
Tuy nhiên, phiên thảo luận bất ngờ thu hút sự chú ý khi đề cập đến sự xuất hiện của Chap GPT và sự tác động đến hoạt động của các hãng luật. Chat GPT là viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer. Đây là một công cụ chatbot được phát triển bởi công nghệ AI của Công ty OpenAI. Công cụ này được ra mắt lần đầu vào tháng 11/2022 và được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ có tên gọi là GPT-3.5, làm giới công nghệ trên toàn thế giới quan tâm và đã thu hút số lượng lớn người dùng. Ứng dụng này có thể trò chuyện, trả lời lưu loát, đầy đủ tất cả các câu hỏi mà người dùng đưa ra chỉ trong vài giây, bất kể là về lĩnh vực gì. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà Chat GPT mang lại cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Chat GPT sở hữu một hệ thống văn bản bao gồm 8 triệu tài liệu và hơn 10 tỉ từ. Nhờ khối lượng dữ liệu khổng lồ này, Chat GPT sẽ xử lý một lượng lớn văn bản và thực hiện các thao tác xử lí, sắp xếp ngôn ngữ tự nhiên, từ đó tạo ra văn bản mới mạch lạc và trôi chảy hơn con người. Chat GPT chỉ mới ra mắt trong một thời gian ngắn nhưng đã nhanh chóng gây sốt trên toàn cầu và được giới Luật sư rất quan tâm.
Quang cảnh phiên thảo luận xu hướng nghề luật sư 2023.
Diễn giả đến từ Anh Quốc được coi là người đầu tiên thành lập Công ty Luật “ảo” trên thế giới, cho biết các quốc gia đang đối mặt với những thách thức đến từ AI, trong đó có Thái Lan và Việt Nam. Ông Paul nói chúng ta không thể tin nổi là Chap GPT mới xuất hiện từ năm 11/2022 và nó đã thay đổi thế giới như thế nào. Các công ty luật của Mỹ đang đẩy mạnh việc tạo AI của riêng mình. Hiện nay đang có những thảo luận từ cuối năm 2022 đến 2023 về việc kỹ năng bắt buộc của luật sư để được hành nghề là phải giỏi về công nghệ, tất nhiên việc này còn tranh cãi. Diễn giả người Anh ra ví dụ về deepfake, deepvoice AI của Tom Cruise trên Tiktok, Youtube, có thể nhiều người thấy thú vị, có người thấy hoảng sợ, như cách như con người từng suy nghĩ về internet khi Internet mới ra đời.
Tại Thái Lan, AI là trọng tâm chính trong chiến lược quốc gia của Thái Lan và nội các đã phê duyệt dự thảo Kế hoạch hành động và Chiến lược AI quốc gia Thái Lan (2022–2027) vào ngày 26/7/2023, với mục tiêu thiết lập một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ AI vào năm 2027, thúc đẩy và quản lý các doanh nghiệp AI. Tuy nhiên, định hướng quy định cụ thể về AI ở Thái Lan vẫn chưa rõ ràng. Liên quan đến nghề luật, diễn giả người Pháp đến từ Lexis Nexis cho biết luật sư có thể sử dụng Chat GPT để hành nghề luật, qua khảo sát của Lexis thì 4/5 Luật sư được hỏi đều công nhận sự hữu dụng của AI trong công việc hành nghề, coi nó như là một công cụ mạnh mẽ nhưng cần cẩn trọng và phải có sự rà soát kỹ lưỡng, là một nguồn tham khảo và không phụ thuộc vào nó. Theo diễn giả đến từ Canada: Trí tuệ nhân tạo (AI), vốn luôn được xác định là vấn đề quan trọng nhất, xét về mặt phát triển nội dung luật, những thách thức đặt ra đối với ngành luật và đối với toàn xã hội. Việc phát triển và áp dụng AI có thể sẽ vượt xa mọi quy định và tác động của nó sẽ rất lớn, nhiều mặt và khó dự đoán.
Diễn giả người Bolivia cho rằng, vì những thành kiến sẵn có và mắc phải trong AI tạo thành mối đe dọa thực sự đối với lĩnh vực pháp lý, không nên loại bỏ sự can thiệp của con người vào việc sử dụng AI, đặc biệt là trong các trường hợp liên quan đến lĩnh vực pháp lý nơi các quyết định của AI gây ra sự phân chia quyền công dân. Mặc dù hỗ trợ AI trong lĩnh vực pháp lý được khuyến khích mạnh mẽ, nhưng việc thay thế hoàn toàn các chuyên gia pháp lý bằng hệ thống AI là một con đường không bằng phẳng. Khi các khu vực pháp lý tiến lên phía trước trong hành trình điều chỉnh AI, các quy định về sự can thiệp bắt buộc của con người vào việc sử dụng AI sẽ được đề xuất. Hơn nữa, việc kết hợp các điều khoản yêu cầu hợp lý hóa dữ liệu đầu vào theo cách thủ công để vô hiệu hóa tác động của những thành kiến cố hữu và mắc phải vẫn là một điều cần thiết, đặc biệt đối với lĩnh vực pháp lý toàn cầu.
Tại phiên thảo luận, Luật sư Phan Minh Hoàng thông tin cho biết ở Việt Nam, các Công ty Luật và Luật sư đang rất quan tâm đến AI và hiện nay, Tòa án tối cao Việt Nam đã tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến, xây dựng phần mềm và ban hành quy định bắt buộc 100% Thẩm phán sử dụng, tương tác với phần mềm “Trợ lý ảo” dành cho Thẩm phán. Câu hỏi đặt ra là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh AI chưa được quy định, đề nghị các diễn giả cho ý kiến nên tạo dựng cơ sở pháp lý về AI như thế nào…
Diễn giả đến từ Thái Lan chia sẻ Thẩm phán AI và phiên tòa online là xu hướng được hình thành từ sau đại dịch Covid và đang được nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng rộng rãi. Diễn giả Pháp cho rằng, do đây là vấn đề rất mới nên phương hướng bây giờ để quy định về AI là áp dụng trước mắt các quy tắc căn bản của nghề luật như quy định về việc hạn chế hoặc cấm nhập thông tin cá nhân của khách hàng, của cá nhân tổ chức vào trong phần mềm AI, không sử dụng AI để làm chứng cứ giả. Ngoài ra cần phải có các buổi trao đổi chuyên đề chuyên sâu của các chuyên gia để hiểu hơn về AI để tìm ra giải pháp và quy định pháp luật phù hợp nhất.
Luật sư Phan Minh Hoàng đặt câu hỏi và trao đổi với các chuyên gia tại phiên thảo luận.
Viết đến đây, tôi vừa đọc tin trên Báo Tuổi Trẻ là ngày 26/10/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo nước này sẽ thành lập Viện An toàn trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới. Tuyên bố này được đưa ra trước thềm hội nghị cấp cao đầu tiên trên thế giới về an toàn AI, diễn ra tại Anh vào ngày 01 và 02/11/2023. Thủ tướng Sunak nêu rõ viện trên sẽ kiểm tra, đánh giá và thử nghiệm các loại hình mới của AI để nắm bắt khả năng của từng mô hình mới, xác định tất cả các rủi ro từ những tác hại đối với xã hội như quan điểm thiên vị và thông tin sai lệch cho đến những nguy cơ cao nhất. Ông cũng lưu ý mặc dù AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như giúp nâng cao năng lực của con người nhưng công nghệ này cũng mang lại những mối nguy hiểm mới, chỉ có các Chính phủ mới có thể đánh giá đúng nguy cơ của AI đối với an ninh quốc gia và không nên dựa vào ý kiến của các công ty công nghệ.
Ngay sau đó, vào ngày 30/10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tăng cường sự an toàn trước những rủi ro liên quan đến AI. Sắc lệnh yêu cầu các nhà phát triển hệ thống AI phải công bố kết quả kiểm tra độ an toàn các chương trình của họ với Chính phủ liên bang, trước khi phát hành rộng rãi đến người dùng, sẽ buộc các công ty phát triển AI phải thông báo cho Chính phủ Mỹ theo Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA), nếu chương trình AI đang phát triển gây ra các rủi ro về an ninh quốc gia, nền kinh tế địa phương hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Đồng thời, sắc lệnh mới này cũng giúp giải quyết các rủi ro liên quan đến hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và an ninh mạng. Đây cũng là một ví dụ về tính cấp thiết trong việc tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh vấn đề AI tại mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Điều gì tác động đến tương lai phát triển của dịch vụ pháp lý?
Sau khi tranh thủ ăn nhẹ tại chỗ và nghỉ chừng 30 phút, đầu giờ chiều ngày 30/10/2023, các thành viên Đoàn công tác tham dự phiên thảo luận của Ủy ban Tương lai của Dịch vụ Pháp lý IBA. Các diễn giả bao gồm các chuyên gia Stephen Bowman Bennett đến từ Canada là đồng Chủ tịch Ủy ban, bà Marie Brasseur Altius đến từ Brussels, Bỉ, thành viên Ủy viên, ông Aster Crashaw Addleshaw Goddard đến từ Luân Đôn, Anh là đồng Chủ tịch, và ông Hideaki Umetsu đến từ Nhật Bản.
Các Luật sư đến từ các nước tranh thủ ăn trưa tại chỗ và trao đổi công việc.
Các diễn giả đã trình bày những điểm nóng phản ánh kết quả khảo sát xác định những phát triển chính sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành nghề dịch vụ pháp lý, cùng với thông tin cập nhật về các dự án đang thực hiện của IBA. Đây là Ủy ban được thành lập để đảm bảo rằng IBA luôn đi đầu trong sự phát triển của nghề luật và hỗ trợ các thành viên của nó cũng như ngành nghề rộng hơn xác định, tác động và ứng phó với những sự phát triển đó. Theo ông Aster Crawshaw, Ủy ban này được coi là gọi là “lực lượng đặc nhiệm” của IBA, nhằm điều phối các hoạt động và dự án của IBA xoay quanh tương lai của dịch vụ pháp lý- một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của IBA. Mục đích của Ủy ban này là phân tích và báo cáo về tình trạng của nghề luật, đặc biệt xem xét nhu cầu thay đổi của khách hàng, những người mới tham gia vào ngành pháp lý, những thay đổi về quy định và giáo dục cũng như số hóa/công nghệ. Khi bước này đã được hoàn thành, Ủy ban sẽ khuyến nghị cách ứng phó với những thách thức này ảnh hưởng đến nghề luật, đồng thời thiết kế các dự án và chương trình để chuẩn bị cho nghề luật trong tương lai.
Phiên thảo luận về kết quả khảo sát đánh giá về tương lai dịch vụ pháp lý.
Kết quả khảo sát cho thấy, nguồn lực của một Công ty luật thường được phân bổ như sau: 28% vấn đề phân biệt đối xử, 24% điều chỉnh dịch vụ pháp lý, 12% về giải pháp công nghệ, 12% về mở rộng phạm vi dịch vụ pháp lý quốc tế và 10% về vấn đề lập pháp. Có 4 nhân tố chủ chốt ảnh hưởng đến hành nghề luật, bao gồm con người, khách hàng, doanh nghiệp (Công ty luật) và nguyên tắc pháp quyền.
Về yếu tố con người, làm sao thúc đẩy làm cho nghề luật mang tính đại diện hơn cho các cộng đồng đa dạng mà nó phục vụ; hỗ trợ cho các thành viên với trách nhiệm quan tâm để đạt được kỳ vọng nghề nghiệp của họ; chú trọng mối quan tâm liên quan đến sức khỏe tâm thần và phúc lợi của các thành viên; tăng cường tập trung vào sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mối quan tâm về giờ làm việc và làm việc bên ngoài từ 3 ngày trở lên; quản lý hiệu quả hoạt động tích cực của các đối tác và Luật sư cấp cao khác; thu hút/giữ nhân tài và chú trọ đào tạo, chuẩn bị đầy đủ cho những người mới vào nghề.
Về yếu tố khách hàng, nghiên cứu và sử dụng công nghệ/AI trong việc cung cấp dịch vụ khách hàng; đánh giá về kỳ vọng của khách hàng ngày càng khắt khe hơn; nhu cầu dịch vụ pháp lý quốc tế tăng cao và tăng nhu cầu cung cấp nhiều dịch vụ từ một nhà cung cấp duy nhất; tăng nhu cầu minh bạch về phí và hóa đơn.
Về yếu tố doanh nghiệp của công ty luật, tăng cường tập trung vào thực tiễn quản lý doanh nghiệp; tập trung vào hiệu quả tài chính và lợi nhuận; xác định cơ sở chi phí/nhu cầu của khách hàng tăng lên thúc đẩy sự hợp nhất trong lĩnh vực pháp lý; chú trọng việc các công ty luật cung cấp các dịch vụ phi pháp lý và các dịch vụ phụ trợ bởi những người không phải là luật sư mà thường được cung cấp bởi luật sư; đầu tư vào các lĩnh vực phi luật sư vào công ty luật; xác định cơ cấu quản trị phức tạp hơn và nhu cầu đưa các nguyên tắc ESG vào hoạt động của tổ chức/công ty luật ngày càng tăng.
Về yếu tố pháp quyền, làm sao tiếp cận công lý cho những người không có nguồn tài chính cần thiết hoặc nguồn lực cần thiết khác; thay đổi quy định, tăng cường giám sát quy định đối với cả hành vi nghề nghiệp và cá nhân; quy định chặt chẽ người tham gia vào lĩnh vực pháp luật không có đủ trình độ pháp lý và yêu cầu nâng cao việc đào tạo, bồi dưỡng quy tắc đạo đức luật sư; những thách thức đối với tính độc lập của ngành luật, bao gồm cả ngành tư pháp, cũng như những cản ngại, khó khăn khi thực thi nguyên tắc pháp quyền; thay đổi quy định, tăng cường giám sát quy định đối với cả hành vi nghề nghiệp và cá nhân.
Trong các yếu tố trên, nguyên tắc pháp quyền là yếu tố có thể gây ảnh hưởng nhất đến việc hành nghề luật, nhưng lại ít được chuẩn bị để đối phó nhất, dựa trên các khảo sát của Ủy ban. Kết quả khảo sát đã phân chia sự ảnh hưởng của các yếu tố này theo thời gian (1-5-10 năm). Ví dụ trong thời gian 5 năm hoặc ngắn hơn, sự phát triển của AI (Chat GPT) và công nghệ đang là vấn đề nóng, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hành nghề luật, đến thời điểm 10 năm thì vấn đề công nghệ và AI sẽ là nhân tố hàng đầu. Về sự chuẩn bị để đối phó với các yếu tố này, về con người thì sự chuẩn bị đã được coi trọng, nhưng lại thiếu giải pháp căn cơ; công nghệ và AI đã được chú ý hơn nhưng cần phải có giải pháp nhanh chóng vì sự phát triển quá nhanh của nhân tố này; sự vận hành Công ty luật thường được chuẩn bị nhưng dễ bị bỏ qua, nhiều Công ty vận hành vì danh tiếng và chưa chú trọng lợi nhuận; còn yếu tố pháp quyền ít được chuẩn bị, chưa gây được sự chú ý và thảo luận vì nhân tố này ảnh hưởng lớn.
Chắc chắn nhiều công ty luật lớn ở Việt Nam đã có sự chú tâm đến các yếu tố này, nhưng do đa phần quy mô của các tổ chức hành nghề ở Việt Nam còn nhỏ bé, nên các yếu tố này chưa thật sự được quan tâm và coi trọng.
Sông Seine êm đềm chảy qua thủ đô Paris.
Trường Đại học tổng hợp Paris cổ kính.
Kỳ IV: Đánh giá về sự phát triển của nghề luật sư trong hội nhập quốc tế
HOÀI PHAN