/ Kinh tế - Pháp luật
/ Giải pháp để ổn định giá nhà

Giải pháp để ổn định giá nhà

18/10/2024 06:25 |

(LSVN) - Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà Hà Nội tăng cao thời gian qua là đầu cơ và tâm lý mua nhà để chờ tăng giá. Đồng thời, nêu ra loạt biện pháp để ổn định giá nhà.

Đây là thông tin được đại diện Bộ Xây dựng đưa ra tại họp báo thường kỳ quý 3/2024, tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, theo khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5-6,5% trong quý II và 25% theo năm tùy từng khu vực.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng theo Bộ Xây dựng, giá bán biệt thự, nhà liền kề trong dự án đều có xu hướng tăng so với quý trước; giá văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại tăng nhẹ khoảng 1-3%.

Để ổn định thị trường bất động sản (BĐS), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho rằng, cần có giải pháp để ổn định tâm lý người mua nhà thông qua việc truyền thông trên báo chí và các phương tiện truyền thông.

Theo Thứ trưởng, ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững thị trường BĐS, để người có nhu cầu ở thực mua được nhà luôn là mục tiêu của bộ và Chính phủ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững cần có chính sách đồng bộ về tài khóa, đất đai và tín dụng.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) Vương Duy Dũng, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ xây dựng đã báo cáo Chính phủ về các giải pháp ổn định giá nhà.

Giải thích về nguyên nhân tăng giá nhà tại Hà Nội, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, biến động tăng giá nhà tại Hà Nội thời gian qua có nhiều nguyên nhân khác nhau, thứ nhất chi phí đầu vào, đặc biệt tiền sử dụng đất, nhân công tăng làm giá nhà tăng.

Thứ hai, nguồn cung BĐS dù đã được cải thiện trong quý 3, tuy nhiên nguồn cung vẫn hạn chế, dẫn tới giới đầu cơ, môi giới tác động kích giá, thổi giá gây nhiễu loạn làm giá nhà tăng cao. Nguồn cung hạn chế cũng tác động đẩy giá nhà trên thị trường tăng.

Thứ ba, các kênh đầu tư khác chưa thuận lợi nên nhà đầu tư chọn BĐS để đầu tư, tích luỹ tài sản, sự dịch chuyển dòng tiền lớn vào thị trường cũng khiến giá nhà tăng thêm.

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cũng cho rằng còn có các nguyên nhân khác đẩy giá nhà tăng thời gian qua.

Để kiểm soát giá nhà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay, Bộ đã báo cáo Chính phủ một số giải pháp như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong thời gian qua và trong Nghị quyết 33 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Thực hiện có hiệu quả 03 Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Điều chỉnh, chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất, có giải pháp ổn định khi ban hành bảng giá đất, tránh tác động tiêu cực đến thị trường.

Quản lý hoạt động kinh doanh BĐS của chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS, hướng tới giao dịch bất động sản qua sàn có sự quản lý của nhà nước để tránh thổi giá, kích giá.

Nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế liên quan tới thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản trong thời gian ngắn. Tình trạng "lướt sóng" BĐS thời gian qua cũng ảnh hưởng tới giá bán trên thị trường.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Vương Duy Dũng cũng cho biết thêm, giải pháp này (đánh thuế BĐS) cũng được Bộ Tài chính, các bộ liên quan đồng tình nghiên cứu ban hành chính sách thuế với BĐS. Tuy nhiên, việc áp thuế với BĐS phải đánh giá kỹ, thấu đáo, toàn diện tác động của giải pháp này vì đây là chính sách mới.

Đánh giá ảnh hưởng tới các đối tượng chịu tác động chính sách thu thuế BĐS, trong đó có doanh nghiệp, người dân, người bán, người mua.

Hơn nữa, chính sách phải phù hợp với thông lệ quốc tế và tránh tác động tiêu cực, hoạt động giao dịch BĐS.

MINH NGUYÊN (t/h)

Các tin khác