/ Nghề Luật sư
/ Giá trị xã hội trong mối quan hệ hợp tác giữa Luật sư và báo chí

Giá trị xã hội trong mối quan hệ hợp tác giữa Luật sư và báo chí

20/06/2023 05:49 |

(LSVN) - Luật sư và báo chí có mối quan hệ tác động tương hỗ trong việc tuyên truyền pháp luật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Luật sư cung cấp nền tảng lý luận khoa học luật, các kiến thức pháp lý thực tiễn làm cơ sở để báo chí đưa tin phản ánh sự việc một cách chuẩn xác, khách quan. Báo chí với Luật sư phối hợp song hành cùng nhau thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, định hướng hành động xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh hoạ.

Nghề Luật sư ra đời là kết quả tất yếu của sự vận động trong một xã hội dân chủ. Nó xuất phát từ nhu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người trong các tranh chấp xã hội. Xã hội ngày càng phát triển, kèm theo đó là sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng làm xuất hiện nhiều mẫu thuẫn, động chạm đến quyền và lợi ích của các bên. Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Luật sư không chỉ có vai trò là cầu nối truyền tải pháp luật vào đời sống, đảm bảo các hoạt động của các cơ quan Nhà nước diễn ra đúng pháp luật mà còn góp phần minh bạch hoá thông tin, cung cấp hướng tiếp cận đa chiều cho Hội đồng xét xử, giảm thiểu tối đa các vụ án oan sai trong tố tụng hình sự.

Khác với Luật sư, báo chí có nhiệm vụ phản ánh một cách chân thực những thông tin về tình hình đất nước và thế giới; nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Trong sự nghiệp phát triển đất nước, báo chí là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp và xã hội. Báo chí cần phải đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và ngược lại, đưa nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng.

Vai trò của báo chí đối với hoạt động hành nghề Luật sư

Vai trò của báo chí trong hoạt động hành nghề Luật sư trước hết nằm ở việc cá nhân hoá hình ảnh người Luật sư trong đời sống xã hội. Nghề Luật sư ở Việt Nam xuất hiện vào nửa sau thế kỷ thứ XIX, ban đầu, nghề Luật sư chỉ phục vụ cho người Pháp sống tại Việt Nam. Đến ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh số 46/SL quy định về tổ chức và hành nghề Luật sư (ngày 10/10 sau này được chọn là ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam). Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ và do điều kiện kinh tế khó khăn của đất nước sau chiến tranh mà nghề Luật sư chưa được đông đảo quần chúng nhân dân biết đến. Thậm chí, có nhiều người dân còn nhầm tưởng tổ chức hành nghề Luật sư là cơ quan Nhà nước, Luật sư là công chức Nhà nước và làm trong ngành Toà án. Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin pháp lý đến với bạn đọc thông qua các ấn phẩm của mình. Sau những tình huống pháp lý, tác giả sẽ dẫn lời của một vị Luật sư nào đó đưa ra quan điểm đánh giá tính đúng sai của sự việc. Hoạt động này một mặt giúp nhà báo có cơ sở pháp lý vững chắc khi đưa tin, một mặt giúp đưa hình ảnh của Luật sư đến gần hơn với độc giả.

Báo chí hỗ trợ Luật sư trong việc thu thập hồ sơ vụ án. Để có cơ sở tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân trong quá trình tố tụng, Luật sư cần phải có thông tin đầy đủ, chính xác về vụ việc. Đa số, những thông tin, tài liệu của vụ án không nằm trong tay người dân mà ở chính các cơ quan Nhà nước. Mặc dù Việt Nam đã có Luật Tiếp cận thông tin 2016, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Khiếu nại 2011… quy định cho Luật sư được quyền tiếp cận thông tin, tài liệu không thuộc bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do dẫn tới việc các cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin, tài liệu cho Luật sư. Hiện thực này diễn ra khá phổ biến và pháp luật chưa có chế tài xử lý, dẫn tới việc gây khó khăn, cản trở cho hoạt động hành nghề luật sư. Ngược lại, với vai trò là một bên trung gian đưa tin phản ánh sự việc, khi nhà báo tiếp cận các cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu theo Luật Báo chí 2016 thì lại dễ dàng được chấp thuận hơn. Từ thực tế đó, các nhà báo đã góp phần không nhỏ giúp Luật sư thu thập những thông tin, tài liệu quan trọng làm cơ sở để giải quyết vụ án.

Vai trò của Luật sư trong việc hỗ trợ hoạt động báo chí

Luật sư giúp cơ quan báo chí phản ánh sự việc chính xác, tạo sự tin cậy cho ấn phẩm phát hành. Trong quá trình đưa tin, bài phản ánh thực trạng xã hội, nhiều trường hợp cả người dân và cơ quan báo chí đều không rõ tính pháp lý của vấn đề mình đang gặp phải, trách nhiệm và chế tài của các bên liên quan trong sự việc. Xuất phát từ nhu cầu của độc giả, tính chính xác của tin, bài, cơ quan báo chí rất cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia pháp lý trong đó có Luật sư. Với tư cách là cá nhân được đào tạo bài bản trong lĩnh vực pháp luật, hành nghề luật một cách chuyên nghiệp, Luật sư không chỉ giúp đưa ra các thông tin pháp lý chính xác, mà còn tạo sự uy tín cho bài viết của các nhà báo, vì đã được chuyên gia pháp luật thẩm định.

Luật sư hỗ trợ các cơ quan báo chí giải đáp pháp luật trực tiếp cho người dân. Trong các trang chuyên mục của ấn phẩm báo chí có những phần như: Tư vấn pháp luật (độc giả đặt câu hỏi cho toà soạn để nhờ giải đáp pháp luật); Thư bạn đọc (độc giả nêu vấn đề mình đang gặp phải, nhờ đưa tin phản ánh). Hoặc người dân có thể đến trực tiếp trụ sở của các cơ quan báo chí nhờ tư vấn pháp luật. Khi đó, Các cơ quan báo chí rất cần đến sự hỗ trợ của Luật sư để đáp ứng nhu cầu pháp lý cho nhân dân. 

Luật sư đóng vai trò không nhỏ tạo nên tính đúng đắn trong tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, chính bản thân các phóng viên, nhà báo có thể sẽ gặp phải các vấn đề pháp lý cần giải quyết như việc giao kết và thực hiện hợp đồng truyền thông, giảm thiểu rủi ro pháp lý đối với tội phạm cưỡng đoạt tài sản, giải quyết việc khiếu nại khi đưa tin bài không chính xác gây thiệt hại tới quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức… Để giải quyết được những vấn đề đó đúng pháp luật, cơ quan báo chí cần phải có sự đồng hành của Luật sư.

Sự phối hợp giữa Luật sư và báo chí tạo nên những giá trị tích cực cho xã hội

Qua quá trình phát triển của nghề luật sư, điều dễ nhận thấy là nghề luật sư được hình thành từ cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công xã hội và chính từ hành động chống lại những bất công trong xã hội có giai cấp mà hình ảnh Luật sư xuất hiện như sự hiện diện của một đấng cứu thế, phản ánh ước vọng khát vọng của các tầng lớp nhân dân về công bằng. Hiện nay, Việt Nam có trên 17.000 Luật sư cùng hàng nghìn tổ chức hành nghề luật sư. Có thể thấy, nghề luật sư đang ngày càng khẳng định được vai trò không thể thiếu trong các hoạt động tư pháp nói chung và công tác tuyên truyền pháp luật nói riêng.

Trong hoạt động hành nghề, Luật sư cần phải cung cấp thông tin có giá trị và chính xác, đúng sự thật, đúng với quy định pháp luật cho cơ quan báo chí. Báo chí góp phần tuyên truyền đầy đủ quan điểm của Luật sư tới công chúng. Luật sư như một nguồn thông tin hữu ích giúp báo chí nắm bắt rõ thêm về các quy định pháp luật, quan điểm cá nhân về các vụ việc diễn ra trong xã hội. Để thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo, báo chí cũng cần sự hỗ trợ của các Luật sư để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cộng đồng. Thông qua quan điểm của Luật sư, các cơ quan báo chí đem đến cho người đọc có được cách nhìn khách quan hơn đối với mỗi vụ việc.

Luật sư cùng báo chí phối hợp sẽ đóng vai trò quan trọng góp phần tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội; tạo ra cách nhìn nhận toàn diện đối với các sự việc, vụ án có tính thời sự, tranh cãi trong xã hội… Qua những bài báo có sự phối hợp giữa Luật sư và các cơ quan báo chí góp phần tuyên truyền pháp luật đến người dân sâu rộng, kịp thời và đầy đủ hơn, để người dân nắm bắt pháp luật và lựa chọn xử sự đúng đắn, tránh được những thiệt hại, tổn thất không đáng có do sự thiếu hiểu biết về pháp luật.

Để thúc đẩy mối quan hệ giữa Luật sư và báo chí, các bên cần tăng cường giao lưu và hợp tác thông tin, triển khai công việc nhịp nhàng và hiệu quả hơn nữa, nhằm phát huy tốt nhất năng lực của mỗi bên. Khi giải quyết các vụ việc, đôi lúc Luật sư cũng cần phải chủ động đề nghị các cơ quan báo chí đưa tin về vụ việc, giúp đẩy nhanh tiến trình giải quyết vụ án. Khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan báo chí, Luật sư cần phải nhanh chóng đưa ra các quan điểm ngay khi nhận phỏng vấn, nhằm đảm bảo tính chất khách quan của tin bài và kịp thời đưa ra những thông tin chính xác nhất, không làm dư luận xã hội diễn biến theo hướng lệch lạc và tiêu cực.

Cả nhà báo và Luật sư đều có những xứ mệnh nghề nghiệp cao cả, đều hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan; cả hai đều có những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhất định. Trên cơ sở những nền tảng đó, sự kết hợp giữa nhà báo và Luật sư sẽ đóng góp rất lớn trong việc thực thi chức năng xã hội của nghề nghiệp mỗi bên, tạo sự đồng thuận xã hội trong nhận thức và hành động, góp phần nâng cao dân trí quốc gia.

Luật sư, Thạc sĩNGUYỄN THỊ KIỀU TRANG

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Bàn về việc cung cấp thông tin cho báo chí của Luật sư

 

Nguyễn Mỹ Linh